Bản án có hiệu lực hơn 1 năm, nhưng phía ngân hàng thắng kiện vẫn chưa thu hồi được nợ của người vay tiền. Cơ quan thi hành án nhiều lần trả hồ sơ khiến giám đốc nhà băng nổi giận và nộp đơn kiện bà chi cục phó...

Ngân hàng khiếu nại phó Chi cục thi hành án vì không chịu thi hành án!

Một Thế Giới | 20/11/2015, 14:35

Bản án có hiệu lực hơn 1 năm, nhưng phía ngân hàng thắng kiện vẫn chưa thu hồi được nợ của người vay tiền. Cơ quan thi hành án nhiều lần trả hồ sơ khiến giám đốc nhà băng nổi giận và nộp đơn kiện bà chi cục phó...

"Câu giờ"
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Chi nhánh TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), vừa gửi đơn cho nhiều cơ quan chức năng để khiếu nại việc chậm thi hành án của chấp hành viên Trần Thị Ánh Tuyết. Bà này hiện là Chi cục phó Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng).
Ông Trung cho biết: “Bên khiếu nại là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh TP. Sóc Trăng chứ không phải cá nhân tôi. Tuy nhiên, tôi là người đại diện theo pháp luật. Thật tình mà nói, ngành của chúng tôi là đưa tiền cho người khác vay, đôi khi có những món nợ khó đòi thì phải đưa ra tòa và phía giúp ngân hàng thu hồi nợ là cơ quan thi hành án. Vì vậy, ngân hàng đâu muốn va chạm với thi hành án, nhưng bà Tuyết đã gây khó khăn cho chúng tôi trong bản án phúc thẩm số 12 ngày 3.9.2014 của TAND tỉnh Long An nên chúng tôi mới khiếu nại”.
Theo ông Trung, có 3 cơ quan được ngân hàng gửi đơn khiếu nại bà Tuyết là Chi cục Thi hành án Dân sự tỉnh Sóc Trăng, Thường trực Huyện ủy Châu Thành và Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự Châu Thành. Trong phần kiến nghị có nêu: “Bà Tuyết đã cố tình kéo dài thời gian thi hành án, làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, thu hồi nợ của ngân hàng chúng tôi. Việc này làm thiệt hại về kinh tế của ngân hàng, không thu hồi được vốn cho Nhà nước. 
Bà Tuyết đã vi phạm Điều 19 của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2014. Điều 19 quy định việc “Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án có ghi rõ: Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của toà án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó”.
Nhiều lần trả hồ sơ, vì bắt lỗi câu chữ
Theo hồ sơ tố tụng, tháng 8.2011 và tháng 2.2012, bà Phạm Thị Phương Loan (ngụ huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) có ký 2 hợp đồng tín dụng với Phòng Giao dịch Mekong (trực thuộc Agribank Chi nhánh TP. Sóc Trăng) để vay 800 triệu đồng. Tài sản bà Loan thế chấp là nhiều thửa đất ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng…
Do bà Loan bội tín, Agribank Chi nhánh TP. Sóc Trăng khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ. Sau khi TAND huyện Tân Trụ xử phía ngân hàng thắng kiện, bà Loan kháng cáo xin giảm nợ quá hạn. Ngày 3.9.2014, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm, tuyên bà Loan phải trả cho ngân hàng tiền gốc lẫn lãi trên 1,1 tỷ đồng (bản án số 12). Đến tháng 12.2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Trụ (Long An) ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (Sóc Trăng) để thi hành bản án số 12 vì tài sản bà Loan thế chấp ở huyện Châu Thành. Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án ở Châu Thành cho rằng, bản án số 12 tuyên không rõ ràng vì có câu: “Tiếp tục thực hiện hợp đồng thế chấp”, nên yêu cầu cơ quan tố tụng ở Long An giải thích…
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa tuyên bản án số 12, ngay sau đó đã có công văn giải thích rõ, và Chi cục Thi hành án Tân Trụ lại ủy thác lần 2 cho cơ quan Thi hành án huyện Châu Thành. Lần này, bà Tuyết nhận hồ sơ nhưng vẫn không chịu tổ chức thi hành án vì cho rằng, việc giải thích của tòa ở Long An là… không đúng với Điều 240, 382 Bộ Luật Tố tụng dân sự, nên tiếp tục trả hồ sơ, kiên quyết không hỗ trợ thi hành án.
Bà Tuyết cho biết, Khoản 1 Điều 240 Bộ Luật Tố tụng dân sự, ghi: Sau khi tuyên án thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai… Vì vậy, bà cho rằng, việc “bổ sung” như văn bản giải thích của TAND tỉnh Long An là không phù hợp! 
“Khoản 3 Điều 382 thì nêu: Việc giải thích bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa và biên bản nghị án. Tuy nhiên, TAND tỉnh Long An lại căn cứ vào hợp đồng thế chấp là không đúng. Do câu chữ chưa chặt chẽ, quyết định ủy thác của Tân Trụ chưa thể hiện được phần giải thích bản án”, nữ chi cục phó nói. Theo bà Tuyết, ngoài việc trả hồ sơ cho huyện Tân Trụ, chi cục đang làm văn bản xin ý kiến ngành dọc cấp trên. 
Nhưng trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Dũng, Viện trưởng VKSND huyện Châu Thành, lại cho biết, việc giải thích bản án của TAND tỉnh Long An là đúng, nội dung phù hợp. 
“Mọi việc đã rõ, các đương sự liên quan đồng tình trong việc để cơ quan thi hành án phát mãi tài sản, giúp ngân hàng sớm thu hồi nợ. Theo tôi, hồ sơ liên quan đến vụ này đã đủ điều kiện thi hành án, không nên làm khó!”, ông Dũng nói.
Hàm Yên

Bài liên quan
Đồng Nai: Đề nghị giải quyết dứt điểm khiếu nại về sử dụng đất tại rừng phòng hộ Xuân Lộc
Sáng 25.4, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có buổi giám sát, làm việc với Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc về thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng đất đai từ năm 2019 đến 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng khiếu nại phó Chi cục thi hành án vì không chịu thi hành án!