Andreas Kluth là cây viết chuyên mục bình luận về chính trị châu Âu. Trên Bloomberg, Kluth cảnh báo nếu các bên không bình tĩnh tại Kaliningrad thì đó là tia lửa cho một vụ nổ đáng sợ.
Giống như một di chứng từ cuộc xung đột châu Âu trong quá khứ, Kaliningrad đã một lần nữa trỗi dậy để thành nơi xuất hiện mối bất hòa.
Vùng ngoại biên Kaliningrad của Nga - được biết đến với tên tiếng Đức là Koenigsberg cho đến năm 1946 - là một mô hình thu nhỏ của tất cả những gì đã từng xảy ra ở châu Âu. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi dải đất bên bờ biển Baltic này trở thành tâm điểm mới nhất trong cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Moscow và phương Tây.
Cuộc đụng độ có lẽ là không thể tránh khỏi. Kaliningrad là một phần của Nga nằm giữa Litva (Lithuania) và Ba Lan, hai quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và NATO. Các tuyến đường sắt kết nối giữa lục địa Nga và lãnh thổ hải ngoại phải đi qua Litva, quốc gia đã bắt đầu thực thi các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow. Điều đó có nghĩa là các đoàn tàu của Nga chở hàng hóa bị hạn chế như than, thép và bộ dụng cụ có chứa một số công nghệ nhất định, bị chặn đường.
Điện Kremlin cho biết điều này tương đương với một “sự phong tỏa”. Không có gì đáng ngạc nhiên, đó là lời đe dọa nghiêm trọng nhưng chưa rõ ràng. Kaliningrad chắc chắn được trang bị tận răng. Đây là đại bản doanh của hạm đội Baltic của Nga cũng như các tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân (Moscow chưa xác nhận liệu chúng có thực sự mang đầu đạn hạt nhân hay không).
Đáp lại, Vilnius và Brussels chỉ ra rằng các hạn chế mới không phải là sự phong tỏa mà chỉ đơn giản là tuân thủ. Là một thành viên của EU, Lithuania phải thực thi các quy tắc của khối, bao gồm cả các lệnh trừng phạt của khối. Và rằng những điều đó chỉ trở nên cần thiết vì Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến hành một cuộc chiến chống lại Ukraine.
Không ai để ý rằng nếu Nga thực sự trả đũa Lithuania - bằng một cuộc tấn công tổng lực hoặc chiến tranh hỗn hợp - thì điều khoản bảo vệ lẫn nhau của NATO sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Một tia lửa và cả hai bên có thể bước vào vòng xoáy diệt vong.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể tránh khỏi. Nếu cả Nga và phương Tây đều dành một chút thời gian để ngẫm lại quá khứ đầy bi kịch và thường là bi thảm của Kaliningrad, họ có thể kết luận rằng có nhiều cách tốt hơn để đối phó với những tình huống như thế này.
Lịch sử của Kaliningrad theo một nghĩa nào đó là một bản tóm tắt về những tổn thương của lục địa già. Khu vực này tại thời điểm bây giờ hay điểm khác được các thế lực đối đích trong khu vực lân cận tuyên bố, thống trị, tranh giành và đánh mất.
Trong suốt thời Trung cổ, khu vực này được định cư bởi một bộ lạc Baltic được gọi là người Phổ, những người vẫn chưa có liên quan gì với người Đức vẫn ở xa về phía tây. Vào thế kỷ 13, các Hiệp sĩ Teutonic (nói tiếng Đức) đã xuất hiện và thành lập một quốc gia rất thiện chiến. Sau đó, khu vực này sau đó trở thành thái ấp của Hoàng gia Ba Lan, với những khúc mắc của Litva và Thụy Điển.
Nhưng trên đường đi lịch sử, Koenigsberg cũng là một địa điểm cho nền văn minh châu Âu nổi tiếng nhất. Là một trung tâm thương mại Hanseatic, nó là một đô thị đa ngôn ngữ, với các phương ngữ tiếng Đức, Baltic và Slavic được nghe thấy trên đường phố. Trong một thời gian, nó thậm chí còn là tiền đồn phía đông của châu Âu ở thời Khai sáng, nơi Immanuel Kant (người chưa bao giờ mạo hiểm rời xa quê hương của mình quá vài dặm) đã suy ngẫm về “lý trí thuần túy” và “hòa bình vĩnh viễn” giữa các quốc gia.
Như thể để phủ nhận Kant, khu vực này trong thế kỷ 20 nằm gần trung tâm của nơi mà nhà sử học Timothy Snyder gọi là “Vùng đất máu” - nơi giao tranh giữa quân đội của Hitler và Stalin. Tại Hội nghị Potsdam năm 1945, Stalin đã giành lấy Koenigsberg và biến nó thành một phần của Liên bang Xô viết, đổi tên nó để vinh danh nhà lãnh đạo Mikhail Kalinin qua đời vào năm đó.
Sự thay đổi về tình trạng của Kaliningrad không quan trọng lắm vào thời điểm đó. Bởi vì Litva và Belarus bên cạnh cũng là một phần của Liên Xô, còn Ba Lan sẽ sớm trở thành đồng minh chính thức trong Hiệp ước Warsaw.
Nhưng sau đó Liên Xô sụp đổ, và trong vòng vài năm, cả Ba Lan và Litva đều gia nhập EU và NATO. Kaliningrad đã bị mắc kẹt, giống như một vùng đất lịch sử tréo ngoe, với những vết sẹo được giấu kỹ bên dưới khung cảnh thành phố u tịch thời hậu Xô Viết. Đối với Tổng thống Putin, vùng đất có lẽ còn có vị trí chiến lược giống một nhóm tác chiến tàu sân bay khổng lồ và cố định phía sau chiến tuyến của kẻ thù.
Thế bây giờ thì thế nào? Kaliningrad chắc chắn không rơi vào nguy cơ chết đói - những hạn chế của Litva cho đến nay chỉ ảnh hưởng đến khoảng một nửa khối lượng vận tải đường sắt, và Nga vẫn có thể cung cấp hàng hóa qua đường biển và đường hàng không. Tuy nhiên, Tổng thống Putin không thể tỏ ra yếu đuối bằng cách bỏ mặc những hiềm khích chưa được giải đáp.