Nếu có vé số giả Bình Thuận hoàn hảo như vậy thì ai còn dám móc tiền mua vé số, khi người bán và đại lý cũng không phân biệt được?

Nghi vấn vé số Bình Thuận giả ở miền Tây Nam Bộ

Một Thế Giới | 14/04/2016, 11:07

Nếu có vé số giả Bình Thuận hoàn hảo như vậy thì ai còn dám móc tiền mua vé số, khi người bán và đại lý cũng không phân biệt được?

Bao nhiêu gian lận đổ lên đầu người bán dạo

Ông Mừng là tài xế xe dịch vụ, nhà ở Cần Thơ. Mới đây trong một chuyến đưa khách đi TP.HCM, trong lúc chờ khách ông đã mua của người bán vé số dạo bị mù 2 tờ vé số do Công ty TNHH XSKT tỉnh Bình Thuận mở thưởng.

Về Cần Thơ dò kết quả, ông Mừng hớn hở khi biết mình đã trúng lô xổ 3 số (200.000 đồng). Thế nhưng, khi mang đi đổi thì không người bán vé số dạo nào chịu đổi 2 tờ số trúng này, dù ông Mừng cam kết chỉ lấy tiền mặt phân nửa, số còn lại ông sẽ tiếp tục mua vé số mới… Họ bảo đó là vé giả.

Chị Nhung (42 tuổi) quê Sóc Trăng, sống bằng nghề bán vé số dạo ở nội ô TP.Cần Thơ, than phiền: “Người mua thì nói chi. Chính tui cũng mới vừa “ôm hận” với 3 tờ vé số (mỗi vé trúng 400.000 đồng) nhận đổi cho khách. Sau đó, đại lý vésố cũng chấp nhận đổi thưởng cho tôi.

Chị Nhung, nạn nhân của vé số "giả"

Thế nhưng hơn 1 tháng sau bất ngờ Công ty XSKT Bình Thuận trả số về cho đại lý với thông báo miệng là: “Vé số in lụa, không đổi”.

Chị Nhung kể, ngày 4.3.2016, chị bán vé số dạo trên đường Lê Bình (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) thì gặp một người khách vãng lai ở quán cà phê, ông ta ngỏ ý dò vé số cũ. Chị háo hức đưa tờ giấy dò số với hy vọng sẽ bán được vé số mới cho người khách này.

Ông khách dò cùng lúc 10 tờ vé số của Công ty XSKT Bình Thuận, 8 tờ của tỉnh An Giang. Và kết quả, trong đó có 3 tờ vé số của Bình Thuận trúng giải 6 (400.000 đồng/vé). Khi vị khách trúng số ngỏ ý đổi vésố trúng, chị Nhung hơi lo lắng vì giá trị giải thưởng khá lớn đối với số tiền mang theo của chị.

Tuy nhiên, nghĩ tới chuyện mình sẽ bán được nhiều vé số cho vị khách này nên chị so lại 3 tờ số trúng, rồi đọ với 7 tờ số trật thì thấy hoàn toàn giống nhau (cùng tỉnh Bình Thuận) nên không nghi ngờ thêm.

Hơn nữa, chị Nhung còn nghĩ rằng ông khách này đang chờ đợi người thân đi chữa bệnh tại một phòng khám tư nhân gần đó thì lẽ nào họ lại mang tâm địa gian lận tới hại mình, nên chị nhận lời đổi cho khách. Chiều đó, chị mang đến đại lý đổi và mọi chuyện ổn thỏa.

Nhưng đến ngày 6.4.2016, chị được đại lý vé số nơi đã nhận đổi số trúng cho chị trả lại 3 tờ vé số ấy vì cho rằng công ty không đồng ý trả thưởng vé số này bởi họ bảo đây là vé số in lụa (vé số không hợp lệ - vé số giả).

Và theo đó, đương nhiên là chị Nhung có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền trúng thưởng mà đại lý đã đổi vé số trúng, do chị đã trực tiếp đổi cho khách cầm về giao lại. Người chủ đại lý này cũng căn dặn chị đừng bao giờ đổi số trúng đối với những vé trúng mà không phải do chính mình bán cho khách.

