Năm 2019 đã chứng kiến tổng doanh thu phòng vé toàn cầu đạt mức cao nhất lịch sử với 42,5 tỉ USD. Trong đó, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm 9,2 tỉ USD (so với 11,4 tỉ USD của Mỹ). Giờ đây, trước sự bùng nổ của coronavirus, ngành công nghiệp điện ảnh nước này đang vật lộn với điều tưởng chừng không thể xảy ra: Gần hết mọi rạp, tổng cộng khoảng 70.000 phòng chiếu, đã ngừng hoạt động.

Ngành điện ảnh Trung Quốc bị khủng hoảng nghiêm trọng bởi coronavirus

Chí Thiện | 29/01/2020, 16:37

Năm 2019 đã chứng kiến tổng doanh thu phòng vé toàn cầu đạt mức cao nhất lịch sử với 42,5 tỉ USD. Trong đó, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm 9,2 tỉ USD (so với 11,4 tỉ USD của Mỹ). Giờ đây, trước sự bùng nổ của coronavirus, ngành công nghiệp điện ảnh nước này đang vật lộn với điều tưởng chừng không thể xảy ra: Gần hết mọi rạp, tổng cộng khoảng 70.000 phòng chiếu, đã ngừng hoạt động.

Theo Hollywood Reporter, khả năng kiểm soát sự lây lan coronavirus của chính quyền Bắc Kinh không được đánh giá cao đã dẫn đến dự đoán tổng doanh thu phòng vé toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 1 tỉ USD đến 2 tỉ USD. Chưa hết, việc giao thông công cộng bị kiểm soát chặt chẽ và đình trệ tại quốc gia đông dân nhất thế giới còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực giải trí khác như sân khấu, sản xuất truyền hình, công viên chủ đề và esports. Trong cuộc họp nội bộ vào ngày 28.1, CEO Tim Cook của Apple đã cho biết coronavirus gây ra sự bất ổn định không dự đoán được cho tình hình kinh doanh quý đầu năm 2020.

Thám tử phố Tàu 3 là phim chiếu Tết 2020 được mong chờ nhất

Cho đến nay, phần lớn thiệt hại của ngành công nghiệp điện ảnh đã được các công ty Trung Quốc gánh chịu. Thế nhưng, Imax - công ty liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc, vận hành hơn 680 rạp tại nước này - cũng không nằm ngoài phạm vi bị ảnh hưởng. Cổ phiếu được niêm yết tại Hồng Kông của nó đã giảm mạnh 11,3% vào ngày 28.1. "Quý đầu tiên của họ hoàn toàn nổ tung", nhà phân tích Eric Handler cho biết. "Trong quý đầu tiên của năm ngoái, một nửa tổng doanh thu đến từ tuần lễ đầu tiên của năm mới”.

Như các chuyên gia y tế công cộng đã lưu ý, thời điểm xảy ra dịch coronavirus - vào đêm trước Tết Nguyên đán của Trung Quốc, khi hàng trăm triệu người bắt đầu di chuyển trên khắp đất nước để về quê hương - là cơn ác mộng tồi tệ nhất của các nhà dịch tễ học. Nó cũng không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn cho ngành công nghiệp điện ảnh địa phương. Trong thập niênqua, phim chiếu rạp đã nổi lên như lựa chọn giải trí được ưa chuộng nhất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 1 tuần lễ.

Một khu mua sắm thường nhộn nhịp của Bắc Kinhnay vắng tanhvào ngày 28.1

Vào tháng 2.2019, Trung Quốc đã lập kỷ lục về doanh thu phòng vé trong 1 tháng - cao nhất ở bất kỳ quốc gia nào - với 1,6 tỉ USD. Kỷ lục này trước đó thuộc về tháng 7.2011 của Mỹ (1,4 tỉ USD chưa tính tỉ lệ lạm phát). Tết Nguyên đán 2019 cũng đánh dấu sự xuất hiện của bộ phim bom tấn khoa học viễn tưởng đầu tiên của Trung Quốc: The Wandering Earth. Mở màn tuần đầu tới 298 triệu USD, bộ phim này cuối cùng đã cán mốc 690 triệu USD tiền vé.

Mặc dù những phim chiếu Tết năm nay được đánh giá là tiềm năng hơn bao giờ hết, thế nhưng các nhà phân phối phim tại Trung Quốc đang tranh cãi với khả năng tổng doanh thu phòng vé từ cuối tháng 1 đến tháng 2 sẽ là con số 0.

Người dân Macau đeo khẩu trang trong dịp Tết 2020

Khi mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng coronavirus trở nên rõ ràng vào ngày 20.1, các quan chức y tế bắt đầu cảnh báo người dân Trung Quốc tránh tụ tập ở những nơi đông người. Nhận thấy rằng hướng dẫn như vậy có khả năng áp dụng cho cả rạp chiếu phim, các hãng phim lớn của Trung Quốc đã thông báo vào ngày 23.1 rằng họ sẽ hoãn vô thời hạn ngày phát hành của 6 bộ phim chiếu Tết Nguyên đán: Thám tử phố Tàu 3, Cấp tiên phong, Lạc lối ở Nga, Đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, Giải cứu khẩn cấp, Khương Tử NhaBoonie Bears: The Wild Life. Tất cả đều có ngày ra rạp ban đầu là 25.1, nhằm Mùng 1 Tết.

