Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng vụ án Công ty Việt Á thổi giá kít xét nhiệm cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trục lợi.

Ngăn các “biến thể Việt Á” trong tương lai như thế nào?

Hoài Lam | 23/05/2022, 14:13

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng vụ án Công ty Việt Á thổi giá kít xét nhiệm cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trục lợi.

Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi; một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn, liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương, một số cán bộ, đảng viên tiếp tay, bao che cho việc phạm tội làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Một trong những vụ án nổi cộm ở lĩnh vực này vừa qua là vụ việc tại Công ty Việt Á và dư luận cho rằng nếu không bịt các kẽ hở, nhiều vụ việc tương tự Việt Á sẽ hình thành trong tương lai.

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw về vấn đề này.

- Vụ Công ty Việt Á “thổi” giá thành sản phẩm từ việc lợi dụng kẽ hở của Luật Giá đã tạo nên lo ngại về sự hình thành của các Việt Á trong tương lai. Ông có thể chỉ rõ thủ đoạn trục lợi trong vụ việc này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Vụ việc trên đã gây bức xúc không nhỏ đối với toàn xã hội. Sự việc này được đã xảy ra trong thời gian tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước ta vô cùng căng thẳng.

Trong khi cả nước nỗ lực chống dịch thì họ lại lợi dụng dịch để tư lợi cho bản thân hay “nhóm lợi ích”. Việc mua bán những sản phẩm xét nghiệm với giá cao, thông đồng với nhau để tạo thành một đường dây rất lớn, là vấn đề rất nghiêm trọng.

Rõ ràng chúng ta đều nhận thấy đây là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng; đồng thời cũng cho thấy việc làm trái lương tâm của một số bộ phận tổ chức cá nhân có liên quan đến vụ án này. Nếu không ngăn chặn kịp thời, đây sẽ là mảnh đất “màu mỡ” cho tham nhũng.

Vụ việc trên có thể thấy lãnh đạo Công ty Việt Á đã rất tinh vi và thủ đoạn khi lợi dụng sự “hám lợi”, sự thiếu trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương và thông qua kẽ hở trong quy định pháp luật để trục lợi. Trong đó lỗ hổng trong Luật Đấu thầu chính là nguyên nhân quan trọng, tiên quyết dẫn tới thực trạng nêu trên.

Đầu tiên phải kể đến quy định về chỉ định thầu theo Điều 22 Luật Đấu thầu 2013. Đây là một trong các hình thực lựa chọn nhà thầu được quy định tại Mục 1 Chương 2 của Luật này.

nth2.jpeg
Vụ án tại Công ty Việt Á khiến hàng loạt cán bộ bị khởi tố

Theo đó, một trong các trường hợp được chỉ định thầu là gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách.

Đặc biệt, việc thực hiện chỉ định thầu với gói thầu này khi chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật đấu thầu 2013 thì không phải chịu bất cứ điều kiện, ràng buộc nào bao gồm việc phải có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án; có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu; có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay; có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày; nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Đây chính là kẽ hở vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác.

- Một vấn đề nghiêm trọng khác phải kể đến là việc các quy định pháp luật đã trao quyền quá lớn cho các tổ chức thẩm định giá. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quy định tại Điều 29 Luật giá 2012, về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá bao gồm: tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá,…

Điều 42 Luật giá quy định doanh nghiệp thẩm định giá được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định theo thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng.

Đối với nghĩa vụ của các doanh nghiệp này, luật quy định: tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của luật này và Luật Doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá; quản lý hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá thuộc quyền quản lý; thực hiện chế độ báo cáo;…

Như vậy, nếu nhìn vào 2 quy định nêu trên của Luật giá 2012 thì các doanh nghiệp hoạt động thẩm định giá hoạt động trên tinh thần “tự nguyện” tôn trọng pháp luật bởi lẽ không có bất cứ một cơ quan hay cơ chế nào giám sát quá trình thực hiện để cho ra kết quả thẩm định gía này.

Chỉ đến khi các vụ việc bị phát giác thì thanh tra, Kiểm toán Nhà nước mới vào cuộc thì “sự cũng đã thành” và việc khắc phục thiệt hại trở nên khó khăn, phức tạp khi đã can hệ đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Đây chính là điểm hổng lớn dẫn tới giá thành của các thiết bị y tế bị đội lên rất nhiều với giá trị thực, khi mà các thẩm định viên có thể dễ dàng thông đồng với các công ty cung ứng thiết bị và lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức đấu thầu thực hiện mua sắm để cố tình làm sai lệch ngay từ khi bắt đầu quá trình định giá.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chỉ định thầu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc chỉ định thầu với nhà đầu tư quy định theo khoản 4 Điều 22 Luật đấu thầu trong các trường hợp: “a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn” cũng đã vô hình trung tạo ra sơ hở để các cơ quan, tổ chức có quyền chỉ định thầu đối với việc mua sắm thiết bị y tế nếu chứng minh được tính hợp pháp và hợp lý chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc chỉ có nhà đầu tư đó mới đáp ứng được các khả năng về các lĩnh vực được đưa ra ở điểm b nêu trên.

nth.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Trong vụ việc này, kit xét nghiệm COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên giám đốc Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, Giám đốc Công ty Việt Á đã thông đồng với lãnh đạo một số đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá, ... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Như vậy, các bên liên quan đã lợi dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn trong mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.

-Theo ông, giải pháp nào để khắc phục được tình trạng này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để ngăn chặn hành vi này cần phải có sự điều chỉnh ngay những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để hạn chế sự làm quyền của các thẩm định viên cũng như các doanh nghiệp hoạt động về thẩm định giá, bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm, …

Với trường hợp của Công ty Việt Á vừa qua thì việc căn cứ vào giá được công bố trên cổng thông tin này cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù Bộ Y tế đã thông báo đây chỉ là giá tham khảo chứ không phải giá bắt buộc áp dụng vậy nên các địa phương, đơn vị cần thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và tự chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Điều này mặc nhiên đẩy các địa phương, cơ sở y tế vào sự bối rối vì cũng không nắm được giá thành thật sự của sản phẩm nên chỉ có thể lấy đúng giá công bố trên Cổng Công khai giá. Chính vì thế, Bộ y tế cũng nên bổ sung thêm quy trình xem xét, kiểm tra và đánh giá chất lượng cũng như giá thành của các thiết bị này trước khi công bố trên Cổng Công khai giá để có thể trở thành kênh thông tin chính xác, đảm bảo việc đấu thầu thực hiện mua sắm thiết bị y tế trở nên minh bạch hơn.

Theo đó, các biện pháp quản lý giá bao gồm đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá. Quy định cụ thể nội dung kê khai giá: giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn các “biến thể Việt Á” trong tương lai như thế nào?