Phố Yên Ninh một buổi sáng tháng Chạp, tôi tìm hỏi nhà cụ Hoàng Trọng Kha, từ người già đến trẻ, ai nấy đều biết và chỉ đường cho tôi. Ngôi nhà khang trang cao tầng trên phố, phía dưới được cho thuê bán hàng.
Cụ Kha ở cùng gia đình con trai cả, có một lối đi riêng biệt dẫn lên phòng của cụ. Căn phòng gọn gàng, xinh xắn. Cụ Kha ngồi trên chăn đệm, mặc áo bông ấm, gương mặt hiền từ, phúc hậu. Khi tôi hỏi về hát văn, gương mặt cụ ánh lên niềm vui sướng. Cụ cầm chiếc đàn nguyệt được treo trang trọng trên tường, đàn mấy khúc hát văn giữa lất phất mưa xuân.
Cho vàng cho bạc chẳng bằng cho nghề… hát văn
Nghệ nhân nhân dân Hoàng Trọng Kha sinh ra và lớn lên tại Hà Thành. Cụ được thừa hưởng gen di truyền của cha và đã bắt đầu học hát văn từ khi 10 tuổi. Cụ kể lại: "Cha tôi có nghề hát văn, tôi được thấm nhuần từ ngày còn trong bụng mẹ. Lớn lên, ông dạy tôi học chữ nho và dạy đàn hát.
Ông bảo: “Tôi dạy anh hát là tôi cho anh vàng bỏ vào túi, không chịu học sau này khổ đừng kêu ca, vì đây là cái nghiệp của gia đình mình”. Rồi cứ có thời gian là ông cụ lại bắt luyện đàn và luyện giọng. Bình thường thì ông cụ rất chiều chuộng tôi, nhưng khi vào công việc thì ông cụ tôi nghiêm khắc lắm. Tôi luyện giọng bằng cách hét vào cái chum cho đến khi vỡ tiếng mới được bắt đầu học. Rồi đánh nhịp cho chắc rồi mới cho hát, hát xong câu văn mới được luyện đàn.
Cũng may tôi được thừa hưởng gen của cha tôi nên không đầy một năm tập tành, tôi đã được bố cho đi theo để đàn hát phụ cho ông. Nhà tôi, bố tôi là người cực kỳ nghệ sĩ, cho nên, đều hướng các con theo nghiệp cầm ca của mình. Đất Hà Thành xưa đều có lưu truyền về “Ngũ hổ” gồm 5 cung văn trẻ tuổi tài cao trấn giữ các cửa đền năm cửa ô, chính là 5 anh em chúng tôi. Ngày ấy, anh em chúng tôi đều tham dự các cuộc thi hát văn ở các đền nội thành nên lâu dần các cụ tặng cho cái chức "Ngũ hổ". Kỳ thi hát văn nào mà anh em chúng tôi tham dự thì các cụ lại bảo: “Ngũ hổ đến đấy!". Thời ấy thế mà vui, chúng tôi đi suốt ngày đêm, cuộc sống sung túc viên mãn".
Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha. |
Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha hiện nay đã ở tuổi 96, nhưng trí nhớ của cụ minh mẫn và linh hoạt. Dường như những lời ca tiếng hát suốt thời thanh niên sôi nổi với những cung văn đã thấm vào trong hồn mạch của người đàn ông tài hoa, tạo nên một khuôn dung nhân hậu. Giọng hát của cụ vẫn cao và ấm, đoạn cao cụ vẫn lên giọng mà không hề bị phô chênh. Cụ Kha cầm cây đàn nguyệt cũ chơi một cung văn mà cụ thích nhất về Mẫu Thoải: "Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên/ Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung/ Kính Xuyên sớm kết loan phòng/ Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan/ Kính Xuyên chẳng xét ngay gian/ Vàng mười nỡ để lầm than sao đành/ Lòng trời thương kẻ ngay lành/ Xui quan Liễu nghị nho sinh tìm vào".
Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha giải thích: Hát văn là một hình thức âm nhạc sinh ra để phục vụ tín ngưỡng Tứ phủ, một tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã bám rễ sâu trong đời sống tâm linh của cư dân Việt. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Hát văn đã thể hiện khả năng thích ứng của mình đối với những biến đổi xã hội.
