Sáng 18.2, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức tập huấn chuyên đề khai thác ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học.

Ngành giáo dục tập huấn ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học

Dạ Thảo | 18/02/2023, 15:15

Sáng 18.2, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức tập huấn chuyên đề khai thác ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học.

Ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học

Qua ứng dụng Zoom, chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương cho biết buổi tập huấn đã thu hút hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.

Chia sẻ về việc ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết, với những ích lợi ChatGPT mang lại thì việc tiếp cận phần mềm giúp cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên làm việc thêm tự tin hơn. Đồng thời, góp phần đưa giáo dục Ba Đình tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, bắt kịp sự phát triển của công nghệ nhất là quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

z4119015974342_aa7074430d932e439f27463245cd65ed.jpg
Chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương

Tại buổi tập huấn, thầy cô giáo đã được trang bị nội dung rất hữu ích trong việc khai thác ChatGPT để thực hiện công tác quản lý, công tác dạy và học. Bên cạnh đó là công tác chủ nhiệm lớp cụ thể như soạn giáo án, ra đề kiểm tra, trả lời tin nhắn phụ huynh học sinh, viết sáng kiến kinh nghiệm, tìm tài liệu cho bài dạy, lập kế hoạch hoạt động cho một chương trình cụ thể. Trong buổi tập huấn, thầy cô giáo cũng được chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương hướng dẫn cách tạo tài khoản ChatGPT.

Ông Bùi Duy Phương cho biết, khi sử dụng ChatGPT, giáo viên cần lưu ý đây chỉ là một công cụ hỗ trợ và không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên. Giáo viên cần sử dụng ChatGPT một cách cẩn thận và cân nhắc khi sử dụng kết quả được cung cấp bởi nó.

“Nên đặt câu hỏi rõ ràng và cung cấp đầy đủ thông tin để thu được câu trả lời chính xác. Giáo viên cũng nên kiểm tra lại các kết quả được cung cấp để đảm bảo tính chính xác và phù hợp.
Hơn nữa, giáo viên cần luôn tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin của học sinh và không tiết lộ thông tin cá nhân của học sinh cho bất kỳ ai, kể cả ChatGPT…”, ông Bùi Duy Phương chia sẻ.

Chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương cũng nhấn mạnh, ChatGPT nên được sử dụng như một công cụ phụ trợ để giáo viên hỗ trợ học sinh trong việc học tập. Đồng thời, giáo viên đóng vai trò giám sát và định hướng cho học sinh trong quá trình sử dụng công cụ ChatGPT.

ChatGPT cần ứng dụng linh hoạt

Đối với người học, ChatGPT là một trợ lý học tập cá nhân hoàn hảo cho mỗi học sinh. ChatGPT có thể giải đáp mọi câu hỏi cũng như đáp ứng mọi yêu cầu về học tập của học sinh như tìm thông tin, nghiên cứu, viết luận, sáng tác… mọi lúc mọi nơi. Còn với giáo viên, ChatGPT sẽ soạn giúp giáo án hay soạn đề thi phù hợp với tình huống mà thầy cô mong muốn, giúp trả lời các câu hỏi của học sinh hay giúp nhận xét bài làm của học sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trước đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết cách tốt nhất để thích ứng khi ChatGPT ra đời đó chính là phải hiểu về công nghệ và phải tiến hành sử dụng.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường cần ứng dụng linh hoạt để đưa công nghệ vào giáo dục để giúp nhà giáo giảm bớt công việc, tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như bình đẳng trong giáo dục. Ngành giáo dục cũng sẽ nghiên cứu cách hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào công nghệ để đạt được mục đích mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục nhằm giúp mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Bên cạnh đó là việc giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường.

“Đó là những chính sách mà Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ trong buổi giới thiệu về ChatGPT được ứng dụng trong giáo dục.

Theo các chuyên gia giáo dục và công nghệ, trước mắt cần dạy cho người học hiểu mặt tích cực và hạn chế, cũng như việc sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm và đạo đức như việc ghi rõ nguồn nếu lấy tài liệu, ý tưởng từ ứng dụng này. Về phía giáo viên, họ phải ý thức được mình phải là người dẫn dắt học sinh, không chỉ truyền thụ kiến thức như trước đây. Đây là thách thức nhưng đồng thời cơ hội để giáo viên ở tất cả các bậc chắc chắn phải tham gia và phải nghiên cứu kỹ để có chính sách phù hợp. Không phải chính sách riêng của từng giáo viên, từng bậc học, mà là chính sách chung trong khối giáo dục nói chung.

GS Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni chia sẻ, khi sức nóng của ChatGPT lan tỏa khắp nơi, chúng ta không tranh cãi tốt hay xấu, mà nghiên cứu để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này vào dạy học như thế nào, dạy sinh viên sử dụng đúng cách, hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành giáo dục tập huấn ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học