Một tòa án Nga ngày 13.4 đã ra yêu cầu chặn truy cập ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram trên lãnh thổ nước này.
“Tòa đã quyết định đáp ứng các yêu cầu Cơ quan quản lý truyền thông Nga (Roskomnadzor), tiến hành hạn chế truy cập Telegram và ngừng cung cấp những điều kiện kỹthuật cho hoạt động trao đổi tin nhắn bằng ứng dụng này”, hãng tin TASS dẫn lời thẩm phán Yulia Smolina.
Ông Alexander Zharov, người đứng đầu Roskomnadzor, tuyên bố sẽ sớm thi hành lệnh cấm, nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Sau khi có phán quyết của tòa, cơ quan quản lý này đã đưa Telegram vào danh sách những trang web bị cấm.
Trong một luật chống khủng bố được ban hành năm 2016, Moscow yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông cho phép chính quyền tiếp cận với các cuộc hội thoại của người dùng. Telegram cho phép người dùng công nghệ mã hóa đầu-cuối, khiến trừ người nhận và người gửi thì không ai có thể đọc được các tin nhắn.
Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) năm 2017 đã đề nghị Telegram chia sẻ khóa giải mã tin nhắn người dùng nhưng đã bị từ chối. Công ty thậm chí đã kháng cáo lên tòa tối cao Nga, viện dẫn lý do việc giải mã về mặt kỹ thuật là không thể và cũng là hành động xâm phạm quyền bảo mật của khách hàng.
Tòa tháng 3 trước đã ra phán quyết có lợi cho giới chức Moscow, và Roskomnadzor cho Telegram thời hạn 15 ngày để giao ra khóa giải mã. Hạn chót là ngày 4.4 vừa qua, nhưng công ty này vẫn không thực hiện, buộc cơ quan quản lý phải tìm cách cấm ứng dụng.
Trước phán quyết của tòa, CEO của Telegram Pavel Durov tuyên bố sẽ sử dụng hệ thống được lập sẵn để vượt qua lệnh cấm của giới quản lý, nhưng không đảm bảo truy cập 100% cho người dùng nếu họ không có mạng riêng ảo (VPN).
Pavel Chikov, luật sư đại diện cho Telegram, đánh giá quyết định của tòa là lời cảnh báo cho các công ty công nghệ khác về việc hoạt động tại Nga khó khăn như thế nào.
Được xếp hạng là ứng dụng nhắn tin di động phổ biến thứ 9 trên thế giới (hơn 200 triệu người dùng toàn cầu), Telegram được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Trung Đông.
Hiện tại, Điện Kremlin cũng dùng Telegram cho công tác liên lạc với báo giới. Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết sẽ sớm chuyển sang dịch vụ nhắn tin khác.
Cẩm Bình (theo Reuters)