Với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, các mặt hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì người tiêu dùng thắt chặt ví tiền, chỉ chú trọng mua sắm cho các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Ngành hàng xa xỉ ‘điêu đứng’ vì đại dịch COVID-19

20/04/2020, 21:42

Với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, các mặt hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì người tiêu dùng thắt chặt ví tiền, chỉ chú trọng mua sắm cho các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Các ngành hàng xa xỉ vắng bóng người mua vì đại dịch - Ảnh: Internet

Theo JLL Việt Nam, trong tháng 2 và tháng 3 năm nay, lượng khách tại nhiều trung tâm bán lẻ ở TP.HCM đã giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều nơi đã đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Sang đến quý 2/2020, cũng là lúc bắt đầu giai đoạn cách ly xã hội thì một vài thương hiệu quốc tế đã hoãn kế hoạch ra mắt trong năm nay tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM.

Còn ở Hà Nội, để hỗ trợ người thuê trong đợt bùng phát đại dịch này, nhiều chủ nhà đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ tạm thời. Một số chủ nhà lựa chọn hỗ trợ trực tiếp dưới dạng giảm 10-50% tiền thuê, độ chênh lệch tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một số chủ nhà chọn cách hỗ trợ gián tiếp như tung ra gói khuyến mãi và quảng cáo để thu hút khách hàng.

Bà Trang Bùi, Trưởng phòng thị trường tại JLL Việt Nam nói rằng, hiện tại, những thách thức trên thị trường là giải quyết tiền thuê quá hạn từ các nhà bán lẻ và khách thuê nhà đã phải đóng cửa. Mục “điều kiện bất khả kháng” - một yếu tố quan trọng trong các hợp đồng lại là một phần mà mọi người hay cho là mặc định. Tuy nhiên, trong hai tuần qua, những mệnh đề đó đang được đọc đi đọc lại trên bàn thương lượng.

“Sự sụt giảm của lượng khách du lịch quốc tế sẽ tác động mạnh mẽ nhất đến thị trường bán lẻ xa xỉ. Chi tiêu bán lẻ trong nước có thể bị giảm tạm thời do người tiêu dùng không muốn ra khỏi nhà. Các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn mặt hàng thiết yếu - loại sản phẩm người tiêu dùng có xu hướng tích trữ khi có dịch. Các mặt hàng xa xỉ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì người tiêu dùng thắt chặt ví tiền và chỉ chú trọng mua sắm cho các nhu yếu phẩm hàng ngày”, bà Trang nhìn nhận.

Theo bà Trang, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ tác động đáng kể đến ngành bán lẻ. Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc “bất động” do dịch đã gây ra tình trạng thiếu nguồn cung và ngừng sản xuất tạm thời tại nhiều cơ sở trên toàn cầu. Hạn chế giao thương tại các cảng và sân bay cửa ngõ chính cũng khiến kho bãi và phương tiện vận chuyển phục vụ chuỗi cung ứng “đóng bụi”.

Nếu tình hình dịch bệnh ổn định vào giữa năm, mùa mua sắm cuối năm vào quý 4 sẽ giúp giảm bớt tác động tài chính của dịch bệnh vào đầu năm. Thế nhưng, doanh số bán hàng vào dịp Tết Nguyên đán đã bị ảnh hưởng và nhiều tháng không hoạt động có thể sẽ tạo ra lỗ hổng tài chính không thể phục hồi.

“Các nhà bán lẻ có cơ sở hạ tầng để thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến thông qua giao hàng tận nhà đang được coi là có lợi thế khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến. Sau khi tình hình ổn định, JLL dự đoán các nhà bán lẻ sẽ tập trung phát triển mô hình bán lẻ đa kênh linh hoạt và bền vững; tăng cường quan hệ đối tác giữa chủ nhà và nhà bán lẻ sẽ cần phải xuất hiện để đạt được điều này. Cho dù đôi khi mối quan hệ có thể trở nên bất lợi như thế nào giữa chủ nhà và người thuê nhà, điểm mấu chốt là mọi người cùng tìm ra điểm chung và vượt qua khó khăn”, bà Trang nói thêm.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Tháo gỡ đến cùng các vấn đề pháp lý doanh nghiệp gặp phải
một giờ trước Theo dòng thời sự
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành và cùng cộng đồng doanh nghiệp "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành hàng xa xỉ ‘điêu đứng’ vì đại dịch COVID-19