Theo thông lệ, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, nhiều cửa hàng kinh doanh, gia đình làm ăn buôn bán đều tất bật chuẩn bị mâm cúng vía thần tài. Dù làm ăn nhỏ hay lớn, nhiều cửa hàng cũng tranh thủ sắm sửa một mâm cúng vía thần tài với mong muốn một năm mới buôn may bán đắt.

Ngày vía Thần tài và những điều không phải ai cũng biết

17/02/2016, 10:35

Theo thông lệ, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, nhiều cửa hàng kinh doanh, gia đình làm ăn buôn bán đều tất bật chuẩn bị mâm cúng vía thần tài. Dù làm ăn nhỏ hay lớn, nhiều cửa hàng cũng tranh thủ sắm sửa một mâm cúng vía thần tài với mong muốn một năm mới buôn may bán đắt.

Chị Thắm, nhà ở quận Bình Tân, TP HCM, cho biết: “Năm nào mình cũng chuẩn bị một mâm cúng vía thần tài, năm mới cúng vía thần tài với mong muốn buôn bán được nhiều, may mắn trong làm ăn kinh doanh”.
via Than tai
Ảnh minh họa.

Hình tượng ông thần Tài quen thuộc với mọi người với gương mặt hoan hỉ, tay cầm thỏi vàng, nhưng hiểu rõ về vị thần này thì không phải ai cũng biết. Thần Tài là vị thần chủ quản về tài lộc, được người phương Đông thờ từ rất lâu đời, vì mọi người đều mong muốn mình có nhiều tiền của, cuộc sống sung túc.

Tục thờ thần Tài của người xưa phân biệt: Văn Thần Tài và Võ Thần Tài. Văn thần Tài phù trợ cho người theo ngành “văn”, có nghĩa là những công việc văn phòng, sổ sách, giấy tờ, thơ ca hội họa… Còn Võ Thần Tài phù trợ cho gia chủ theo nghiệp “võ” như làm quan chức, chính quyền… Riêng việc kinh doanh thì “văn”, “võ” đều thờ thần Tài cả.

via Than tai
Võ Thần Tài hay còn được biết đến là Quan Thánh Đế Quân (Quan Công hay Quan Đế).

Đứng đầu là Chính nhất thần Tài Triệu Công Minh, có râu, mặt đen dữ tợn, cưỡi hổ vằn, một tay cầm roi sắt, tay kia cầm chậu tụ bảo, thống lĩnh 4 bộ hạ gồm Chiêu Tài, Chiêu Bảo, Nạp Trân, Lợi Thị. Những tập đoàn kinh doanh, hay những công ty lớn thường thờ ông này, vì mang lại tiền lớn. Cúng Triệu Công Minh thần Tài vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Đồ cúng hết sức linh đình, công phu và thịnh soạn.

via Than tai
Đứng đầu là Chính nhất thần Tài Triệu Công Minh.

Hình tượng thần Tài phổ biến nhất là Văn Thần Tài, đội mũ cánh chuồn, râu đen 3 chòm, miệng cười rất tươi, tay cầm chậu tụ bảo hoặc thỏi vàng. Đây là vị thần được thờ cúng nhiều ở trong nhà, vì mang lại tài lộc và giữ tiền của cho gia chủ. Ông thường được thờ chung ở bàn thờ Thổ - Địa, tạo thành bộ 3: Ông Địa, Thần Tài, Thổ Địa.

via Than tai
Hình tượng thần Tài phổ biến nhất là Văn Thần Tài.

Nói vui theo dân gian, thì cấp bậc của Văn Thần Tài thuộc “Trung ương”, tức là “công chức” trực thuộc Thiên Đình. Nhiều người thường nhầm Văn Thần Tài với Thổ Địa. Thổ Địa đội mũ vải, râu trắng 3 chòm, một tay cầm gậy đầu rồng, một tay cầm 3 thỏi vàng. Thổ Địa còn một tên khác là Phước Đức Chính Thần, là vị thần trông coi ghi nhận và ban Phước - Đức cho gia chủ. Nói cách khác, “tấu sớ” của Táo Quân hàng năm về chầu có phần đông “nhận xét” của Thổ Địa. Nếu gia chủ có nhiều nhà cửa, đất đai, thì Thổ Địa là người liên kết và theo dõi điền trạch đó. Xét theo cấp bậc, thì Thổ Địa cai quản một vùng rộng hơn ông Địa, cỡ “tổ dân phố”; còn cấp “quản lý” cao hơn là Thành Hoàng, thời xưa cai quản cả một làng, xã.

Còn lại trong bàn thờ đó là hình tượng ông Địa: bụng phệ, tay cầm quạt. Đây là vị thần trông coi nhà cửa, nói nôm na là “bảo vệ” nhà, giống như Môn Thần vậy. Trong tấm liễn sau lưng các ông có ghi “tiền hậu địa chủ”, thì ông Địa chính là hình tượng của các vị “chủ đất” này.

via Than tai
Ông Địa là vị thần trông coi nhà cửa, nói nôm na là “bảo vệ” nhà, giống như Môn Thần vậy.

Trong vài năm gần đây, từ những công ty kinh doanh lớn đến các gia đình cũng thờ thần Tài đúng cách, nghĩa là bàn thờ Địa - Tài có đủ 3 ông, chứ không còn nhầm lẫn thần Tài với Thổ Địa nữa. Bàn thờ Địa - Tài có mặt trong hầu hết gia đình Việt Nam, nhiều bàn thờ được gia chủ dày công trang hoàng lên đến mấy chục triệu đồng.

Cúng Địa - Tài vào mùng 10 âm lịch hàng tháng rất thịnh soạn: phổ biến nhất là cúng thịt lợn quay và chè đậu đỏ. Từ xa xưa, lợn quay đã là món ăn đắt tiền và trang trọng trong những dịp lễ lớn nên dùng để cúng tế. Dân gian cũng truyền tụng thần Tài thích ăn lợn quay, nhưng chỉ cần cúng mặn là được, vì thần thánh thì vẫn ăn mặn, chứ không cần cúng chay như cúng Phật. Tuy nhiên đồ ăn cần tươm tất, vì ai cũng muốn tiền vào “đầy đủ”.

Riêng ngày mùng 10 tháng Giêng mọi người thường cúng lớn nhất, một số công ty kết hợp khai trương vào ngày này, do đây là ngày vía của thần Tài để may mắn thuận lợi hơn.

Cúng vía thần Tài phải chuẩn bị mâm lễ thịnh soạn có lợn quay (nhiều người thay bằng cá lóc nướng), một món mặn, một món xào, một món canh; trái cây có quýt, sơ ri, đu đủ vàng, đậu phộng sống; bộ tam sên; cải thảo, hẹ, xà lách, hành lá, tần ô; một dĩa xôi, 5 chum rượu, chè đậu đỏ… Nhiều người còn cầu kỳ luộc bắp cải tím và đặt bộ tam sên gồm trứng, thịt luộc, tôm luộc lên trên, với ý nghĩa hình tượng bắp cải luộc như bàn tay đang nắm giữ tiền. Có người cũng hóa vàng khi cúng vía thần Tài.

Ngọc Trâm(Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày vía Thần tài và những điều không phải ai cũng biết