Nghệ sĩ Minh Cảnh đã quay lại sàn diễn sau thời gian dưỡng bệnh. Những bài ca cổ gắn liền với danh tiếng của ông lại được công chúng đón nhận nồng nhiệt

Nghệ sĩ Minh Cảnh tâm sự 'rút ruột' sau bao chìm nổi

bai cao | 18/09/2016, 06:02

Nghệ sĩ Minh Cảnh đã quay lại sàn diễn sau thời gian dưỡng bệnh. Những bài ca cổ gắn liền với danh tiếng của ông lại được công chúng đón nhận nồng nhiệt

“Sức khỏe của tôi giờ đã hồi phục, tôi vui khi tham gia các suất hát phục vụ kiều bào nhân mùa Giỗ Tổ và trung thu tại Arizona - Mỹ. Ban tổ chức sẽ trích doanh thu làm việc thiện, giúp nghệ sĩ nghèo trong nước đang gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đồng nghiệp của tôi đang ở trong nước đang bệnh tật, ốm đau mà gia cảnh nghèo túng” – NS Minh Cảnh chia sẻ.

NS Minh Cảnh và NSƯT Phương Hồng Thủy

Khi sang Mỹ tác nghiệp, người viết đã từng được nghe NS Minh Cảnh tâm sự cứ mỗi năm đến tháng 9 là ông lại nhớ cái thời vừa bước chân vào nghề hát.

Đó là tháng 9 năm 1960, lúc ấy đoàn Kim Chung trụ bến tại rạp Olympic. Đoàn ế ẩm, lương bổng diễn viên sa sút. Chủ rạp hăm đòi lại rạp nếu không thanh toán nợ. Năm đó ông 23 tuổi, nhưng vì nhỏ nhắn, thư sinh nên ai nhìn cũng tưởng anh chừng mười mấy. Nhờ quen biết với anh Được, một dân chơi đờn ca tài tử, NS MInh Cảnh đã được giới thiệu gặp ông Ngọc Sáu đang đờn cho đoàn Kim Chung. Trong cái ngày chủ nợ đòi tiền rạp, ông được dắt đến gặp ông bà bầu Kim Chung. Thoáng nhìn qua dáng vóc của NS Minh Cảnh, ông bà bầu thở dài ngao ngán: “Kép hát phải cao đẹp, thằng đẹt này hát cái nỗi gì?. Vậy mà khi nghe tôi ca một câu vọng cổ, ánh mắt của ông bà bầu Kim Chung sáng lên. Đêm đó Đoàn Kim Chung quảng cáo “thần đồng Minh Cảnh – một giọng ca mới”, vé bán đắt như tôm tươi” - NS Minh Cảnh hồi tưởng.

NSƯT Mỹ Châu thăm vợ chồng NS Minh Cảnh tại Mỹ

Sau này, soạn giả Ngọc Văn viết thêm vai kép con cho NS Minh Cảnh diễn trong vở “Giọt lệ đêm Trung Hoa”. Tiếng lành đồn xa về đoàn Kim Chung có một “thần đồng Minh Cảnh” đã giúp ông bà bầu thanh toán hết nợ. Chưa kể, tiền cát –sê của Minh Cảnh từ 40 đồng/suất tăng vọt 600 đồng.

Năm 1961, soạn giả NSND Viễn Châu đã mời ông về cộng tác cho Hãng dĩa Asia Hồng Hoa mỗi bài 3.600 đồng. Ông nổi lên như một hiện tượng với lối ca hơi dài luyến láy, ngân nga và nhấn những chữ có dấu nặng, dấu sắc làm cho bài vọng cổ mới lạ, hấp dẫn. Nghệ danh Minh Cảnh được khán giả cả nước yêu mến qua các bài: “Tu là cội phúc”, “Em bé đánh giày”, “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”, “Sầu vương ý nhạc”...

