Trách nhiệm chung nhất và cao nhất của người lãnh đạo (một cơ quan, một công ty, một ngành, một địa phương…) là cùng với cấp dưới đạt được các mục tiêu chiến lược được tập thể hay cấp trên đề ra.

Nghĩ về trách nhiệm của lãnh đạo ngành

22/11/2016, 09:12

Trách nhiệm chung nhất và cao nhất của người lãnh đạo (một cơ quan, một công ty, một ngành, một địa phương…) là cùng với cấp dưới đạt được các mục tiêu chiến lược được tập thể hay cấp trên đề ra.

Các giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách - Ảnh minh họa

Theo chúng tôi, các trách nhiệm rất quan trọng, ngoài nhiều trách nhiệm khác, mà người lãnh đạo cần hoàn thành để chu toàn được trách nhiệm chung nhất nói trên là:

1) Đại diện cho cơ quan, ngành trước chính quyền và trước cộng đồng: chiếm được sự kính trọng và lòng tin của chính quyền và cộng đồng rằng cơ quan, ngành là một thành viên tốt có trách nhiệm của cộng đồng.

2) Bảo vệ Giá trị Cốt lõi của tập thể, cơ quan, ngành: bảo đảm hệ thống các Giá trị Cốt lõi của tập thể không bị xâm phạm, được tôn trọng và tuân thủ bởi tất cả các nhân viên dưới quyền.

3) Hỗ trợ nhân viên dưới quyền hoạt động khi có khó khăn: sát cánh với cấp dưới, bàn bạc với họ về các giải pháp; giúp đỡ khi họ gặp khó khăn trong nhiệm vụ và phần nào đó trong đời sống; bảo vệ họ khi họ bị chèn ép, bức hiếp…

Trong các sự việc lùm xùm xảy ra gần đây trong ngành giáo dục, chúng ta thử xem các vị lãnh đạo đã thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào?

Tháng 7.1016, ông Trần Kim Nhuận, Phó hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân tỉnh Quảng Nam, “dù đã có gia đình nhưng giữa ông Nhuận và cô giáo sinh năm 1983 có quan hệ tình cảm từ nhiều năm nay. Trong thời gian quan hệ yêu đương, ông Nhuận chụp lại hình ảnh nhạy cảm của cô giáo và lưu giữ lại những hình ảnh này trong máy”. Các tấm hình này sau đó được thầy Phó hiệu trưởng dùng để uy hiếp, tống tiền cô giáo đã gian díu với mình.

Thực là một sự suy thoái đạo đức quá tệ hại (của một người thầy) và táng tận lương tâm (đối với người tình cũ). Trong khi đó, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, tuyên bố: “Lãnh đạo ngành không ai mong muốn cái sự việc như thế này, sự việc không hay ho”, và “Đối với ngành giáo dục thì đó là cái việc hết sức đáng tiếc, không ai muốn” (Trích).

Độc giả có nghĩ rằng người có nhận xét “nhẹ nhàng” về sự việc kinh khủng như thế có thể bảo vệ Giá trị Cốt lõi của tập thể được chăng?

Sự việc khác: mới đây, UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã ra Thông báo số 77/TB - UBND, điều động 21 giáo viên nữ từ bậc mầm non đến THCS, tham gia phục vụ tại chương trình Liên hoan Dân ca ví dặm. Theo các cô giáo, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách! Vậy mà ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh, thản nhiên xác nhận và nhận định "trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống". Trong khi sự việc này vi phạm nguyên tắc làm việc, xâm phạm giá trị cốt lõi của ngành giáo dục, xúc phạm nhân phẩm các cô giáo…

Để bảo vệ các Giá trị Cốt lõi của cơ quan, của ngành, cần làm nhiều việc. Một việc rất quan trọng là mỗi khi có trường hợp xâm phạm giá trị cốt lõi, người lãnh đạo cần thấy rõ tác hại từ xa, cần có phản ứng tức thì kiên quyết lên án sự việc và đề ra biện pháp để giữ vững giềng mối đạo đức. Đây là lúc mọi quan sát của công chúng tập trung vào thái độ, phản ứng của lãnh đạo.

Các cô giáo ở ngạch trật hành chánh thấp, bị người có quyền thế điều động làm những việc không trong trách nhiệm của mình, trái với tư thế nghề nghiệp của mình, trái cả với nguyên tắc ứng xử giao tiếp thông thường của xã hội… sau khi kêu cứu các cô đã nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ gì của các lãnh đạo ngành?

Các cô, gia đình, thân hữu của các cô, những người quan tâm trong xã hội nghĩ gì về thái độ, ý thức và tinh thần của lãnh đạo trong việc hoàn thành các trách nhiệm của lãnh đạo như đã nêu trên: 1) Đại diện cơ quan trước chính quyền và trước cộng đồng; 2) Bảo vệ Giá trị Cốt lõi của tập thể; 3) Hỗ trợ nhân viên dưới quyền hoạt động khi có khó khăn?

Trong triết lý về lãnh đạo tiến bộ hiện nay, người lãnh đạo không phải là người từ trên chỉ tay, ra lệnh cho cấp dưới. Trái lại người lãnh đạo ngồi cùng bàn tròn với cấp dưới, bàn bạc với họ về các mục tiêu chiến lược, về các chỉ tiêu cần đạt được, về hướng đi, giải pháp… và thuyết phục họ. Trong thời đại “phẳng hóa”, đây là cách lãnh đạo hiệu quả nhất, và nó đòi hỏi lòng kính trọng và yêu mến của nhân viên đối với tài năng lẫn đức độ nơi người lãnh đạo.

Thưa các Thầy Cô, ngày 20.11 là ngày vui, ngày hội của ngành giáo dục, cũng là ngày hội của rất nhiều người từ khắp xã hội đổ về nơi mình đã được học từ những Thầy Cô đáng kính, nơi mình đã từng vui chơi với những người bạn thân thiết. Ngày 20.11 đã qua, nhưng trong những ngày này mà phải viết những dòng trên đây, thực lòng người viết không hề muốn, nhưng không viết không an tâm. Xin kính gởi đến các Thầy Cô tâm tình của một người học trò đã về hưu, lời kính chúc và ước mong ngành giáo dục ngày càng nhân bản hơn, khai phóng hơn, có những người lãnh đạo được công chúng gửi gắm lòng tin tưởng!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ về trách nhiệm của lãnh đạo ngành