Giá lợn hơi xuất chuồng sáng nay (20.4) vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cũng vì thế tăng theo, nhiều người "bàng hoàng" khi phải trả tới 300.000 đồng/kg thịt lợn.

Người tiêu dùng bàng hoàng khi giá thịt lợn lên đến 300.000 đồng/kg

20/04/2020, 12:23

Giá lợn hơi xuất chuồng sáng nay (20.4) vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cũng vì thế tăng theo, nhiều người "bàng hoàng" khi phải trả tới 300.000 đồng/kg thịt lợn.

Giá thịt lợn tại siêu thị và các chợ dân sinh ở vẫn ở mức cao - Ảnh: Tuyết Nhung

Sáng 20.4, giá lợn hơi xuất chuồng liên tục tăng mạnh không ngừng tại nhiều địa phương. Trong đó, tại miền Bắc đã vượt mức 90.000 đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay tiếp tục giữ mức kỷ lục 93.000 đồng/kg. Nhiều thương lái cho biết giá lợn hơi có thể tới đỉnh 100.000 đồng/kg trong thời gian tới. Nhìn chung, mức giá được thương lái trả giá tại chuồng tiếp tục nằm trong khoảng từ 90.000 - 93.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, thị trường hôm nay tiếp tục ghi nhận mức giá tăng nóng, nhiều địa phương thậm chí còn cao hơn cả miền Bắc. Mức giá được thương lái trả giá từ 82.000 - 93.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại miền Nam, mức giá hạ nhiệt hơn dao động ở mức từ 80.000 - 87.000 đồng/kg.

Theo đà tăng giá xuất chuồng, theo ghi nhận của PV, giá thịt lợn đến tay người dân miền Bắc hôm nay tiếp tục tăng mạnh. Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, giá thịt lợn quanh mức 150.000 - 190.000 đồng/kg. Cụ thể, tại nhiều chợ dân sinh ở khu vực Lê Trọng Tấn, Ngã Tư Sở, Láng... tiểu thương đồng loạt bán giá 160.000 đồng/kg thịt ba chỉ; sườn thăn, sườn non có giá cao nhất tới 190.000 đồng/kg. Tương tự, giá thịt lợn tại nhiều khu vực khác cũng không dưới 150.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại siêu thị giá vẫn ở mức cao từ 150.000 - 300.000 đồng/kg (tùy xuất xứ thịt). Cụ thể, thịt mông giá rẻ nhất khoảng 150.000 - 160.000 đồng/kg; thịt vai từ 180.000 - 230.000 đồng/kg; thịt thăn 150.000 - 160.000 đồng/kg; chân thịt giò khoảng 200.000 đồng/kg; sườn thăn khoảng 250.000 đồng/kg, thịt sườn sụn, sườn non có giá cao nhất từ 300.000 - 310.000 đồng/kg...

Chị Xuân (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) than thở giá thịt lợn hôm nay lại tăng so với mấy ngày trước. "Hôm nay tôi bận việc từ sáng nên không có thời gian đi chợ. Nãy vừa chạy xuống siêu thị gần nhà mua sườn non. Gia đình tôi đặc biệt rất thích ăn sườn non, nhưng hoang mang thật khi nhìn giá thấy 310.000 đồng/kg. Mức giá này còn đắt hơn thịt bò, thịt trâu nhập khẩu. Chắc từ mai gia đình mình chuyển qua ăn hải sản và thịt bò nhập khẩu còn rẻ hơn", chị Xuân hoang mang nói.

Nhiều bà nội trợ khác cũng trong tâm lý giống chị Xuân, từ bất ngờ đến nản lòng vì không biết từ khi nào những món ăn từ thịt lợn bình dân trước nay giờ đã trở thành loại thực phẩm xa xỉ mà những người có thu nhập trung bình cũng không dám mua ăn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay khi thu nhập không có.

Khác với chị Xuân, chị Lan (Q.Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ đã biết giá thịt lợn tăng cao từ lâu nên giờ gia đình chị cũng chuyển qua ăn tôm cá, thịt nhập khẩu cho rẻ. Chị Lan cho rằng: "Chính phủ và các cơ quan quản lý đầu mối nên vào cuộc để ngăn chặn giá lợn tăng mạnh như hiện nay. Xem bất cập ở đâu phải giải quyết ở đó, không thể để người dân chịu thiệt mãi như thế này được. Người dân vẫn luôn chờ từng ngày Chính phủ hành động để giá thịt lại bình ổn về mức như trước đây".

Giải thích về giá thịt lợn tăng liên tục, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết khâu trung gian ở mặt hàng thịt lợn có phần phức tạp hơn do mặt hàng này cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng, đặc thù thói quen tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân, và việc tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh.

Theo ông Tuấn, giá thịt lợn tăng dần theo 2 đường chính gồm: Một là chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Chuỗi cung ứng thịt lợn bắt nguồn từ cơ sở chăn nuôi hoặc doanh nghiệp chăn nuôi. Sau đó qua đại lý cấp 1 mỗi công đoạn tăng thêm từ 8-10%, đại lý cấp 2, lò mổ, bán buôn, bán lẻ và cuối cùng mới tới tay người tiêu dùng. Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương.

Đầu tháng 4, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn đã cam kết giảm giá. Số lượng này chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước.​

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn hồi tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt lợn hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.

Liên quan đến việc giá thịt lợn tăng cao, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

Theo đó, ngoài việc giao Bộ NN-PTNT kiểm soát tốt dịch bệnh, tổ chức tăng đàn, tái đàn... Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ với mặt hàng thịt lợn từ cửa trại, cửa chuồng nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao.

Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên ngành, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép; phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo khẩn trương hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn hàng tại các nước xuất khẩu.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính trong quản lý và đề xuất chính sách tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu bổ sung phần thịt lợn thiếu hụt trên thị trường, không để thiếu nguồn thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
9 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tiêu dùng bàng hoàng khi giá thịt lợn lên đến 300.000 đồng/kg