Chị Nhung khẳng định gần đây nhiều người bán dạo cũng rơi vào cảnh tương tự như chị, và phải chịu trả góp mỗi ngày 20.000 đồng cho các chủ đại lý để hoàn dần số tiền đổi thưởng “hố”.

Vé số giả mà đại lý có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực vé số cũng không biết? Theo chị Nhung, người bán vé số dạo như chị nếu cẩn thận như đại lý đã dặn thì cơ hội bán được vé số sẽ giảm nhiều vì mất hết số khách vãng lai sẽ tiếp tục mua khá nhiều sau khi dò số cũ có số trúng.

Và điều khiến chị Nhung bức xúc là từ trước tới nay, vé số trúng đổi cho đại lý nếu có chuyện gì trục trặc sẽ có phản hồi ngay sau tối đa 2 tuần, nhưng lần này, Công ty XSKT Bình Thuận lại hoàn trả lại quá muộn làm phát sinh những mối nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động trả thưởng.

Vé số giả xuất hiện?

Hơn nữa, việc xử lý trên 3 tờ vé số trả lại của Công ty XSKT Bình Thuận có những điều bất nhất, khó hiểu… Theo chị Nhung, mặt sau của tờ vé số có đến 2 con dấu của chính Công ty XSKT Bình Thuận, nhưng 1 dấu ghi nội dung: “Trình đã trả thưởng”, 1 dấu khác lại ghi: “Vé không đủ điều kiện trả thưởng”…

Vé vừa đóng dấu “Trình đã trả thưởng”, 1 dấu khác lại đóng: “Vé không đủ điều kiện trả thưởng”…

Chính điều này đã tạo ra sự mập mờ trong hoạt động trả thưởng của Công ty XSKT Bình Thuận mà thiệt thòi cuối cùng đổ trút trên lưng người bán dạo, trong khi họ không được hiểu sự việc một cách thấu đáo.

Bà Trương Thị Ngọc Phương (đại lý vé số Phương Nhi), nơi đã nhận đổi 3 tờ vé số trúng nêu trên cho chị Nhung thừa nhận dù đại lý Phương Nhi không phân phối vé số của Công ty XSKT Bình Thuận, nhưng vì chị Nhung là khách hàng quen nên hôm đó bà Phương đã nhận đổi cho chị.

Về việc có khá nhiều những trường hợp Công ty XSKT Bình Thuận trả lại vé số cho đại lý đã nhận đổi vì cho rằng không đủ điều kiện trả thưởng, theo bà Phương, không riêng gì chị Nhung mà gần đây đại lý Phương Nhi đã có nhiều người bán vé số dạo đem số trúng của Công ty XSKT Bình Thuận về đổi, nhưng rất nhiều trường hợp bị trả lại. “Thực tế này gây khó cho đại lý và làm khổ người bán dạo”, bà Phương nói.

Và điều trùng hợp kỳ lạ là nếu có vé số in lụa (vé số giả) xuất hiện trên thị trường, thì tại sao họ chỉ in vé số của tỉnh Bình Thuận? Trước giờ, chỉ có các chiêu trò sửa số trúng, chỉnh ngày mở thưởng… để lừa người bán vé số dạo, chứ chuyện vé số giả, theo chủ các đại lý vé số: “Rất dễ nhận biết bằng mắt thường, do màu sắc không giống như những tờ vé số thật!”.

Từ chối trả thưởng vì cho rằng đây là vé số scan - vé giả

Và nếu có vé số giả Bình Thuận hoàn hảo như vậy, thì ai còn dám móc tiền mua vé số, khi người bán và đại lý còn không phân biệt được?

Công ty xổ số Bình Thuận nói gì?

Ông La Đình Toàn, cán bộ Văn phòng đại diện Công ty TNHH XSKT Bình Thuận tại Cần Thơ, giải thích khá chung chung: “Quy trình nhận đổi vé số trúng của công ty, trước hết là các vé trúng chỉ nhận từ các đại lý và có con dấu của đại lý đã nhận đổi của khách hàng.

