Hai em ông Mai Liêm Trực ở lại miền Nam với mẹ, một đi quân giải phóng, một đi lính Cộng hòa để rồi sau ngày 30.4.1975, trên bàn thờ có hai bát nhang thờ hai người con ấy.

Nghĩ về ngày 30.4, nghĩ về hòa hợp dân tộc

Vũ Trung Kiên | 25/04/2021, 11:15

Hai em ông Mai Liêm Trực ở lại miền Nam với mẹ, một đi quân giải phóng, một đi lính Cộng hòa để rồi sau ngày 30.4.1975, trên bàn thờ có hai bát nhang thờ hai người con ấy.

Tối ngày 2.5.1975, hai ngày sau ngày thống nhất đất nước, Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và toàn bộ nội các của ông được trao trả tự do. Trong buổi lễ này, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu 7 đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng…Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.

Trước đó, trưa 30.4.1975, phát biểu trực tiếp trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Thủ tướng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, Luật sư Vũ Văn Mẫu đã nói: “Trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của cách mạng”.

Ngay trong buổi lễ trao trả tự do cho nội các Dương Văn Minh, người đứng đầu của chế độ Sài Gòn đã phát biểu: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước…”.

Lịch sử thật trớ trêu khi đặt dân tộc ta trước những thử thách ngặt nghèo. Sau chiến thắng của nhân dân ta ở Điện Biên Phủ năm 1954, các thế lực xâm lược, ngoại bang - dù thua cuộc - vẫn nuôi dã tâm chia rẽ lâu dài đất nước ta. Với chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ nhưng trước sức ép của các cường quốc lớn lúc bấy giờ, Việt Nam đành chấp nhận và đề nghị nếu vạch một ranh giới quân sự tạm thời phải ở vĩ tuyến 14, ngang Phú Yên hiện nay. Thế nhưng, các thế lực chống Việt Nam đòi vĩ tuyến 20, ngang Thanh Hóa. Và, vĩ tuyến 17 đã như “Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền/ Núi sông một khúc ruột liền chia hai” (Tố Hữu). Ngày ký hiệp định Géneve, ông Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, tuôn mồ hôi như tắm. Có thể, bằng mẫn cảm của một nhà chính trị lão luyện, ông hiểu rằng sẽ không bao giờ có hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước trong 2 năm theo như hiệp định. Sau này, cả hai lần chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm đề nghị hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng đều bị khước từ với lý do đưa ra là Chế độ Sài Gòn không ký vào hiệp định này nên họ không phải tuân thủ. 

Sau ngày hiệp định Genève được ký kết, hàng vạn người chồng, người cha ở miền Nam chia tay gia đình tập kết ra miền Bắc với hy vọng 2 năm sau sẽ trở về. Cuộc chia ly ấy đã không chỉ trong 2 năm mà phải 21 năm sau cả dân tộc mới đoàn tụ trong ngày 30.4.1975.

Sau 21 năm đằng đẵng với biết bao “núi xương, sông máu” và những câu chuyện chia ly đau lòng, đứt ruột ấy, ngay sau khi vừa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng, ông Dương Văn Minh đã hỏi ngay những người có trọng trách khi ấy em trai ông thế nào. Ông Dương Văn Minh đã từng làm quốc trưởng, làm tổng thống chế độ Sài Gòn, nhưng em ông lại là thiếu tá tình báo của quân giải phóng. Bà Nguyễn Thị Kỳ, thân mẫu các ông muốn đi thăm người con ở miền Bắc trước đó đã phải bay rất nhiều chuyến máy bay vòng vèo để đến Hà Nội rồi lại vòng vèo bay trở về Nam.

Con trai ông Trần Văn Hương là đại úy tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay khi nghe tin một người có tên như cha mình lên làm lãnh đạo ở miền Nam, ông đã lập tức lên báo cáo tổ chức để rồi cái tên ấy chính là người cha của ông và họ chỉ thật sự về chung một nhà sau ngày 30.4.1975.

Ông Mai Văn Bộ tập kết ra Bắc, là người đặt bút ký hòa đàm Paris, thế nhưng con trai ông, cháu ngoại nhà giáo nổi tiếng nhiều năm làm hiệu trưởng trường Ngô Quyền ở Biên Hòa ở lại miền Nam, số phận xô đẩy để rồi anh đứng bên kia chiến tuyến cùng cha mình.

Cả ba anh em ông Mai Kỷ, Mai Liêm Trực, Mai Ái Trực tập kết ra Bắc với cha để rồi sau này hai ông trở thành bộ trưởng và một ông thành thứ trưởng. Hai em ông ở lại miền Nam với mẹ, một đi quân giải phóng, một đi lính Cộng hòa để rồi sau ngày 30.4.1975, trên bàn thờ có hai bát nhang thờ hai người con ấy. Hãy đặt mình vào người mẹ của các ông để hiểu nỗi đau đớn xót xa trong lòng người mẹ đau khổ này. Đối với bà, hẳn nhiên làm gì có đứa đứa nào ở bên này, đưa nào ở bên kia, cả hai đều là bà rứt ruột sinh ra.

Nhà báo Lưu Đình Triều có cha tập kết ra Bắc, làm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, anh ở lại miền Nam và số phận đã xô đẩy để hai cha con anh ở hai bên chiến tuyến. Ngày 30.4.1975, cha anh tập kết trở về trong nỗi mừng vui đoàn tụ của cả dân tộc, cùng thời điểm ấy, ngay trong chính gia đình anh lại bắt đầu sự chia ly. Người cha cách mạng kiên định ấy đã không lên tiếng xin xỏ cho con trai mình và để con đi “cải tạo”.

Bốn mươi sáu năm sau ngày đất nước thống nhất, những người Việt Nam ở “bên này” hay “bên kia” đã và đang quay trở về, bắt tay nhau, khoác vai nhau. Cho dù dân tộc, màu da khác nhau, song ở đâu cũng vậy, có nước mắt nào không mặn, có máu nào không đỏ, có lòng người mẹ nào không đau đớn khi những người con mà mình rứt ruột sinh ra đã ra đi rồi không trở về… Nói chi, người Việt vốn chung một gốc gác, tổ tiên, chung một nguồn cội.

Bốn mươi sáu năm đã qua, thời gian đã giúp chữa lành từng bước những vết thương trong lòng người Việt. Trong hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình cho biết ngay trước thời điểm 30.4.1975 mà một số quốc gia có lợi ích riêng vẫn không muốn cho đất nước ta thống nhất, dân tộc ta đoàn tụ, vẫn muốn chia lìa dân tộc ta. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chủ quyền quốc gia đang bị thử thách khắc nghiệt, để bảo vệ chủ quyền, sự thống nhất thiêng liêng của Tổ quốc, rất cần sự chung tay, góp sức, đồng lòng của mọi người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. Vì lẽ ấy, ngày 30.4 nên mang một ý nghĩa thiêng liêng nhất, ngày hòa hợp dân tộc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ về ngày 30.4, nghĩ về hòa hợp dân tộc