Sau một năm tài chính đầy lạc quan, giới chuyên gia nhận định năm nay sẽ là năm phân hóa lợi nhuận lớn giữa các ngân hàng khi tài sản sinh lãi có thể chậm hơn.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 31.12 đạt 14,5%, cao hơn mức đạt được của năm 2021 là 13,61%. Bốn "ông lớn" quốc doanh năm vừa qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng tín dụng hết sức ngoạn mục.
Đơn cử như tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV tăng 19% trong năm ngoái, còn dư nợ tín dụng tăng 12,65% (cao hơn mức 11,8% của năm trước đó). Trong khi đó, thông báo của Ngân hàng Vietcombank cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 19%.
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng vào đầu tháng 12 đã giúp ngân hàng có không gian tăng trưởng tốt hơn đáng kể trong tháng cuối cùng của năm. Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục duy trì ở mức cao do sự gia tăng đáng kể của tiền gửi Kho bạc nhà nước và tiền gửi không kỳ hạn, qua đó hỗ trợ đà tăng của thu nhập lãi thuần.
Chuyên gia này cho rằng, trong năm qua, động lực tăng trưởng chính của ngành ngân hàng chính là từ thu nhập lãi thuần. Chính vì thế mà hàng loạt ngân hàng có thể "sống khỏe" và vượt qua một năm tài chính đầy rủi ro.
Ví dụ như ngân hàng Vietcombank, thu nhập lãi thuần tăng trưởng tới hơn 26%, con số này đã đóng góp trên 78% tổng doanh thu của ngân hàng, trong khi tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2021 cũng là nhân tố chính giúp lợi nhuận của hai ngân hàng MB và BIDV đạt mức tăng trưởng ngoạn mục.
Ngân hàng BIDV (Mã: BID) cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỉ đồng. Tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỉ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.
Trong khi đó, ngân hàng MB cũng thông báo đã có một năm 2022 đạt doanh thu ấn tượng. Theo đó, kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB đạt 22.729 tỉ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng là 20.318 tỉ đồng, tăng 41,1% so với năm trước.
Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục duy trì ở mức cao do sự gia tăng đáng kể của tiền gửi Kho bạc nhà nước và tiền gửi không kỳ hạn, qua đó hỗ trợ đà tăng của thu nhập lãi thuần. Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận những khoản thu đột biến đến từ phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu trong năm 2022 như: VPBank, ACB, VietinBank và Sacombank...
Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực trong năm qua, nhưng ông Hiếu đánh giá, triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ gặp khó và có sự phân hóa khá cao. Nguyên nhân là do động lực tăng trưởng của các ngân hàng bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Nhận định về bức tranh tài chính năm 2023 của các ngân hàng, chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sự phân hóa vẫn đang xảy ra ở nhóm ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn có xu hướng đạt lợi nhuận tốt hơn.
"Điều này vẫn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về sự phân hóa trong tăng trưởng lợi nhuận ngành trong năm 2022, chủ yếu do sự khác biệt về danh mục tài sản, tốc độ phục hồi của khách hàng, bộ đệm dự phòng và nền so sánh", báo cáo của VDSC cho hay.
Chuyên gia VDSC cũng cho rằng, chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.
Trong khi đó, nhóm phân tích của SSI cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng có thể đạt 13,7% theo kịch bản cơ sở. Con số này bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017 - 2021 (28%), và cao hơn giai đoạn 2014 - 2015 (11,3%). Trong kịch bản tiêu cực, các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay, bằng 1/3 giai đoạn 2017 - 2021.
Trước đó, khẳng định điều hành lãi suất và tỷ giá là một trong những nội dung trọng tâm của điều hành chính sách tiền tệ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, chính sách của các nước lớn, đặc biệt là của Mỹ trong vấn đề tăng lãi suất và thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đến mức độ nào hoặc nới lỏng bớt đi bao nhiêu… đều được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và đánh giá.
Phó thống đốc khẳng định: "Việc điều hành lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 này trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay. Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn".