Nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ không thành công, đó sẽ là một thảm họa, ít nhất là cho các cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới như Ả Rập Saudi hay Nga, mà nguy cơ thất bại hiện tại lại không nhỏ chút nào. Vậy Ả Rập Saudi sẽ làm gì để cứu vãn thỏa thuận Doha?

Nga và Venezuela hồi hộp chờ quyết định về dầu mỏ của Ả Rập Saudi

14/04/2016, 11:15

Nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ không thành công, đó sẽ là một thảm họa, ít nhất là cho các cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới như Ả Rập Saudi hay Nga, mà nguy cơ thất bại hiện tại lại không nhỏ chút nào. Vậy Ả Rập Saudi sẽ làm gì để cứu vãn thỏa thuận Doha?

Thời khắc mà hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung và các nước xuất khẩu dầu lửa nói riêng chờ đợi từ lâu hiện đã ở rất gần, khi mà hội nghị bàn về đóng băng sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC sẽ được diễn ra tại Doha (Qatar) vào ngày 17.4 tới. Nếu thỏa thuận bàn về cắt giảm sản lượng lớn nhất thế giới kể từ năm 2000 này diễn ra thành công theo đúng như mục đích ban đầu của nó, giá dầu thế giới chắc chắn sẽ được phục hồi, và điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với tình hình chính trị cũng như kinh tế trên khắp thế giới. Nhưng nếu nó không thành công, đó sẽ là một thảm họa, ít nhất là cho các cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới như Ả Rập Saudi hay Nga, mà nguy cơ thất bại hiện tại lại không nhỏ chút nào. Vậy Ả Rập Saudi sẽ làm gì để cứu vãn thỏa thuận Doha?

Những diễn biến trước thềm hội nghị tại Doha dường như không thuận lợi cho Ả Rập Saudi hay Nga, khi mà giá dầu đã bất ngờ chùng xuống ngay trước khi thỏa thuận đóng băng sản lượng quan trọng này diễn ra. Đó được xem là một tín hiệu xấu, rằng thị trường thế giới nghi ngờ về khả năng hội nghị tại Doha có thể đạt được thành công, đó là một thỏa thuận đóng băng sản lượng ở mức khai thác trong tháng 1.2016 – đồng nghĩa với một sự cắt giảm sản lượng thực sự, giữa 13 thành viên của OPEC và 3 nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC là Nga, Oman và Bahrain. Tổng sản lượng dầu mà tất cả các nước tham gia hội nghị Doha sở hữu tổng cộng lên tới khoảng 75% thị trường toàn cầu, và nếu một sự thỏa thuận đóng băng diễn ra chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng vọt trở lại. Nhưng, có vẻ như thị trường thế giới dường như lại không nghĩ như vậy.

Yếu tố mấu chốt, theo các nhà phân tích, đang ngăn cản khả năng hội nghị bàn về đóng băng sản lượng ở Doha thành công, là sự mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước tham gia. Hầu hết các nước tham gia hội nghị ở Doha đều ủng hộ phương án đóng băng sản lượng, mà Ả Rập Saudi, Nga và Venezuela là những nước ủng hộ mạnh nhất; tuy nhiên vẫn có một số nước không chấp thuận việc cắt giảm này, mà điển hình là Iran, Iraq và Lybia. Những nước phản đối việc cắt giảm lại đang nắm giữ một sản lượng đủ lớn để có thể khiến cho một sự chấp thuận đóng băng giữa các nước còn lại có thể trở thành công cốc. Đó là lý do vì sao Ả Rập Saudi tuyên bố nước này sẽ chỉ chấp thuận thỏa thuận đóng băng sản lượng nếu như các nước phản đối như Iran hay Iraq cũng tham gia, vì nếu không Saudi sẽ rơi vào tình trạng “cốc mò cò xơi”, bản thân chịu thiệt thòi để các nước như Iran hưởng lợi.

