Nhằm cung cấp thông tin thiết thực cho học sinh THPT, phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp tới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2022.

Học sinh lớp 12 lo lắng vì các trường ĐH giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 18/05/2022, 14:04

Nhằm cung cấp thông tin thiết thực cho học sinh THPT, phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp tới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2022.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT, học sinh lo lắng

Điểm mới trong xét tuyển đại học năm nay là thí sinh không phải đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cùng thời điểm với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ được thực hiện sau khi có điểm thi tốt nghiệp, để học sinh tự lượng sức mình rồi mới chọn trường, chọn ngành phù hợp, không mất thời gian đăng ký rồi lại thay đổi nguyện vọng như những năm trước. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, trong thời điểm này, thí sinh nên dành sức ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 7 - 8.7 tới. Tuy nhiên, khá nhiều học sinh lo lắng vì tỷ lệ xét tuyển tại các trường ĐH thông qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bị giảm đi nhiều. 

Theo ghi nhận của phóng viên, nỗi lo về kỳ thi THPT 2022 của các học sinh hiện nay khá lớn bởi đa số các trường ĐH tốp đầu đã thông báo giảm chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức. Phần lớn trường tăng chỉ tiêu xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ tốt hoặc xét kết hợp tổ hợp và xét theo kỳ thi đánh giá năng lực do chính nhà trường tổ chức. Số chỉ tiêu còn lại thì xét theo các thí sinh đoạt giải quốc gia ở các môn chuyên, tham dự các kỳ thi quốc tế.

Chẳng hạn Trường ĐH Giao thông vận tải, các năm trước dành khoảng 70-80% cho hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay giảm chỉ còn 40-50%. Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ còn 10-15% so với năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ còn khoảng 10% còn lại dành chỉ tiêu cho xét tuyển tài năng hay kết quả đánh giá tư duy.

Lý giải về sự thay đổi này, lãnh đạo các trường cho hay do tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thay đổi, chỉ hướng vào mục đích xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Vì vậy đề thi dễ hơn, tính phân loại thấp hơn, gây khó khăn cho các trường trong việc tuyển sinh, nhất là ở các ngành, trường tốp trên. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo, các trường buộc phải thay đổi trong tuyển sinh với sự đa dạng các phương án. Điều này đồng thời cũng thể hiện sự tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục đại học.

Trao đổi với phóng viên, em Nguyễn Bá Hoàng Long học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội cho biết năm nay em đăng ký thi vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhưng được biết xét tuyển qua kỳ thi THPT có tỷ lệ chọi rất cao. "Áp lực điểm đầu vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân là rất cao, nên chúng em học hành khá vất vả, ngoài việc học ở trường em cũng đi học thêm ở những nơi khác. Chúng em đã phải tự học suốt quãng thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19, nhiều kiến thức không được chắc chắn, nên rất đáng lo. Và điều em lo lắng nhất là các trường ĐH tốp đầu đã thông báo giảm chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT mà tăng chỉ tiêu xét tuyển ở các phương thức khác. Ví như em có thể vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân bằng xét tuyển qua học bạ hay xét tuyển tổ hợp, nhưng kết quả học của em không đều, vì vậy em phải ôn tập kỹ lưỡng để chuẩn bị cho kỳ thi THPT tới".

Dù khá hoang mang và lo lắng cho kỳ thi THPT, nhưng đa số học sinh lóp 12 tại các trường thời điểm này đều đặt mục tiêu hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp với điểm số cao để có thể lựa chọn vào học trong những trường ĐH tốt nhất phù hợp với năng lực của mình.

hoc-sinh-12-2.jpg
Học sinh tập trung ôn tập trước kỳ thi THPT 2022

Cần nhớ rõ các nguyên tắc chọn ngành nghề

Chia sẻ tại buổi hướng nghiệp, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết năm nay học sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến. Các em có thể điều chỉnh nguyện vọng của mình trong cùng một đợt thay vì hai đợt như những năm trước, việc này sẽ tiến hành sau khi thi tốt nghiệp THPT. Điều này giúp các em đủ thời gian để có được quyết định đúng đắn nhất, phù hợp với nguyện vọng cũng như năng lực của mình. "Các em chỉ cần chú ý vào môn học và xem bản thân mình thích học ngành gì để đưa ra những quyết định tốt nhất cho bản thân, đồng thời có hứng thú học tập để cố gắng thi đỗ vào các khoa, trường mình chọn".

Chia sẻ về vấn đề làm thế nào để lựa chọn ngành học phù hợp và chính xác nhất, PGS-TS Trần Thành Nam (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyên học sinh hãy dành thời gian để khám phá bản thân, tìm ra lĩnh vực mình yêu thích. Nếu chưa tìm ra, hãy tham vấn ý kiến phụ huynh và thầy cô. Họ là những người đã đồng hành cùng học sinh trong thời gian dài, có thể nhận biết năng lực và điểm mạnh của các em. Học sinh cần chú ý 5 nguyên tắc khi chọn nghề, cụ thể là: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích, không chọn nghề không đủ điều kiện đáp ứng. Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...). Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu. Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng. "Khi đặt ra 5 nguyên tắc này, thí sinh không được cảm tính mà cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng", PGS Trần Thành Nam lưu ý.

Có thể thấy, sự tuyển sinh đa dạng ở các trường ĐH, CĐ khiến học sinh có thêm nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng lại phải cố gắng nhiều hơn trong việc bồi bổ kiến thức và năng lực của mình. Trong mùa tuyển sinh năm 2022, có thể thấy các trường đại học đã có sự “bắt tay” chặt chẽ hơn trong việc sử dụng kết quả dùng chung trong các kỳ thi riêng. Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường ĐH giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng cường sử dụng chung kết quả thi tuyển sinh là xu hướng tất yếu, phù hợp với quốc tế. Điều này giúp các trường tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời giúp học sinh không phải tham dự quá nhiều kỳ thi như giai đoạn trước năm 2002, khi mỗi trường đại học đều tự tổ chức thi riêng.

Hiện nay có nhiều cơ hội cho thí sinh vào đại học nhưng đó không phải con đường duy nhất giúp các em phát huy năng lực. Nhiều cơ hội mở ra với các thí sinh bên ngưỡng cửa cuộc đời sau 12 năm học với các ngành nghề khác nhau. Có rất nhiều em chọn học nghề và có những cánh cửa mở rộng chào đón tương lai của các em một cách dễ dàng và không quá nhiều áp lực. Chỉ cần các học sinh tự tin cũng như lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực học của mình để có một tương lai tốt hơn, góp ích cho xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh lớp 12 lo lắng vì các trường ĐH giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT