Suy cho cùng, điều đáng sợ nhất đối với nghệ sĩ không phải là bị chê mà là thái độ không buồn nhắc đến của công chúng.

Nghệ sĩ không thích bị phê bình: Một não trạng nguy hiểm của nghệ thuật

Nguyễn Huy | 01/02/2023, 09:53

Suy cho cùng, điều đáng sợ nhất đối với nghệ sĩ không phải là bị chê mà là thái độ không buồn nhắc đến của công chúng.

Vụ việc Xuân Bắc chửi xéo khán giả chê chương trình Táo quân 2023 của VTV gây xôn xao dư luận cách đây không lâu. Dù sau đó, Xuân Bắc đã lên tiếng xin lỗi nhưng cách xin lỗi của anh bị cộng đồng bắt bẻ cho rằng nghệ sĩ này “không thành tâm”. Cụ thể Xuân Bắc lập luận công chúng hiểu lầm những gì anh viết trên facebook, chứ ý anh không phải như thế.

Tuy nhiên, việc Xuân Bắc công khai bày tỏ ý kiến phản bác lại nhận xét của khán giả nhận xét tác phẩm của mình kém chất lượng là một trường hợp hiếm hoi. Thực tế, thái độ không thích người khác phê bình tác phẩm có mình tham gia, hoặc là trực tiếp cá nhân diễn ra quyết liệt, rất phổ biến trong đời sống nghệ thuật Việt dù không công khai.

Trong lĩnh vực phim điện ảnh là rõ ràng nhất. Mỗi một bộ phim trước khi công chiếu, có một suất chiếu “chiêu đãi” truyền thông và đồng nghiệp nghệ sĩ. Những người tham dự buổi chiếu ấy ngầm hiểu một quy luật bất thành văn, nếu phim hay thì khen và kêu gọi khán giả đến ủng hộ, phim không hay cũng tìm cách nói sao cho khéo để khán giả đến rạp.

xuanbac.jpg
Câu chuyện “ngụ ngôn” Xuân Bắc kể trên trang cá nhân đã khiến bản thân "Nam Tào" và cả chương trình Táo Quân bị cuốn vào những cuộc tranh cãi nảy lửa kéo dài trên mạng xã hội và truyền thông - Ảnh: Internet

Những ai xem xong sự kiện mà viết lên trang mạng cá nhân rằng đó là một bộ phim dở thì bị quy chụp rằng đó là thành phần xấu, muốn phá đám. Họ lập luận rằng một bộ phim được đầu tư rất nhiều tiền và công sức mà chê như thế, nhà đầu tư bị lỗ dẫn đến phá sản thì quá ác tâm. Thậm chí trong giới diễn viên và biên kịch vẫn đang râm ran về một nhóm người chuyên đi phá bĩnh bằng cách chê bai bộ phim. Những người đưa ra cáo buộc này không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào về nhóm người ấy. Thậm chí họ còn cho rằng, bất cứ ai phê bình phim, dù khách quan, vẫn thuộc nhóm phá phim.

Đây là một suy nghĩ… quy chụp, vì rằng, không ai có quyền bắt buộc một ai đó đầu tư vào một bộ phim.

Có ý kiến rằng: "Anh làm phim vì anh đam mê nghệ thuật, hoặc là mục tiêu của anh làm phim để kiếm tiền. Khán giả bỏ tiền ra xem phim cũng có quyền đưa ra nhận xét khen hoặc chê. Thực khách bỏ tiền ra vào một quán ăn để thưởng thức. Nếu hợp khẩu vị thì khen không thì chê.

Anh là nghệ sĩ thì cũng bình đẳng như một người bán nhà hàng, anh đâu phải là một nhân vật bất khả xâm phạm có quyền không cho phép người ta phê bình tác phẩm của mình. Ngay cả lãnh đạo của một quốc gia còn phải lắng nghe ý kiến của người dân để điều chỉnh và hoàn thiện. Trong khi đó nghệ sĩ lại cho mình cái quyền "buộc tội" bất cứ ai chê tác phẩm của mình. Như vậy, anh có sẵn sàng nhìn lại tác phẩm của mình để tiếp tục làm ra những sản phẩm tốt hơn không?". 

Trên thế giới, phê bình nghệ thuật từ công chúng và từ giới chuyên môn là điều hiển nhiên có và cần có. Bất cứ tác phẩm nào, từ bình dân đến vĩ đại đều bị phê bình. Đây là hoạt động cần thiết vì nó giúp cho người nghệ sĩ nhận ra điểm yếu và điểm mạnh của mình. Ngay cả những lời phê bình cực đoan, một chiều, cũng giúp ích rất nhiều cho hành trình sáng tạo, nếu người nghệ sĩ bình tâm mở lòng lắng nghe.

Bộ phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành đang thành công doanh thu nhưng cũng gây nên 2 luồng ý kiến trái ngược. Bên thích phim thì khen nức nở còn bên phản biện nhận xét rằng phim gồm một chút tấu hài (diễn xuất như kịch), sao chép những xu hướng trên mạng xã hội, nhân vật la hét, và nói tục quá đà gây mệt và phản cảm. Bản thân Trấn Thành không lên tiếng phản bác người chê phim nhưng ê kíp và người hâm mộ Trấn Thành đã tỏ thái độ phản ứng gay gắt.

Sự tranh cãi giữa khán giả thích và không thích phim Nhà bà Nữ, xem ra, cũng là điều cần thiết cho những nhà làm phim biết cầu thị. Qua đó, họ có thể rút tỉa được nhiều kinh nghiệm và nắm bắt được phần nào tâm lý công chúng. Nếu một bộ phim hay một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ nhận toàn bộ lời khen, e rằng người nghệ sĩ đang tự đào hố chôn mình trong sự huyễn hoặc khả năng bản thân.

tranthanh1.jpg
Dù có có nhiều khen, chê về phim "Bố già", "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành nhưng 2 bộ phim của Trấn Thành mang về doanh thu rất lớn - Ảnh: TL

Nói thêm một chút về phim Nhà bà Nữ để thấy rằng nghệ sĩ cần lắng nghe ý kiến phản biện. Năm 2022, phim Bố già bị chê "tấu hài", cường điệu. Nhưng doanh thu của bộ phim vượt mốc hơn 400 tỉ đồng. Thành công doanh thu khiến Trấn Thành xác định làm phim Nhà bà Nữ theo công thức cũ giống Bố già. Doanh thu năm nay của Nhà bà Nữ được hệ thống kiểm toán doanh thu phòng vé dự đoán rời rạp khoảng 300 tỉ đồng. Tức là kém năm ngoái 120 tỉ đồng. Con số thu sụt giảm này thay cho những lời phê bình phim. Nhiều khán giả không thích thì không xem, vậy thôi.

Nếu nghệ sĩ không thích lắng nghe ý kiến phản biện, không cần nhìn lại tác phẩm của mình một cách thấu đáo, thì người nghệ sĩ ấy đang đi một mình trên hành trình nghệ thuật với bản ngã quá lớn. Mà nghệ thuật thì cần sự tương tác giữa người trình diễn và người xem.

Đương nhiên, những nghệ sĩ dám đưa ra lời xin lỗi sau khi đã phản ứng lại với công chúng như trường hợp của Xuân Bắc, cũng chứng minh tinh thần cầu thị. Suy cho cùng, điều nghệ sĩ sợ nhất không phải là bị chê mà là thái độ không buồn nhắc đến của công chúng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ không thích bị phê bình: Một não trạng nguy hiểm của nghệ thuật