Khả năng đạt được một thỏa thuận giữa tất cả các nước tham dự hội nghị ở Doha thấp đến mức, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak – vốn là một người đã rất tích cực vận động để các nước khác chấp thuận phương án đóng băng sản lượng – cũng phải chán nản thừa nhận: “Thỏa thuận ở Doha có thể sẽ được ký kết trong tháng này, nhưng sẽ chỉ với những cam kết một cách hết sức lỏng lẻo”. Sự chán nản của ông Novak là có cơ sở, khi mà dường như Nga đã không thể thuyết phục được đồng minh Iran của mình chấp nhận tham gia thỏa thuận Doha dù Nga đã rất cố gắng, khi mà vào giữa tháng 3 ông Novak đã bay đến Tehran để thuyết phục các nhà lãnh đạo Iran đồng ý với thỏa thuận Doha. Hiện phía Iran tuyên bố Bộ trưởng dầu mỏ nước này là ông Bijan Zanganeh sẽ không đến dự hội nghị ở Doha, và thay vào đó sẽ chỉ cử một đại diện mà thôi. Đây là những dấu hiệu khá rõ rệt cho thấy Iran không hề có ý định tham gia vào thỏa thuận đóng băng sản lượng, vì đã nhiều lần nước này tuyên bố sẽ tìm cách giành lại thị phần trên thị trường dầu thế giới, vốn đã bị các nước khác như Ả Rập Saudi hay Nga giành mất sau khi Iran bị Mỹ và các nước châu Âu cấm vận vì vấn đề hạt nhân cách đây vài năm.

Trong trường hợp thỏa thuận Doha thất bại, đó có thể là một kịch bản tồi tệ đối với các cường quốc xuất khẩu dầu có mặt tại hội nghị, mà điển hình là Nga và Ả Rập Saudi. Nếu thỏa thuận Doha thất bại, không nghi ngờ gì việc Ả Rập Saudi và Nga sẽ là hai nước bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cả hai nền kinh tế Nga và Saudi đang gặp những tác động xấu từ việc giá dầu sụt giảm quá mạnh và diễn ra trong một khoảng thời gian quá lâu, đến mức chính Nga và Saudi là những nước đầu tiên đứng ra đề xuất một thỏa thuận đóng băng giữa phần lớn các nước xuất khẩu dầu trên toàn cầu, bao gồm OPEC và các nước ngoài OPEC. Hiện cả nền kinh tế Nga và Saudi đều đang có những diễn biến xấu, ngân hàng thế giới đã hạ dự báo chỉ số tăng trưởng kinh tế của Nga trong 2 năm 2016 và 2017, đồng thời tỷ lệ người nghèo trong xã hội Nga đang gia tăng không ngừng.

Còn tại Saudi, nước này vừa tuyên bố một quỹ chuyển đổi cơ cấu kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD để chuyển sang một mô hình kinh tế mới đa dạng hơn thay vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc khai thác và xuất khẩu dầu như trước. Dù Riyadh đã chính thức bắt tay vào việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn, thì giá dầu vẫn rất quan trọng với Saudi, vì nước này hiện vẫn là nhà xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Một khi giá dầu tăng mạnh trở lại sẽ vừa làm giảm áp lực đối với nền kinh tế Saudi hiện tại, mà cũng khiến cho khả năng tài chính trong vấn đề cơ cấu nền kinh tế trong tương lai dồi dào và thuận lợi hơn.

Đó là lý do mà Saudi gần như chắc chắn sẽ phải tìm cách cứu vãn thỏa thuận đóng băng sản lượng ở Doha. Tuy nhiên nước này đang gặp nhiều khó khăn, khi mà mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran – nước đứng đầu phe tuyên bố phản đối thỏa thuận Doha – đang không được tốt lắm. Khả năng Ả Rập Saudi thuyết phục được Iran là tương đối thấp, khi hai nước mới cắt đứt quan hệ ngoại giao cách đây vài tháng do liên quan đến một vấn đề mang tính tôn giáo. Cơ may duy nhất ở thời điểm hiện tại có thể giúp Saudi lật ngược thế cờ là trông vào sự can thiệp của Nga – nước được cho là đã đứng ra khởi xướng việc thiết lập thỏa thuận ở Doha lần này. Nga đang có quan hệ khá tốt với Iran, khi giữa hai nước đang có một số thỏa thuận khá quan trọng, điển hình là việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 đã bị trì hoãn từ lâu. Việc Saudi tuyên bố sẽ chỉ tham gia thỏa thuận Doha nếu Iran cũng tham gia, vì thế được xem là một giao kèo ngầm mà Saudi ngầm đưa ra cho Nga, đó là nếu anh thuyết phục được Iran thì tôi sẽ tham gia, còn không thì nghỉ khỏe.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga và Venezuela hồi hộp chờ quyết định về dầu mỏ của Ả Rập Saudi