Bước tiếp theo là lập biên bản bàn giao vé trúng theo mẫu quy định giữa văn phòng đại diện và đại lý phân phối, sau đó các vé trúng được chuyển về Công ty XSKT Bình Thuận để thực hiện các bước tiếp theo. Và cuối cùng là chi trả các giải thưởng theo các vé đã trúng qua hình thức chuyển khoản”.

Theo ông Toàn, tất cả các thủ tục nêu trên được các bộ phận chuyên môn thực hiện trong khoảng thời gian 30 phút.

Ông Toàn cũng cho biết thêm: “Toàn bộ vé trúng khi chuyển về công ty, được kiểm tra lại trước khi trả thưởng. Những vé trúng có những vấn đề trục trặc về tính hợp lệ sẽ được thông báo và hoàn trả lại đại lý trong vòng 1 tuần kể từ ngày nhận được vé đổi”.

Các vé số không đủ điều kiện trả thưởng phải được hoàn đáo lại đại lý, người bán lẻ… với nhiều thông tin kèm theo như thế này mới đúng

Về việc chị Nhung nhận 3 tờ vé số trả về từ đại lý cùng lúc mang 2 con dấu của chính công ty xổ số nhưng mang 2 nội dung trái ngược nhau: 1 dấu “Trình đã trả thưởng” và 1 dấu khác lại là “Vé không đủ điều kiện trả thưởng” được ông Toàn giải thích rằng: “Ngay khi nhận vé trúng thưởng về, bộ phận nhận vé ngay lập tức đóng dấu “Trình đã trả thưởng”.

Nhưng sau khi kiểm tra lại và xác định đó là vé không hợp lệ nên tiếp tục được đóng dấu thứ 2 là vé không đủ điều kiện trả thưởng”.

Nhưng theo kinh nghiệm làm đại lý vé số của mình, ông Võ Văn Lê - chủ một đại lý vé số ở Cần Thơ cho biết khi hoàn trả vé không hợp lệ cho đại lý, ngoài hiện vật là những tờ vé số không đảm bảo điều kiện trả thưởng, công ty xổ số còn kèm theo một số giấy tờ cần thiết để thông báo rõ ràng với đại lý, người bán lẻ về các điểm không hợp lệ trên tờ vé số.

Song song đó, ngay trên các tờ vé số không hợp lệ đó cũng được đánh dấu xác định rõ các đặc điểm không phù hợp với vé số mà công ty xổ số đã phát hành, thí dụ nhưđóng dấu khẳng định: “Vé đã bị cạo sửa”, “vé scaner”… Còn Công ty XSKT Bình Thuận chỉ trả lời chung chung rằng đấy là vé số in lụa, hoàn toàn không thuyết phục!

Theo các công ty xổ số kiến thiết, vé số giả là tình trạng rất khó quản lý, nhất là khi công nghệ in ấn ngày càng hiện đại hơn. Tuy nhiên, một số đại lý có thâm niên trong nghề thì cho rằng phát hiện ra vé số giả, số cạo sửa, cắt dán… là điều không khó dựa theo các chỉ dấu đặc biệt trên tờ vé số: màu sắc của từng chi tiết, con dấu và thậm chí là cả dấu kim bấm đầu cùi số…

Thông thường các công ty XSKT sẽ tập huấn kỹ lưỡng cho đại lý cấp 1 về cách nhận biết vé số giả. Song, phần kỹ năng này hầu như không được người bán dạo chú ý.

Chính vì vậy, những Công ty XSKT có trách nhiệm với hệ thống phân phối của họ thì khi phát hiện ra những dấu hiệu nghi có vé số giả trà trộn trong kỳ phát hành thì ngay lập tức thông tin sẽ được loan báo đến tận những người bán vé dạo để cùng nhau cảnh giác.

Tuy nhiên, với người mua số thì hoàn toàn mù tịt cho tới khi trúng số mà không được trả thưởng thì mới hay.

Nghinh Ngọc

Ảnh: Vé số "giả" xuất hiện ở miền Tây chỉ toàn đài Bình Thuận!
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghi vấn vé số Bình Thuận giả ở miền Tây Nam Bộ