Hôm nay 10.10, người Hà Nội đã lâu coi là ngày lễ trọng, bởi 63 năm trước, đúng vào ngày này, đoàn trùng trùng quân đi như sóng vào tiếp quản thủ đô. Hà Nội với nhiều người chúng ta là những kỷ niệm đẹp, ký ức khó quên.

Ngày vui của thủ đô, thoảng nhớ về đường Thanh Niên

11/10/2017, 15:54

Hôm nay 10.10, người Hà Nội đã lâu coi là ngày lễ trọng, bởi 63 năm trước, đúng vào ngày này, đoàn trùng trùng quân đi như sóng vào tiếp quản thủ đô. Hà Nội với nhiều người chúng ta là những kỷ niệm đẹp, ký ức khó quên.

Đường Thanh Niên (Hà Nội) - Ảnh: Internet

Đầu năm ngoái tôi ra Bắc, rồi từ quê Phòng xứ hoa phượng đỏ mò lên Hà Nội. Có tí việc thì lên thôi chứ chả phải mang gươm đi mở nước, nhớ đất Thăng Long gì cả. Ở thủ đô có mỗi hôm, xong là xuôi Phòng ngay. Bạn bè cũ thương quý có nhắn dỗi rằng sao cậu ra mà không báo cho chúng tớ. Thì đành chịu, có chừng ấy tiếng đồng hồ, xong việc là vút ra bến xe Lương Yên, chả kịp trình diện chứ nói gì đến ăn uống, chơi bời.

Trưa. Ông bạn đồng nghiệp Nam Phong lấy ngựa sắt 2 bánh chở tôi đi. Trời lạnh. Tôi rụt rè bảo trời rét mưa phùn thế này, hay để anh diện taxi, Phong nói bác chỉ khéo vẽ, vèo cái là tới nơi ngay đấy mà, vả lại để hai anh em tranh thủ hàn huyên thêm vài ba câu càng khoái.

Y chở tôi theo lối đường Thanh Niên. Qua đền Quán Thánh, hương trầm ngạt ngào ngan ngát khắp phố, có cảm giác quờ tay là vơ được từng vốc hương thơm đậm đặc. Hồ Trúc Bạch, hồ Tây, chùa Trấn Quốc mờ ảo trong mưa xuân li ti và sương muộn, quyến rũ lạ thường. Thầm nghĩ, hầu như ai về thủ đô cũng hăm hở thăm lăng Bác Hồ, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chợ Đồng Xuân, phố cổ…, nhưng nếu không lững thững ra đường Thanh Niên lặng ngắm phong cảnh nhị hồ thì kể ra cũng như chưa biết thấm thía nét đặc trưng Hà Nội.

Tôi lần đầu biết đường Thanh Niên vào năm 1975. Một người bạn tôi có bạn học nhà ở gần khu làng hoa Ngọc Hà - Hữu Tiệp rủ tôi cùng đến đó chơi. Lúc về chỉ tò mò đạp xe vào đường Thanh Niên cho biết thôi. Tôi gò lưng đạp, gió thổi lồng lộng, tóc bạn bay tung cuốn cả vào mặt phi công cầm lái. Cái mùi bồ kết dìu dịu ấy làm tôi say mơ suýt đâm cả xe đạp vào gốc cây. Hồi đó tai nạn giao thông hiếm lắm. Tí nữa thì tên mình được khắc vào ven hồ Tây.

Ngồi sau xe Phong, lẩn thẩn nghĩ có lẽ đây là con đường đẹp nhất, duyên dáng phong tình nhất Hà Nội. Huyền ảo, như thực như mơ. Chỉ riêng cái phần bảng lảng sương sớm sương chiều đã khiến nó đứng riêng một cõi mà không phố không đường nào trên cả nước này dám nghĩ đến chuyện cạnh tranh, đua đòi với nó.

Hà Nội bây giờ có nhiều đường và phố mới, nhiều gấp mấy lần thời thuộc Pháp, nhưng có lẽ đường Thanh Niên là tuyến giao thông mới đầu tiên được làm sau khi bộ đội tiếp quản thủ đô. Xung quanh con đường thơ mộng làm ranh giới hồ Tây và hồ Trúc Bạch này có nhiều giai thoại, thực mà ảo, gần gũi mà xa xôi. Nào là đường do tuổi trẻ thủ đô khởi công, xây dựng (năm 1959), được Bác Hồ đặt tên, nào là đường chỉ dành riêng cho các cặp tình nhân, là con đường của tình yêu, nào là có những người chỉ bán chỗ ngồi (chiếu, ghế) ven đường cho lứa đôi vào buổi tối mà sắm được nhà lầu… Thì nghe vậy, nhưng cứ nhắc tới đường Thanh Niên, ai mà chả thích.

Nhiều con đường, con phố ở thủ đô nằm trong sâu thẳm tâm hồn biết bao người, hễ ai nhắc tới là như đụng đến, khơi gợi dậy cả một quãng ký ức không thể nào quên. Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, cứ mỗi lần nhắc tên đường Nam Bộ (bây giờ là đường Lê Duẩn) lại chảy nước mắt bởi con đường xuôi Nam có ga Hàng Cỏ ấy gắn với những cuộc chia ly thời chiến tranh, chính anh cùng hàng vạn đồng đội đã lên tàu xuôi Nam ra chiến trường, rồi nơi đó bao bà mẹ đứng ngóng mãi không thấy con về. Tiếng bánh sắt chạy xình xịch trên đường Nam Bộ năm xưa cứ vọng mãi tới bây giờ. Đường Nguyễn Trãi giờ đây đẹp và hoành tráng đầy những cao ốc chứ những năm 70-80 là con đường nối Hà Nội với thị xã Hà Đông, chủ yếu băng qua ruộng đồng, qua những địa danh Ngã Tư Sở, Cầu Mới, Thượng Đình, khu Cao Xà Lá, Chợ Xanh, Thanh Xuân một thời gắn bó với đám sinh viên nhiều trường đại học. Tuyến đường tàu điện chạy theo Nguyễn Trãi với giá vé 5 xu, 1 hào, những cuộc đi lậu vé, tiếng chuông leng keng là kỷ niệm khó phai mờ trong lòng lứa sinh viên nghèo những năm khó khăn thiếu thốn. Đường Thanh Niên (tôi vẫn thích cái tên cũ của nó là Cổ Ngư) cũng vậy, là chốn riêng của những người bị "vây giữa tình yêu", con đường của tình yêu, tuổi trẻ...

Đi trên đường Thanh Niên, bất chợt nhớ bài thơ của thi sĩ quá cố Đinh Vũ Hoàng Nguyên “Có một phố vừa đi qua phố”. Tự dưng lẩm bẩm, đấy là Nguyên viết về phố, còn đây là đường, hôm nào mình sẽ bắt chước Nguyên viết “Có một người vừa đi qua đường”, viết về người xưa chuyện cũ. Chưa có thời gian viết kỹ lưỡng thì đành biên tạm mấy dòng này cho đỡ quên vậy.

Xuân Quỳnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày vui của thủ đô, thoảng nhớ về đường Thanh Niên