Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu có thuận lợi về thị trường, tuy nhiên vùng nguyên liệu chế biến chưa đủ đáp ứng.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam và nỗi lo trồng rừng

Hồ Đông | 23/04/2022, 11:51

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu có thuận lợi về thị trường, tuy nhiên vùng nguyên liệu chế biến chưa đủ đáp ứng.

Chiều 22.4, tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức hội nghị “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì.

Giá gỗ nguyên liệu tăng cao

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước có 5.580 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Đến nay, đã có hơn 1.000 DN chế biến gỗ, lâm sản được chứng nhận quản lý theo chuỗi hành trình sản phẩm theo hệ thống chứng nhận của các tổ chức FSC và PEFC quốc tế.

Các DN chế biến gỗ tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ, chiếm trên 42% tổng số DN cả nước; khu vực Nam Trung Bộ chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh miền Bắc nơi có các làng nghề truyền thống như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ đạt 15,96 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những thành tích, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn trong thời gian vừa qua. Đại dịch COVID-19 và gần đây là cuộc xung đột Nga - Ukraine làm cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Con số thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong vòng 3 tháng đầu 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.

Cần phát triển trồng gỗ nguyên liệu trong nước

Theo ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, để cung cấp đủ gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt 17 tỉ USD vào năm 2022 và 20 tỉ USD vào năm 2025 theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì công tác trồng rừng nguyên liệu còn nhiều hạn chế.

Theo đó, chưa đáp ứng đủ lượng gỗ nguyên liệu cho chế biến, lượng gỗ nhỏ, non chiếm tỷ lệ lớn, không thể sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao. Lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng cho rằng: "Nguồn cung gỗ rừng trồng có chất lượng là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào kết quả thực tế đến nay của việc trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là trồng rừng có chứng chỉ bền vững FSC thì thấy còn nhiều hạn chế”. 

Dẫn con số thống kê từ nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam và Forest Trends, ông Đỗ Xuân Lập cho hay, tính đến hết tháng 3.2022, tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000ha, tương đương 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam.

Nếu tính cả diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (khoảng 50.000ha cho tới nay) thì tổng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững mới chỉ đạt dưới 7% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất. Tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ của thấp, chỉ chiếm 30 - 40% trong tổng lượng gỗ khai thác. Phần còn lại 60 - 70% đi vào dăm và viên nén. Năng suất rừng trồng tới nay cũng còn rất hạn chế. Nhiều diện tích mới chỉ đạt 10 - 15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Việt Nam cần phấn đấu sản lượng gỗ tròn khai thác từ rừng trồng sản xuất đạt 35 triệu mét khối vào năm 2025, 50 triệu mét khối năm 2030. Phấn đấu diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu hecta giai đoạn 2021-2025, hơn 1 triệu hecta giai đoạn 2026-2030.

Từ thực tế đó, ông Lập đề xuất Chính phủ cần ưu tiên, khuyến khích việc phát triển gỗ rừng trồng là gỗ lớn, có chứng chỉ bền vững. Điều này đã thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp 2006-2020, Chiến lược 2020-2030 và tầm nhìn tới 2050, cũng như trong đề án Phát triển bền vững ngành chế biến gỗ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3 vừa qua.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu có thuận lợi về thị trường, tuy nhiên vùng nguyên liệu chế biến chưa đủ đáp ứng. Các địa phương phải quy hoạch được vùng nguyên liệu rừng trồng, tập trung nguồn lực phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; phải chú trọng công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, kiểm soát được chất lượng giống; đầu tư kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, lựa chọn nghiên cứu các giống cây gỗ lớn phù hợp; đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ người dân, chủ rừng chăm sóc rừng tốt hơn; đẩy mạnh chứng chỉ phát triển rừng bền vững...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam và nỗi lo trồng rừng