Ăn quá nhiều chất béo có thể làm tăng cholesterol, tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và các dạng bệnh tim mạch chưa kể đến còn gây bệnh béo phì, tiểu đường, ung thư cùng một loạt loại bệnh khác.

Nghiên cứu dài 27 năm: Chất béo có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ miễn là ăn đúng loại

Đan Thuỳ | 10/11/2021, 10:21

Ăn quá nhiều chất béo có thể làm tăng cholesterol, tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và các dạng bệnh tim mạch chưa kể đến còn gây bệnh béo phì, tiểu đường, ung thư cùng một loạt loại bệnh khác.

Thủ phạm gây ra đột quỵ là loại chất béo chứ không phải số lượng chất béo được nạp vào cơ thể. Ăn chất béo có nguồn gốc từ thực vật làm giảm nguy cơ đột quỵ, theo một nghiên cứu được công bố hôm 8.11 tại hội nghị Khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2021.

Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều chất béo thực vật có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 12% so với những người ăn ít. Mặt khác, những người ăn nhiều chất béo bão hòa có nguồn gốc động vật có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 16% so với những ai ăn ít chất béo loại này.

“Phát hiện của chúng tôi chỉ ra loại chất béo và các nguồn thực phẩm khác nhau của chất béo quan trọng hơn tổng lượng chất béo trong chế độ ăn uống trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch, bao gồm cả đột quỵ”, theo Fenglei Wang, tác giả của nghiên cứu, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại khoa dinh dưỡng Harvard T.H. Chan School of Public Health (Mỹ).

Các loại chất béo trong chế độ ăn uống

Con người cần chất béo để tồn tại. Chất béo giúp cơ thể hấp thụ vitamin từ thực phẩm, giúp cho hormone hoạt động, xây dựng tế bào, cung cấp năng lượng và giữ ấm cho cơ thể.

Chất béo không bão hoà có từ rau, quả hạch và cá béo có thể làm giảm mức cholesterol, giúp cơ thể khoẻ mạnh.

“Các nguồn chính của chất béo thực vật là gì? Đó là dầu thực vật lỏng như dầu ngô, dầu cây rum, dầu hướng dương, dầu đậu nành có nhiều axit béo không bão hòa đa. Dầu hạt cải và dầu ô liu có nhiều axit béo không bão hòa đơn. Đây là những loại dầu nên được dùng để chế biến thức ăn”, Alice Lichtenstein, Giám đốc và là nhà khoa học cấp cao tại phòng thí nghiệm Dinh dưỡng Tim mạch tại Đại học Tufts tại Boston (Mỹ), cho biết.

healthy-foods.jpeg
Các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ con người - Ảnh: Internet

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thường không tốt cho sức khỏe. Chất béo bão hòa thường có trong các loại thịt đỏ, thịt đã qua chế biến và có xu hướng là chất rắn ở nhiệt độ phòng. Trong nghiên cứu, chúng gồm thịt bò, thịt cừu, thịt xông khói, xúc xích, thịt ba chỉ và các loại thịt đã qua chế biến khác.

Tiến sĩ Frank Hu cho biết: “Giảm vừa phải lượng tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã qua chế biến trong chế độ ăn uống lành mạnh có thể giảm tỷ lệ tử vong xuống 13%, tử vong do bệnh tim là 14%, tử vong do ung thư xuống 11% và nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường loại 2 xuống 24%”.

Điều thú vị là nghiên cứu cho thấy chất béo từ sữa bao gồm pho mát, bơ, sữa, kem không có liên quan đến nguy cơ gây đột quỵ cao. Đã có một cuộc tranh luận diễn ra giữa các nhà nghiên cứu dinh dưỡng về vai trò của sữa trong chế độ ăn uống khi sữa là nguồn cung cấp canxi chính. Hướng dẫn Chế độ ăn uống 2020-2025 của Bộ Nông Nghiệp Mỹ đã kêu gọi nên sử dụng ba khẩu phần sữa mỗi ngày, tốt nhất là loại ít và không chất béo.

Nghiên cứu dài hạn về lợi ích của chất béo thực vật với sức khỏe con người

Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trong 27 năm từ gần 120.000 y tá và chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là một phần của hai trong số các nghiên cứu dinh dưỡng đang diễn ra lâu nhất tại Mỹ mang tên Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá và Nghiên cứu Theo dõi Chuyên gia Y tế.

Nghiên cứu chỉ mang tính chất quan sát nên kết quả không thể thiết lập hậu quả giữa việc tiêu thụ chất béo và nguy cơ đột quỵ mà chỉ chỉ ra chúng có mối liên hệ với nhau. Các hạn chế khác của nghiên cứu bao gồm dân số chủ yếu là người da trắng (97%) và mọi người tự báo cáo về thói quen ăn kiêng của mình 4 năm một lần.

Tuy nhiên, kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây cho thấy lợi ích của chế độ ăn dựa trên thực vật so với động vật.

foodspreventstroke-519517691-770x533-1.jpeg
Nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh - Ảnh: Internet

“Các đặc điểm chính của mô hình ăn kiêng tốt cho tim là cân bằng lượng calo nạp vào với nhu cầu calo của cơ thể. Để đạt được và duy trì cân nặng hợp lý, hãy chọn ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và có nguồn gốc thực vật cũng như nhiều loại trái cây và rau quả. Hạn chế muối, đường, mỡ động vật, thực phẩm đã qua chế biến và rượu. Hãy áp dụng hướng dẫn này bất kể chế độ ăn và loại thực phẩm nào”, Alice Lichtenstein chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu dài 27 năm: Chất béo có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ miễn là ăn đúng loại