Những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp thủy sản trong nước khó chồng khó, không kịp trở tay khi hàng loạt đơn hàng bị hủy bỏ, không có doanh thu.

Ngành thủy sản xin giảm giá điện, ngừng thu phí BOT vì COVID-19

26/03/2020, 17:06

Những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp thủy sản trong nước khó chồng khó, không kịp trở tay khi hàng loạt đơn hàng bị hủy bỏ, không có doanh thu.

Dịch bệnh COVID-19 tác động nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Ảnh: Internet

Tác động của dịch COVID-19 trong giai đoạn 2 tuần đầu tháng 3 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Cho tới thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm từ 35 - 50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp cá tra, gần toàn như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra từ tháng 1 đã bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 này, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang khu vực châu Âu, tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn.

Đến giữa tháng 3, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu bị ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại. Cho tới thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều bị ảnh hưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu.

Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng có từ 35 - 50% đơn hàng đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa, cho dù tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25 - 30% nhưng cũng không thể kích cầu.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có báo cáo về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Trong đó, các doanh nghiệp xin giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; Xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện; tạm ngưng thu phí BOT đến hết 2020 để giảm chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị Tổng liên đoàn Lao động VN cho miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020, và tạm dừng việc đóng BHXH đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm.

Các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Cùng với đó là giảm các loại phí khi doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được gói vay lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất của các doanh nghiệp sau khi đại dịch được kiểm soát, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ NN-PTNT có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này; sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành thủy sản xin giảm giá điện, ngừng thu phí BOT vì COVID-19