Người dân gọi Già Lam cổ tự là chùa Con Ngựa. Và đây là ngôi chùa duy nhất của Phật giáo thế giới mang tên loài động vật gần gũi với con người.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tính đến ngày 10.7.2020, cả nước có 18.491 ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện, tịnh thất, niệm Phật đường, tu viện, đạo tràng với 54.773 tăng ni. Trong đó có 12.912 chùa Bắc tông; 1.332 chùa Nam tông và Khmer.
Có chùa chỉ rộng vài trăm mét vuông nhưng có chùa rộng cả trăm ha. Có chùa chân mộc, bình dị; có chùa lộng lẫy hơn cung điện. Kiến trúc mỗi chùa mỗi khác. Ở Hậu Giang có mội ngôi chùa độc bản. Đó là chùa Già Lam (Già Lam cổ tự), còn gọi là chùa Con Ngựa, chỉ một sư trụ trì, có 145 pho tượng, hệ phái Bắc tông nhưng kiến trúc Ấn Độ.
Sự ra đời khác biệt
Khởi dựng từ 1940, chưa hẳn là chùa cổ nhưng ra đời khác biệt. Thủa ấy, chàng nông dân Phạm Hữu Vinh quê ở Sóc Trăng, vì cuộc sống khốn nghèo nên tha hương thuê đất làm ruộng. Ngày thì "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đến buổi tối thì bốc thuốc giúp dân nghèo. Năm 1940, ông phát tâm xin quy y thọ giới tại ngôi chùa ở An Giang với pháp danh Thích Huệ Đức, rồi về Hậu Giang, lập chùa Quan Thánh (Quan Thánh Đế) thờ Quan Vũ.
Tương truyền như sau, ban đầu, chùa dựng bằng cây đủng đỉnh và lá dừa nước. Thầy mời thợ về đắp ba pho tượng Quan Vũ và hai con nuôi là Quan Bình và Châu Hưng. Mỗi bức cao gần 3m, nặng cả tấn, làm bằng đất cát, xi măng. Tượng làm xong. Hàng trăm thanh niên trai tráng trong vùng đến giúp sức, dùng mọi cách nhưng vẫn không sao nhấc pho tượng nào lên được.
Nhiều ngày liền, thầy trụ trì tìm đủ cách đưa ba pho tượng lên bệ nhưng vẫn không thành công. Đêm nọ, trong lúc tuyệt vọng, thầy quỳ trước tượng khấn “Nếu các thánh phù hộ để di chuyển các bức tượng được thuận lợi, con xin chặt một ngón tay để tỏ lòng thành kính”. Hôm sau mọi người đưa các pho tượng lên bệ dễ dàng.
Nhớ lời khấn, thầy lựa lúc đêm vắng, mang dao quỳ trước tượng thánh. Khi thầy vung dao định chặt ngón tay như lời thề, một cơn gió mạnh ào đến. Thầy ngất đi, mơ thấy Quan Thánh hiển linh, quát lớn: “Thân thể là của cha mẹ sinh ra, ngươi không được quyền hủy hoại”. Thầy giật mình tỉnh dậy, mồ hôi đổ ra như tắm.
Ngôi chùa duy nhất mang tên một loài động vật
Khởi dựng, chùa có tên Giải Hạnh Già Lam. Già Lam là từ cổ, nghĩa là “tăng già lam ma”, nơi ở của tăng nhân để tu hành. Năm 1970, đổi tên thành Già Lam cổ tự. Từ năm 1964, người dân gọi Già Lam cổ tự là chùa Con Ngựa. Chùa duy nhất của Phật Giáo thế giới mang tên loài gia súc hữu ích, trung thành, khôn ngoan; là binh chủng thiện chiến (kỵ binh) khi chưa có máy móc.
Tương truyền, Quan Thánh Đế nhiều lần độ trì ban phước giúp dân. Trong một lần hiển linh, Ngài phán “Ai cúng dường ngựa Xích Thố, gia đình được phù hộ 3 đời”. Thông tin lan truyền, đầu năm1964, có phụ nữ phương xa mang 1.000.000 đồng (tương đương 50 cây vàng vào thời điểm đó) đến chùa và tìm người đúc ngựa.