Trong đời sống xã hội hiện đại, bản chất động -mở, luôn bổ sung cái mới của nhạc hát văn từ hệ thống bài bản đến làn điệu, nhịp điệu, nhạc cụ v.v... giúp cho nhạc hát văn luôn tràn trề nhựa sống. Hát Mẫu Thoải đến đoạn bà bị đày, cung văn phải hát lối phú rầu sao cho lộ được nỗi uất ức. Đấy chính là nội tâm khi hát, anh nào giỏi lắm mới thể hiện được ra ngoài”. "Lẽ nào ngọc nát trầm châu/ Vùi hoa dập liễu bởi câu Tam tòng.../ Sự này há kể chi ai/ Lòng trinh chuyển động đất trời chứng minh".
Cụ Kha cho biết, gần cả cuộc đời theo nghề hát văn, cụ đã đi khắp nơi mọi chốn và được vào rất nhiều đền, miếu, phủ để hát. Hát văn có ba hình thức chính, đó là: hát văn thờ, hát văn hầu và hát văn thi. Hát văn thờ là hát dâng bản văn sự tích để ca ngợi công đức của vị Thánh mà mỗi đền thờ phụng vào ngày đản nhật (ngày sinh), ngày tiệc (ngày mất), hoặc hát bản văn Công đồng để thỉnh mời toàn bộ các vị thần của tín ngưỡng này về chứng giám vào những dịp chính trong năm. Hát văn hầu là hình thức âm nhạc phục vụ cho nghi lễ hầu bóng. Đối với các vị chủ đền hay những ông bà đồng thì các buổi hầu bóng diễn ra vào nhiều dịp trong năm. Hát văn thi thường được tổ chức vào những ngày lễ lớn để thúc đẩy tài năng của cung văn.
Cụ Kha đã từng tham gia nhiều cuộc hát văn thi. Mà mỗi cuộc thi hát văn xưa ở mỗi đền một khác, khó nhất là nhớ từ kiêng húy của từng nơi mà cải biến cho hợp. Giám khảo gồm 3 người, ai hát hay là đánh trống, thưởng khuyên để tính điểm, từ ấy mà xếp hạng nhất – nhì – ba. Cung văn đi thi phải biết chữ nho, đàn hát hay, hơi khỏe, phóng âm nhả chữ sao cho đẹp và nội tâm mới đạt.Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha và học trò, nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh.
Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha và học trò, nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh. |
Cụ Hoàng Trọng Kha nhớ lại: Chỉ có cung văn Hà Nội đi thi chứ tỉnh khác về rất ít. Không phải vì họ thua tài, mà bởi cung bậc hát văn ở Hà Thành có sắc thái rất riêng. “Ở Hà Nội đàn hát có gần hai chục lối. Phú rầu nghe buồn, phú chênh hơi man mác, phú nói thì chững chạc, uy nghiêm… nhiều lắm, tôi kể ra không hết. Tôi vẫn nhớ, ngày xa xưa, trong giới thỉnh thoảng cũng chọe nghề nhau, khoe những ngón đàn khó. Người nào không biết đành chịu ngồi im mà nghe. Chúng tôi đi hát đúng là như đi hội. Vừa hành nghề, vừa học hỏi nhau, ai biết cái gì mới đều truyền nghề cho nhau. Những người đồng hội cũng đùm bọc lắm. Xưa có lối đồng ca, hát đỡ nhau. Để làm được, cung văn phải hiểu nhau, sao cho hai người hát như một. Chỉ khác đi vài chữ hoặc chữ này nhả trước, chữ kia nhả sau là không được".
Cụ Kha chia sẻ niềm đam mê, sự lăn lộn và thành danh trong nghề cung văn, song có một thời gian dài cụ lại làm việc trong tư cách là nhạc công của Đoàn cải lương. Đó là thời điểm trước những năm 1946, gia đình cụ phải sơ tán về quê. Gặp gánh hát cải lương tản cư, cụ xin gia nhập rồi đi đến năm 1951 mới quay về Hà Nội, trụ ở đoàn Chuông Vàng. Cụ gắn bó với cải lương cho đến khi về hưu cùng với những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc... Cung văn chỉ còn trong ký ức cùng những giai điệu trầm buồn của thế hệ cụ. Những cuộc hát văn chỉ diễn ra thảng hoặc trong nhóm nhỏ bè bạn. Cụ yên phận bên gia đình, cùng người vợ hiền là một tiểu thương bán hàng ở chợ Đồng Xuân.
