Vào lúc căng thẳng leo thang giữa các bên dính líu nội chiến Syria, Nga tuyên bố sẵn sàng bắn rơi chiến đấu cơ Mỹ ở Syria, sau vụ Mỹ bắn rụng máy bay cường kích Su-22 của Syria tối 18.6.
Lầu Năm Góc hôm 19.6 nỗ lực tìm cách kéo giảm căng thẳng với Nga.TướngJoseph F. Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ nói quân đội Mỹ-Nga có liên lạc với nhau, sau khi Moscow giận dữ tuyên bố: Nga đã cắt đường dây nóng để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa chiến đấu Nga-Mỹ hoạt động trên không phận Syria.
Nga cũng tuyên bố sẽ bắn hạ máy bay Mỹ và đồng minh, nếu các máy bay này bay ra khỏi vùng hoạt động của chúng. Tướng Dunford nói: "Đường dây liên lạc sáng nay vẫn còn hoạt động". Ông cho biết chính phủ Mỹ "trong vài giờ tới sẽ hoạt động ngoại giao và quân sự, để tái lập vùng phi xung đột với quân đội Nga ở Syria.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc nói vụ bắn rụng Su-22 của Syria là "tuân thủ qui định tựvệ chung của lực lượng liên quân".
Khi được hỏi liệu máy bay Mỹ có phải chịu nguy cơ bị chiến đấu cơ Nga-Syria bắn rụng hay không, Tướng Dunford đáp:"Tôi tin tưởng chúng tôi vẫn duy trì liên lạc giữa trung tâm hoạt động của chúng tôi với trung tâm điều hành của Cộng hòa liên bang Nga. Tôi cũng tin tưởng lực lượng của chúng ta có khả năng tự xử lý tình huống".
Theo báo Washington Times, vụ chiến đấu cơ Su-22 của không quân Syria bị Mỹ bắn rơi, cùng những hoạt động thù địch của các nhóm quân có Iran ủng hộ vào các căn cứ Mỹ ở vùng biên giới Syria-Iraq, đã khiến nội chiến Syria trở nên nóng bỏng nhất, tính từ khi Mỹ bắt đầuđánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi 3 năm trước.
Các nhà phân tích những tuyên bố của Nga-Mỹ đều là dấu hiệu "ghi điểm" và tranh phần của các "tay chơi lớn" ở Syria, trước khả năng "nhà nước" tự xưng của bọn IS bị sụp đổ ở thành phố Raqqa (Syria).
Họ nói tuyên bố giận dữ của Nga rất bất thường, trước vụ máy bay của đồng minh Syria bị bắn hạ.Ngày 19.6 tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói việc Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ của chế độ Tổng thống Syria thân Nga Bashar Assad là hành động xâm lược và ủng hộ bọn khủng bố, thách thức luật pháp quốc tế.
Vị thứ trưởng còn nói: "Mặc kệ ai nắm quyền lực ở Washington, họ đều có thói quen nghĩ rằng có một số hoàn cảnh cho phép họ ra vẻ bề trên, có thái độ coi thường và đôi khi công khai phớt lờ luật quốc tế".
Đó là lần thứ hai Nga quyết cắt đường dây nóng được thiết kế để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa Nga với Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ ở chiến trường Syria.
Hồi tháng 4, đường dây nóng bị cắt tạm thời, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng tên lửa hành trình "Búa Tomahawk" vào một căn cứ không quân Syria, với cớ ngăn chặn chiến đấu cơ cất cánh tấn công hóa học vào các lực lượng chống chính phủ Syria.
Vài tuần sau, đường dây nóng được nối lại, nhưng quan hệ quân sự Mỹ-Nga xuống cấp trầm trọng sau vụ phóng "Búa Tomahawk". Chính phủ Mỹ khẳng định vụ này không là tín hiệu Mỹ ngả về phenào trong nội chiến Syria.
Quan điểm này được người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nhắc lại ở cuộc họp báo ngày 19.6: chính bọn IS là mối đe dọa cho tất cả các nước, chứ không phải chế độ Assad và Nga.
Ông Spicer nói Mỹ vẫn muốn giữ đường dây nóng với Nga, nhưng Mỹ cũng sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ quân đội và quyền lợi Mỹ ở Syria: "Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ quyền tự vệ".
Kim Hương (theo Washington Times)