Ga tàu lửa Bắc Kinh vào ngày 23.1

Theo công ty tư vấn phòng vé Artisan Gateway, các rạp chiếu phim đã cố gắng hoạt động trong 3 ngày 24-25-26.1, thu về tổng cộng 2 triệu USD - chẳng là gì so với 507 triệu USD của năm ngoái. "Ai biết được dịch bệnh này sẽ kéo dài bao lâu? Trung Quốc về cơ bản là tự cách ly. Bạn không thể phạm lỗi với đất nước”, Eric Handler nói.

Công ty Huanxi Media đã đối phó với cuộc khủng hoảng bằng cách quyết định phát hành trực tuyến Lạc lối ở Nga. Hãng phim này đã ký hợp đồng với ByteDance - công ty đứng sau TikTok. Bên cạnh số tiền 90 triệu USD, Huanxi Media sẽ được chia phần lợi nhuận từ quảng cáo.

Phim Lạc lối ở Nga

Động thái của Huanxi Media đã gây ấn tượng với dân trong ngành và khán giả - những người đang bị mắc kẹt tại nhà và thiếu thốn phương tiện giải trí. Tuy nhiên, các nhà phân phối phim tại Trung Quốc thì không mấy hài lòng. Một lá thư kiến nghị chung đã được ký bởi các chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất của Trung Quốc bao gồm Wanda, Bona, Dadi và Lumiere Pavilions. Theo đó, các công ty này hứa sẽ tẩy chay tất cả các phim phát hành trong tương lai của Huanxi, và kêu gọi Cục Điện ảnh Trung Quốc can thiệp. “Huanxi đi ngược lại mô hình thanh toán và doanh thu mà ngành công nghiệp điện ảnh đã phát triển trong nhiều năm. Công ty này chà đạp và cố ý phá hủy ngành công nghiệp điện ảnh và mô hình chiếu rạp”, lá thư viết.

Huanxi cho rằng họ vẫn cam kết với mô hình phim chiếu rạp, nhưng chỉ cố gắng làm hài lòng người hâm mộ và các cổ đông của mình trong bối cảnh lịch sử tồi tệ.

Dù điều gì xảy ra tiếp theo, các chuyên gia tin rằng nhiều công ty điện ảnh Mỹ nên bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn hậu coronavirus. Năm 2019, phim Green Book của Universal và Amblin Entertainment (Alibaba phân phối tại Trung Quốc) đã lập kỷ lục phòng vé tại Trung Quốc, kiếm được 70 triệu USD ngay sau khi chiến thắng giải Oscar.

Nhìn thấy thành công đó, một loạt các phim nghệ thuật do Mỹ sản xuất năm nay đã được định ngày công chiếu tại Trung Quốc vào tháng 2 sau khi dịp lễ Tết Nguyên đán kết thúc. Jojo Rabbit của Searchlight công chiếu ngày 12.2, sau đó là Little Women của Sony vào ngày 14.2 và Marriage Story của Road House vào ngày 28.2. Trước khi dịch bệnh bùng phát, các nguồn tin tại Bắc Kinh nói rằng phim 1917 - ứng viên sáng giá nhất cho hạng mục “Phim hay nhất” của Oscar 2020 - của đạo diễn Sam Mendes cũng đã nhận được ngày công chiếu vào tháng 2 từ công ty Alibaba.

Đáng tiếc, rất ít chuyên gia tin rằng những thỏa thuận trên vẫn diễn ra. “Không ai biết điều gì sắp xảy ra, nhưng chúng tôi đang giả định rằng tất cả các phim dự kiến ra mắt ​​vào tháng 2 sẽ bị hủy", CEO của một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh nắm giữ quyền phát hành cho một bộ phim được đề cử Oscar nói với Hollywood Reporter. (Vị này yêu cầu không được nêu tên vì sự nhạy cảm của việc bình luận về các vấn đề liên quan đến khủng hoảng y tế hiện nay). Nếu ngày phát hành của những bộ phim này bị đẩy lùi quá xa so với lễ trao giải Oscar thì doanh thu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Tùy thuộc vào mức độ tiến triển của dịch bệnh, các hãng phim phải tự thích nghi để bảo vệ chính mình. Chẳng hạn như bản live-action Mulan của Disney dự kiến phát hành tại Trung Quốc vào ngày 27.3, và No Time to Die cũng có thể bị hoãn.

Các nhà quan sát cũng tin rằng việc khởi động lại việc phát hành phim của Trung Quốc - cho dù là vài tuần kể từ bây giờ hay vài tháng - sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc tạm ngừng nó bởi có ít nhất 6 bom tấn đang chờ ngày ra mắt. "Sẽ có quá nhiều bộ phim lớn cạnh tranh trong cùng một tuần," một giám đốc điều hành của một hãng phim Trung Quốc nói.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành điện ảnh Trung Quốc bị khủng hoảng nghiêm trọng bởi coronavirus