Những năm tháng khó khăn, nhờ người vợ đảm đang chu tất bán buôn thì mới gồng gánh được cuộc sống gia đình. Hai cụ sinh được 5 người con nhưng cụ Kha nhất định không cho các con theo nghề cung văn của bố, của ông nội. Cụ để các con lựa chọn theo cách riêng của mình, không dạy các con một ngón đàn nào, dù trong cuộc đời, cụ đã có nhiều học trò theo học, thành danh và có được tiếng tăm trong làng cung văn thời bây giờ. Và, với những đóng góp của cả cuộc đời, tháng 3-2012, cung văn lão thành Hoàng Trọng Kha đã chính thức được Hội văn nghệ dân gian trao tặng bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân.
Lưu truyền vốn nghệ thuật quý giá
Bây giờ, nghệ nhân Hoàng Trọng Kha thường ngồi trò chuyện với những người học trò về cung văn, về các điệu phú rầu, phú bình, phú chênh, phú nói… Họ ngồi bàn luận, cất lên những điệu hát cứ như thoát từ tận tâm can, mới thấy được hồn cốt của cả một thời đại nằm gọn trong không gian trầm mặc của đất Hà Thành giữa tiết trời xuân ấm áp.
Những buổi biểu diễn hát văn vẫn có sức cuốn hút nhiều người yêu thích đến nghe. |
Trịnh Ngọc Minh sinh năm 1981, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, là người học trò mà cụ Kha dành nhiều thời gian dạy dỗ, truyền nghề đã chia sẻ: Anh theo cụ Kha nhiều năm trời ròng rã để học nghề, được cụ truyền nghề theo cách riêng. Anh cũng đã có nhiều dự án của riêng mình và đã đóng góp được phần nào đưa nghệ thuật hát văn đến với giới trẻ. Trong thời gian tới, anh còn muốn đưa nghệ thuật hát văn ra đường phố, lên sân khấu, thậm chí là quán bar. Đó là một cách mới để đưa hát văn đến gần hơn với công chúng.
Trịnh Ngọc Minh khẳng định, vì anh đã có những năm tháng giảng dạy về nghệ thuật hát chầu văn ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nên nói các bạn trẻ không thích hát văn, không yêu nghệ thuật dân gian là hoàn toàn sai. Trong mỗi giờ học của anh, các bạn sinh viên đều rất hào hứng, rất say mê lắng nghe, cũng như nhiệt tình tìm hiểu về hát chầu văn. Theo anh, không phải các bạn không yêu nghệ thuật dân gian mà là không có môi trường, không có điều kiện để thể hiện và nuôi nấng tình yêu đó. Phải cho các bạn trẻ được cầm, nắm, thực hành thì họ mới yêu được.
Theo nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh, với hát văn, kỹ thuật chưa đủ mà còn phải có vốn kiến thức rộng lớn về tích sử, thần thánh, hình thức, nghi thức hầu đồng, thế giới tâm linh của người thường thức… Khoan hãy nói đến học nhịp, điệu, chỉ riêng việc nhớ lời văn thôi cũng đã khó rồi. Có lần, anh học cả đêm được 6 khổ văn. Đến sáng nhẩm lại thì không nhớ một câu nào. Anh đã nghĩ đến việc từ bỏ, bởi học hát văn phức tạp quá.
Nhưng đã đam mê hát văn, thì dù khó đến mấy cũng không từ bỏ được. Trong khi hát, nghệ sĩ phải nhập tâm, hòa mình vào không gian tâm linh. Hơn nữa còn phải am hiểu về tích sử thì hát mới có hồn. Cái hồn cốt này, theo anh, đó là sự am hiểu và mê say, điều này anh học được nhiều từ nghệ nhân bậc thầy Hoàng Trọng Kha, người mà anh đã nhiều năm theo chân cụ để được học tập phong thái, sự tài hoa, thanh lịch mà không phải nghệ nhân nào cũng có được.
Nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh cũng đang ấp ủ nhiều dự định được truyền dạy cho lớp trẻ những tinh túy của nghệ thuật hát chầu văn. Anh cũng đang đắm đuối với một vài dự án mang hát văn tới cộng đồng và thường ngày, anh vẫn tranh thủ đến nhà cụ Kha để được cụ truyền dạy. Bởi theo anh Minh, những người còn lại như nghệ nhân Hoàng Trọng Kha, không chỉ là người vang bóng một thời của đất Hà Thành, mà còn là hồn cốt của cả một thế hệ đã yêu và sống hết mình, vì môn nghệ thuật tinh túy của dân tộc...
Trần Hoàng Thiên Kim