Nhạc sĩ Quốc Bảo qua khỏi một cơn đột quỵ tưởng chừng còn có giây phút nữa là lìa đời.

Nhạc sĩ Quốc Bảo: Ta ra đời một kiếp nữa

bai cao | 28/01/2020, 10:52

Nhạc sĩ Quốc Bảo qua khỏi một cơn đột quỵ tưởng chừng còn có giây phút nữa là lìa đời.

Anh viết: “Có biến cố mới biết mình được yêu thương đến độ nào. Và ý thức mình là tằm phải nhả tơ ra sao”. Bài viết này anh gởi đếnTHGNvào buổi chiều cuối năm, từ gợi ý:“Đất lại nảy mầm xanh”.

Khi ta càng lớn tuổi, thời gian dường như càng trôi nhanh; và ta bỗng tiếc nuối muốn lần khân sao cho ngày dài ra, thời gian giãn ra (đến vô cùng thì tốt) để ta được sống lâu hơn. Nhưng ngay từ mười bảy tuổi, tôi đã nghĩ đến tuổi già của mình và viết về nó trong những trang nhật ký, những dòng thơ vụng dại và đã có một quyết định gây sóng gió trong gia đình: làm một nhạc sĩ ở đời sống này và cả kiếp sống sau. Muốn như vậy, tôi dành trọn vẹn thời gian sống để đắm mình trong âm nhạc: nghe, chơi đàn, viết nhạc, đến nay đã tròn ba mươi năm.

Thủ bút của Quốc Bảo.

Làm thế nào để sống một đời nhạc vào cái thuở tôi mười bảy tuổi, đó là một lựa chọn mạo hiểm. Nếu như những người cùng thời phải bươn chải trong các đoàn văn công, các ban nhạc trẻ, các tốp nhạc chơi ở vũ trường, thì tôi dùng thời gian để học nhạc cổ điển và sau đó viết nhạc trẻ (nhạc pop phổ thông). Tôi chỉ có một quãng ngắn chơi nhạc trong một band ở một sàn nhảy không lấy gì tiếng tăm; và rồi tôi cũng rút về nhà tự học thay vì trải nghiệm niềm hạnh phúc và cả sự thống khổ cùng các nhạc công. Nói một cách đơn giản, tôi đến với âm nhạc theo đường vòng, học lý thuyết đến mòn óc trước khi trải nghiệm và thực hành ở môi trường studio. Để tôi nói rõ hơn về điều này.

Tôi viết ca khúc đầu tay vào đêm ba mươi Tết năm 1997, năm đó tôi tròn hai mươi tuổi và bài hát có những câu như thế này:

Người người điểm tâm bằng tiếng cười

Em bé không nhà

Điểm tâm bằng hơi lạnh ngát hương

Tức là rất… xã hội.

Từ cái Tết mở màn cho việc sáng tác, tôi liên tục viết (có những tháng tôi soạn đến bốn mươi bài hát) trong khi vẫn dạy guitar và viết báo. Dạy guitar là để trau giồi kiến thức và kinh nghiệm thực hành; viết báo là để dấn thân vào môi trường văn nghệ và cũng để nuôi thân. Bấy giờ tôi là một ký giả trẻ, lì lợm gan góc, có mặt gần như trong tất cả các sự kiện âm nhạc của Sài Gòn, viết tường thuật và phê bình không biết mệt, phỏng vấn mọi nhân vật âm nhạc từ cổ điển (Tạ Bôn, Bích Hồng, Hoàng Điệp, v.v.) đến nhạc phổ thông. Bấy giờ tôi là một trong những người cổ xuý cho nhạc trẻ sinh viên và là giám khảo kỳ thi sinh viên hát tiếng Anh Unplugged do đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức, và đã viết rất nhiều bài báo về các nhân tố nhạc trẻ sinh viên phát hiện được qua cuộc thi ấy: Hồ Quang Hưng, Hồ Bích Ngọc, Trần Lê Quỳnh… Thường để sự trò chuyện được khách quan, tôi cố giấu mình đang là một giảng viên guitar và có sáng tác, chỉ thể hiện những gì một ký giả âm nhạc phải thể hiện, tức là phỏng vấn, chụp ảnh và viết báo. Đến quãng 2000, vì không thể phân chia thời gian cho viết báo, dạy học và sản xuất âm nhạc nên tôi ngừng viết báo/dạy học, trở thành producer toàn thời gian. Nhưng quãng đời viết báo, nếu cho tôi được quay lại (với không khí báo chí như lúc ấy), tôi sẵn lòng tiếp tục làm một người phê bình/tường thuật âm nhạc. Chưa có không khí báo chí nào đầy đắm say như không khí tôi đã trải ở giai đoạn 1991 – 2000 cả.

Năm 1997, bằng những lý thuyết đã tích luỹ được trước đó, tôi đi vào công việc sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp, là producer tự do hoạt động cùng tất cả các hãng băng đĩa Việt Nam thời kỳ đó: Vafaco, Phương Nam Phim, trung tâm Băng Nhạc Trẻ, Saigon Audio, Bến Thành. Từ mớ ca khúc trong ngăn kéo, tôi chọn ra một bài, Em về tinh khôi, ca khúc nhỏ ấy đã đem lại thành công cho tôi ở tư cách người sáng tác. Thế là tôi viết không lúc nào dừng, đến… giờ.

Hầu hết các sáng tác của tôi là tình ca, song vẫn có đây đó những bài hát xã hội như thể bài đầu tay vụng dại thi thoảng lại trồi lên nhắc tôi phải viết đề tài xã hội, quê hương vậy.

Triệu triệu tay ấm nối nhau về ánh dương

Chung sức đi xây nguồn tình thương

hay:

Người sẽ vươn cánh bay

Đường bay trùng sóng mây

Người sẽ nhặt lấy tinh hoa đem về

Mùa Xuân này ngồi điểm lại, tôi đã có một ngàn bài hát trong vòng ba mươi năm. Tôi định mình sẽ viết tiếp mười năm nữa, nếu như không phải để dành vốn cho… kiếp sau.

Nhưng thật ra, bạn thân mến, làm một nghệ sĩ tức là tái sinh liên tục trong một kiếp sống, vì mỗi sự việc xảy đến đều mới lạ, vì mỗi trải nghiệm đều kỳ thú, vì mỗi ký ức đều quý giá như chỉ xuất hiện một lần.

Ngày nào cũng là một cuộc đời trọn vẹn mới. Giống như mùa Xuân mỗi năm lại đến, mà xuân nào cũng như đến lần đầu với tất cả sự tươi trẻ và nỗi hy vọng cho mình. Cho mọi người.

Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa

Như từ trong nhau

Lớn lên khôn lên cùng nhau.

(Quốc Bảo, Bình yên, 2002)

Bài và ảnhQuốc Bảo(theo TGHN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Quốc Bảo: Ta ra đời một kiếp nữa