NS Mỹ Châu khoanh tay thưa "anh hai Minh Cảnh" khi vào bệnh viện thăm ông

Về những lối rẽ đời thường, nghệ sĩ Minh Cảnh không quên tháng ngày lận đận của một anh kép kiêm bầu gánh. Đó là năm 1970 khi ông đứng ra lập gánh Minh Cảnh, lưu diễn ở miền Trung, cưu mang biết bao số phận nghệ sĩ, trong đó có Lê Vũ Cầu, từ một em bé đánh giày trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Vì không có kinh nghiệm, lại say mê sáng tạo hơn là tìm thủ thuật kinh doanh, nên gánh của ông nhanh chóng “rả đàn”. Ông về Sài Gòn, hát cho các đoàn rồi có chút vốn lại lập gánh. Cứ lẩn quẩn với những con nợ. Nhà, xe, đất, vườn, của cải...cứ lần lượt ra đi. Tuy nhiên, anh vẫn giữ được phong độ của một nghệ sĩ lớn, đó là ca diễn vững vàng.

Ông không nhận đệ tử song có rất nhiều người ca theo trường phái của ông và nhận ông là sư phụ như: Minh Minh Tâm, Tuấn Anh...Ông có hai người em có phong cách ca diễn và làn hơi rất giống ông, đó là Minh Cảnh Em (hiện đang ở Mỹ) và Cảnh Út (đang ở VN).

NS Minh Cảnh tự sự: “Ngẫm nghĩ thấy đời nghệ sĩ như người chèo đò xuôi ngược trên sông. Khách qua đò có thể quên bến đò, nhưng người chèo đò thì không bao giờ quên bến sông và những người đã nuôi mình. Tôi đã dốc hết kinh nghiệm để truyền đạt cho thế hệ trẻ vậy là vui lắm rồi. Giờ đếm từng suất hát, đem lời ca phục vụ khách tri âm mộ điệu tại Mỹ, tôi luôn nhớ về quê nhà, về khán giả thân thương, sức khỏe đã không cho phép tôi ngồi máy bay quá lâu để về thăm quê nhà, nhưng trong tim tôi luôn nhớ về hình ảnh quê nhà và khán giả yêu thương đã từng mến mộ Minh Cảnh”.

NS Minh Cảnh và vợ

Trong niềm xúc động nghệ sĩ Minh Cảnh kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Ba tôi là người Quảng Bình, mẹ là người Việt gốc Hoa. Hồi bé xíu tôi nhớ hình ảnh quanh năm suốt tháng má tôi mang bầu.

Nếu anh em tôi còn đủ thì có đến 20 người. Nhưng vì quá cơ cực, bụng mang dạ chữa mà má tôi phải buôn gánh, bán bưng, cho đến các em tôi ra đời đều chết non, mãi đến năm tôi 14 tuổi, tôi mới được bồng em gái. Bây giờ còn lại 8 anh em, ai cũng nghèo nhưng đều yêu sân khấu. Năm 14 tuổi tôi đã xe đạp chở má tôi từ Sài Gòn xuống Lái Thêu mua trái cây về bán. Vì ít vốn nên mua ngày nào, bán ngày đó.

Tuy gia cảnh nghèo nhưng ba má vẫn cố gắng cho tôi học trường công. Ngày đi học, chiều về tôi ra bô rác Xóm Ruộng (chợ Lê Văn Sỹ bây giờ) để lụm củi khô về nấu cơm. Chính tại bô rác này tôi đã nhặt được một tờ báo nhàu nát, trong đó có đăng hình Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. Nhà báo đăng một đêm Út Trà Ôn ca lãnh được 3000 đồng, mà vàng lúc đó có 800 đồng/lượng. Tôi ham quá, chợt nghĩ nếu mình là nghệ sĩ chắc sẽ làm một cuộc đổi đời cho ba má. Rồi là tôi quyết định học ca, được bác Hai Sĩ làm nghề hớt tóc dạy ca nửa câu vọng cổ, rồi lân la làm quen với anh Được đờn ca tài tử. Và sự kiện tháng 4 năm 1960 về đoàn Kim Chung đã thật sự thay đổi số mệnh của tôi, một thanh niên nghèo mà nếu không có nghề hát thì suốt đời vẫn đi nhặt củi ở bô rác mà thôi”.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Minh Cảnh tâm sự 'rút ruột' sau bao chìm nổi