"Lĩnh vực nào thì cũng cần một thế hệ kế thừa và tiếp nối. Thế hệ chúng tôi sẽ già đi, nhường sân khấu lại cho các em nhỏ sau này" - nghệ sĩ Thanh Thủy chia sẻ.

Nghệ sĩ Thanh Thủy: 'Với nghệ thuật, tôi không bao giờ bị lỗi nhịp'!

Tam Anh | 06/06/2023, 14:28

"Lĩnh vực nào thì cũng cần một thế hệ kế thừa và tiếp nối. Thế hệ chúng tôi sẽ già đi, nhường sân khấu lại cho các em nhỏ sau này" - nghệ sĩ Thanh Thủy chia sẻ.

13 năm chia tay sân khấu Idecaf cũng là chừng đó thời gian nghệ sĩ Thanh Thủy rời khỏi chương trình thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa. Trong mùa hè này, chị xuất hiện trở lại với vai Chim lợn trong vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn). Khi nhìn chị “tung tăng” trong hình ảnh nhân vật có chất trẻ con, người xem không nghĩ rằng chị đã từng tạm dừng một chương trình đến hơn một thập kỷ.

Sau buổi diễn thứ 4, Một Thế Giới đã có buổi trò chuyện với nghệ sĩ Thanh Thủy.

Phóng viên: Trở lại với "Ngày xửa ngày xưa" sau thời gian vắng mặt quá lâu, chị có cần thời gian để bắt nhịp không?

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Trong 13 năm vắng bóng ở Idecaf, tôi cũng trình diễn ở nhiều môi trường khác nhau. Nói cách khác, tôi chưa từng ngưng diễn nên không bị lụt nghề hay mất cảm giác sân khấu.

Nghệ thuật đã ăn sâu vào máu thịt của tôi nên khi chạm vào là bung ra, không có chút lựng khựng hay bỡ ngỡ nào. Có điều trong giây phút đầu tiên bước ra sân khấu ở buổi phúc khảo, tim tôi đập những nhịp khác thường, khá xúc động. Dẫu sao thì việc trở về với mái nhà xưa cũng tạo cho tôi một xúc cảm đặc biệt.

Diễn kịch cho trẻ con luôn là một thách thức lớn và rất ít nơi thành công. Theo chị, muốn khán giả nhí thích thú, diễn viên phải làm gì?

- Thế giới trẻ con rất hồn nhiên và ngây thơ. Bên thiện ngây thơ đã đành mà bên ác cũng phải ngây thơ. Nếu ai đã quen diễn kịch người lớn với quan niệm rằng tính cách ác phải có tầng lớp zích zắc tâm lý thì sẽ thất bại. Với khán giả nhí, mọi thứ phải phân minh và rõ ràng, các em không quen với sự "nham hiểm" kiểu của người lớn. Vai diễn của tôi là nhân vật ác, Chim lợn, dù bị ghét nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được hòa tâm hồn mình trong thế giới trong trẻo của trẻ con.

Thế giới của người lớn giờ đây có quá nhiều áp lực, toan tính và sân si. Được sống vài khoảnh khắc vô tư của trẻ thơ cũng thấy lòng nhẹ nhàng.

345076529_1004375970931927_8129587353221436977_n.jpg
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong tạo hình nhân vật của chương trình "Ngày xửa ngày xưa" năm 2023 - Ảnh: NVCC

Dựa trên phép lịch sự, văn minh, người ta không nên nhắc đến tuổi tác của phụ nữ. Một người nghệ sĩ càng tránh nhắc đến năm sinh, nhưng chị thì không ngại điều đó. Vì sao vậy?

- Tôi quan niệm đời là vô thường. Có những cái trước đây tôi muốn níu giữ vĩnh viễn thì bây giờ tôi đã biết cách buông. Nhan sắc là thứ người phụ nữ muốn gìn giữ nhất, nhưng rồi cũng phai tàn theo thời gian. Bây giờ tôi đã 60 tuổi. Tôi không còn muốn giấu điều đó, nhưng khi hóa thân vào nhân vật tôi không còn là tôi nữa. Tôi sẽ sống với nhân vật theo cách mà khán giả chỉ còn biết đó là nhân vật chứ không phải là Thanh Thủy. Như bạn thấy đấy, ai có thể tưởng tượng nhân vật Chim Lợn hồn nhiên như thế mà đã sống trọn một đời người, 60 năm (cười).