Nghệ nhân Ba Đém, lừng danh khắp vùng, chuyên xây đình chùa, bén duyên Phật và được cậy nhờ đúc tượng. Trong hơn 1 tháng, toàn tâm toàn ý, chay tịnh, làm việc ngày đêm không nghỉ, Xích Thố hoàn thành, đúc bằng xi măng trộn màu tự nhiên, cao khoảng 3m, dài gần 4m. Lục phủ ngũ tạng cũng đúc, sơn đỏ cho vào bụng ngựa, trước khi đắp kín.
Mỗi gót chân ngựa có một chùm lông, gọi là tứ mã đề, chỉ Xích Thố của Quan Công mới có. Xích Thố tương truyền dài một trượng, cao 8 thước, màu đỏ rực như lửa, không một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối không ngựa nào bì kịp. Tượng ngựa trong chùa, đền, đình ở Việt Nam không hiếm nhưng tượng ngựa ở chùa Con Ngựa, không đâu có.
Xích Thố chùa Già Lam màu hồng sẫm; tư thế ngẩng cao đầu, sẵn sàng xung trận, sống động hơn cả ngựa thật. Đặc biệt, con mắt ngựa như biết nói. Bên hông ngựa, treo bài thơ tứ tuyệt như sau:
"Xích Thố tiếng rền rạng cõi Đông
Nêu danh tuấn mã sức toàn hồng
Trường đồ ngàn dặm hơi chưa sút
Chiến địa trăm phen sức tựa không".
Gần 60 năm trơ gan tuế nguyệt, chưa một lần trùng tu, Xích Thố vẫn màu nguyên thủy, phong thái thủa ban đầu, bất chấp thời gian. Không ít người muốn thỉnh Xích Thố, mời các nhà kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng tạc giúp. Khi đến thực địa, "mục sở thị”, họ đều từ chối vì không thể tạc được như vậy. Xích Thổ chùa Già Lam Ngã Bảy, chỉ có một, không hai.
Con số 145 và 1
Chùa có diện tích 2.376m2. Nhìn từ ngoài, chùa nổi bật phong cách đặc trưng Ấn Độ. Bên trong hòa quyện kiến trúc thuần Việt, hệ phái cổ truyền, Bắc tông.
Chánh điện thờ Phật, Quan Công, bài vị thầy sáng lập, Phật thiên thủ thiên nhãn, thập bát La Hán, thập điện Minh Vương và rất nhiều tượng. Sân chùa có nhiều hạng mục như 8 lễ đài, các bảo tháp, 8 vị lân, 25 đỉnh hương. Nổi bật nhất là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn 14m, tượng Phật Quan Âm 12m, tượng Phật thuyết pháp, vườn Lâm Tỳ Ni… Tất cả 145 tượng. Tượng nào cũng tinh xảo, sống động.
Từ 1987, sau khi thầy Thích Huệ Đức viên tịch, chùa chỉ có thầy trụ trì là Thích Huệ Sanh, 75 tuổi, tu tập ở chùa từ năm 1956. Thầy một mình một cõi. Đây là ngôi chùa duy nhất chỉ có một tăng. Thầy Huệ Sanh là người lên ý tưởng thiết kế, chọn màu sơn, sắp xếp bài trí tượng hài hòa, kiêm thuyết minh, giới thiệu về chùa và chơi được mấy nhạc khí cổ truyền.
Tọa lạc ở ấp Xẻo Vong C, xã Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang, cạnh quốc lộ 1, chùa có không gian xanh mát, thanh tịnh, yên bình. Khách đi qua, như bị đôi mắt Xích Thố hớp hồn. Thế nào cũng dừng chân ngắm nghía, săm soi ngựa, chụp ảnh "selfie" và vãn cảnh chùa với nhiều trải nghiệm thú vị.