Từ 13.2, giá xăng trong nước đồng loạt tăng dù giá thế giới trước kỳ điều chỉnh có xu hướng giảm. Vấn đề này đang đặt dấu hỏi từ phía dư luận.

Nghịch lý giá xăng trong nước tăng khi giá thế giới giảm

Tuyết Nhung | 14/02/2023, 12:21

Từ 13.2, giá xăng trong nước đồng loạt tăng dù giá thế giới trước kỳ điều chỉnh có xu hướng giảm. Vấn đề này đang đặt dấu hỏi từ phía dư luận.

Giá xăng trong nước tăng khi giá thế giới đang giảm

Chiều ngày 13.2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng RON 95 tăng 620 đồng, lên mức 23.760 đồng/lít; xăng E5 RON92 là 22.860 đồng/lít, tương đương tăng 540 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hỏa giảm 980 đồng, về mức 21.590 đồng/lít; dầu diesel giảm 960 đồng, còn 21.560 đồng/lít; dầu mazut giảm 300 đồng, bán ra 13.630 đồng/kg.

xang-dau.jpg

Lý giải về việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tăng trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang giảm, Liên Bộ cho biết, thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này (từ 30.1 - 13.2) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất; lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; các tín hiệu trái chiều về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc…Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá là: 97,011 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92, giảm 1,848 USD/thùng, tương đương giảm 1,87% so với kỳ trước; 100,237 USD/thùng xăng RON95, giảm 2,032 USD/thùng, tương đương giảm 1,99% so với kỳ trước.

Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng giảm mạnh, trong đó, giá dầu hỏa là 111,314 USD/thùng, giảm 6,396 USD/thùng, tương đương giảm 5,43%; dầu diesel là 108,038 USD/thùng, giảm 8,956 USD/thùng, tương đương giảm 7,65% và dầu mazut là 385,289 USD/tấn, giảm 12,514 USD/tấn, tương đương giảm 3,14% so với kỳ trước.

Liên Bộ cho rằng, phương án điều hành giá xăng dầu như trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng dầu phù hợp với biến động của giá dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời, tạo dư địa quỹ bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, việc cơ quan quản lý điều hành giá dầu tăng trong bối cảnh giá thế giảm là có lý do. Cụ thể là do nhà điều hành đã ngừng trích lập quỹ bình ổn với mặt hàng xăng, trong khi kỳ trước đã chi quỹ bình ổn ở mức cao 850 đồng/lít với E5 RON 92 và 950 đồng/lít với xăng RON95. Khi cơ quan quản lý ngừng chi quỹ bình ổn, trừ đi mức giảm trong kỳ thì giá bán lẻ xăng trong nước sẽ tăng như vậy.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cho rằng, cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều hành giá xăng dầu để tránh có độ trễ so với biến động nhanh chóng của thị trường thế giới. Như vậy sẽ giúp cho việc điều hành giá được linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp diễn biến thị trường thế giới, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trong dự thảo lấy ý kiến mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần. Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán).

Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Đây là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành. 

Lý do Bộ Công Thương lựa chọn phương án trên là nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những lúc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá thế giới. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian để thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10 - 15 ngày.

Ngoài ra, khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu (đặc biệt khi vào chu kỳ giá đi xuống, ví dụ có thể xảy ra sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc).

Điều chỉnh thời gian điều hành giá

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương đưa ra để xin ý kiến. Trong đó, Bộ này cũng đưa ra 2 phương án điều hành giá xăng dầu. Một là vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp... Phương án 2 là Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.

Góp ý về đề xuất này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng nên để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát. Khi giá bán do cung cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Việc này sẽ tuân theo quy định của Luật Giá và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước nếu không cần thiết.

Lý giải lý do ủng hộ phương án này, VCCI cho biết, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần cẩn trọng và tính toán kỹ trước đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ xăng dầu có nhiều ưu điểm nhưng cần chọn thời điểm phù hợp, bởi nếu không sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ tiêu cực.

Bài liên quan
Thu hồi giấy phép của 6 đơn vị thương nhân phân phối xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 thương nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch lý giá xăng trong nước tăng khi giá thế giới giảm