Nhưng dân gian có câu “thầy giáo già, con hát trẻ” ám chỉ nghệ sĩ trẻ mới còn sức hút. Rồi chị sẽ già hơn?

Tôi ý thức rõ điều đó. Tôi sẽ 70 rồi 80 tuổi. Lúc đó, tôi phải xem xét mình phải làm gì cho hợp lý nhất. Chẳng thể cưa sừng làm nghé được đâu. Vì thế, ngay bây giờ tôi đang cống hiến hết mình cho nhân vật và cho các tác phẩm. Tôi có thể viết kịch và đạo diễn nên về già tôi sẽ chuyên tâm vào hai lĩnh vực này.

Sân khấu kịch Sài Gòn vẫn đang ở trong trạng thái, kẻ thì than vãn khó khăn nhưng người thì hăng hái lao vào mở sân khấu. Chị nghĩ gì về điều này ?

- Tôi ngưỡng mộ tất cả các ông bà bầu sân khấu, vì đây là lĩnh vực không thể cho họ cơ hội làm giàu, nếu không muốn nói là càng mất tiền. Sân khấu Hoàng Thái Thanh là một ví dụ, đến giờ vẫn còn liên tục bù lỗ. Thế thì điều gì khiến họ tiếp tục lao vào lửa như thiêu thân? Đó là tình yêu cháy bỏng với sân khấu. Không có thứ tình cảm đặc biệt này, người ta cầm số tiền đầu tư đi gửi ngân hàng vẫn có lợi hơn, đầu óc thanh thản khỏi lo nghĩ. Diễn viên mê sân khấu cũng là điều đáng trân trọng vì diễn kịch không có thu nhập bằng mọi loại hình nghệ thuật khác. Làm vì đam mê, vì phận tằm nhả tơ. Vì cái sự đam mê này mà khó khăn bao nhiêu, nghệ sĩ vẫn chịu được và bám trụ với nghề.

351565580_6681225408568997_1624841609210472082_n.jpg
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong đời thường rất bình dị và an yên - Ảnh: NVCC

Vừa rồi, chị mới đạo diễn thành công vở kịch người lớn là "Bí mật giếng làng Khủm". Chị có gặp khó khăn gì không?

- Tôi nghĩ điều khiến cho ông bà bầu và đạo diễn sân khấu hiện nay đau đầu là khả năng tụ họp diễn viên. Như tôi nói ở trên, diễn kịch lương thấp nên diễn viên phải chạy show để đảm bảo thu nhập, "có thực mới vực được đạo" mà. Thú thật lương của diễn viên kịch trong mỗi suất diễn còn thua tiền công làm một video tiktok của những bạn diễn viên có nhiều follow. Họ còn ở lại với sân khấu đã mừng rồi. Tôi đồng cảm với họ điều đó nhưng đôi khi thấy kiệt sức. Giá như có một cách nào đó để diễn viên có nhiều thời gian hơn cho sân khấu kịch.

Tâm huyết lớn nhất của chị bây giờ là gì?

- Tôi đã lo đủ đầy cho cha mẹ và con cái nên phía gia đình không còn nặng gánh. Giờ tôi rất háo hức trong việc đào tạo lứa chim non. Tôi đang dốc sức truyền nghề cho các học trò để các bạn có thể trưởng thành. Lĩnh vực nào thì cũng cần một thế hệ kế thừa và tiếp nối. Thế hệ chúng tôi sẽ già đi, nhường sân khấu lại cho các em nhỏ sau này.

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện và chúc chị thành công!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Thanh Thủy: 'Với nghệ thuật, tôi không bao giờ bị lỗi nhịp'!