Sáng nay (7.9), dù các cửa hàng, siêu thị, chợ... vẫn mở cửa và hàng hóa nhiều nhưng sức mua của người dân đã giảm so với chiều qua (6.9).
Kinh tế - đầu tư - dự án

Ngày 7.9, mưa bão đổ bộ, nhu cầu mua sắm của người dân giảm

Tuyết Nhung 07/09/2024 15:33

Sáng nay (7.9), dù các cửa hàng, siêu thị, chợ... vẫn mở cửa và hàng hóa nhiều nhưng sức mua của người dân đã giảm so với chiều qua (6.9).

Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa cho biết, sáng 7.9, tại các địa phương, các siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống vẫn tiếp tục mở, tuy nhiên hoạt động mua bán diễn ra đã giảm nhiều so với cuối giờ chiều ngày hôm qua.

img_2381_09f93.jpeg
Mặt hàng rau xanh thiết yếu được cung ứng đầy đủ - Ảnh: BCT

Các siêu thị đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào ngay tại thời điểm tối muộn ngày 6.9. Trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định do các nhà cung cấp lớn và nhà cung cấp địa phương giao hàng từ tối ngày 6.9 và sáng sớm ngày 7.9 tiếp tục giao bổ sung.

Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau củ tại chợ nhìn chung tăng nhẹ, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thủy sản vẫn giữ giá ổn định so với ngày thường. Nguồn cung tương đối đảm bảo nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.

Tại các siêu thị ở các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão vẫn mở cửa liên tục, hàng hóa thực phẩm tương đối nhiều.

Theo ghi nhận thông tin nhanh từ hệ thống các siêu thị lớn tại Hải Phòng, Quang Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, tính đến 9 giờ sáng hôm nay, các hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thịt lợn, thịt gà... đầy ắp trên các quầy kệ. Nhiều người dân đã tranh thủ đi mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ tối ngày 6.9, tuy nhiên sáng ngày 7.9, do mưa gió và là ngày nghỉ của người dân nên sức mua không nhiều.

img_2380_01e22.jpeg
Hàng hóa đầy ắp trên kệ siêu thị - Ảnh: BCT

Dự báo trong chiều ngày 7.9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa vẫn tiếp tục mở cửa. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm do mưa, bão ngày càng lớn, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu.

Ngày 6.9, Bộ Công Thương đã ban hành công điện về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024, trong đó đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phướng án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương). Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước.

Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đồng thời các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...

Hiện, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.

Bài liên quan
Bão số 3 có cường độ gió mạnh nhất trên đất liền từ trưa 7.9
Thời điểm gió mạnh nhất do bão số 3 gây ra trong khoảng từ trưa đến tối 7.9. Một đợt mưa lớn có thể diễn ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó trọng tâm là khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa với lượng mưa phổ biển từ 100 - 350mm, có nơi trên 500mm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tăng trưởng quý 3 vượt kỳ vọng, mục tiêu đạt 6,5 - 7% cả năm khả thi
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày 7.9, mưa bão đổ bộ, nhu cầu mua sắm của người dân giảm