Hôm nay 25.10, đại diện nhóm Năng lượng và Khoáng sản của Ngân hàng Thế giới (WB) đã giới thiệu kế hoạch hợp tác và triển khai dự án hỗ trợ của WB đối với TP.HCM.
Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM ngày 25.10, các chuyên gia của WB cho biếtViệt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời vì giá thành đã giảm đáng kể.
"WB đã làm việc, thảo luận và thống nhất sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai các hoạt động phát triển điện mặt trời tại Việt Nam trong thời gian tới", chuyên gia của WB nhấn mạnh.
Đối với TP.HCM, các chuyên gia của WB đề xuất hỗ trợ TP.HCM triển khai Chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà tại thành phố để có thể nhân rộng ra cho cả nước nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt công suất lắp đặt điện mặt trời 12GW.
Theo đó, WB sẽ hỗ trợ TP.HCM đánh giá tổng quan lợi ích của việc triển khai chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà; hỗ trợ kỹ thuật; đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia năng lượng cho thành phố; hỗ trợ công tác đấu thầu tìm nhà cung cấp thiết bị và tìm kiếm nguồn tài chính triển khai chương trình.
Theo đại diện nhóm Năng lượng và Khai khoáng của WB, một nghiên cứu của Nhóm vào năm 2013 cho thấynếu toàn bộ các tòa nhà cao tầng tại TP.HCM được lắp đặt pin năng lượng mặt trời thì có thể cung cấp năng lượng mặt trời tương ứng 110 MWp.
Việc lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ giúp tận dụng những “mái nhà bịbỏ quên”, giúp tạo ra việc làm, lợi nhuận. Ngoài ra,nhóm cũng mong muốn việc triển khai dự án tại TP.HCM sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội học hỏi cách làm, công nghệ để từ đó nhân rộng mô hình này.
Về phía TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho rằng việc triển khai Chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà trên địa bàn TP.HCM là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng tất yếu hiện nay của nhiều nước trên thế giới về khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thân thiện với môi trường, giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Năm 2015UBND TP.HCM đã triển khai chương trình thí điểm xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên địa bàn thành phố và đã đạt được một số kết quả như: phát triển 1MWp/năm; thí điểm mô hình kỹ thuật/tài chính; đến nay đã có 90 điểm phát điện từ điện mặt trời kết nối lưới điện quốc gia với tổng công suất 1,5MWp và dự kiến cuối năm 2016 đạt 2MWp. Hiện nay, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1% tổng công suất tiêu thụ của toàn thành phố và mục tiêu đến năm 2020 phải đạt trên 1,74%.
Tuyết Nhung