Với kiến trúc độc đáo, được thiết kế dáng vẻ uy nghi, lộng lẫy, chùa Xiêm Cán được xem là ngôi chùa Khmer đẹp nhất ở Bạc Liêu. Được xây dựng cách đây hơn 130 năm, chùa Xiêm Cán là điểm đến, tham quan của đông đảo khách du lịch và tín đồ phật giáo.
Tọa lạc tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) chùa Kom Phir Sa Kor Prêk Chru (còn gọi là chùa Xiêm Cán) được các sư sãi, phật tử, người dân địa phương xây dựng vào năm 1887, với vật liệu chính là cây lá rừng.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Xiêm Cán là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, một trong những trung tâm tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị của quân ta.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Xiêm Cán hôm nay đã được phục dựng khang trang, nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị tinh hoa của kiến trúc, nghệ thuật Khmer truyền thống. Năm 2001, chùa Xiêm Cán được UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Anh Nguyễn Chí Linh, du khách đến từ Cà Mau đánh giá, chùa Xiêm Cán thể hiện đầy đủ và đậm nét nhất vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật Khmer. Trải qua hơn một thế kỷ, ở vị trí chính điện chùa Xiêm Cán dù đã nhiều lần trùng tu nhưng luôn giữ được vẻ nguy nghiêm, bền vững với thời gian.
Bên trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca cao lớn và nhiều bức tượng nhỏ là hóa thân của đức Phật. Trên trần và 4 bức tường xung quanh của chính điện là những bích họa tuyệt đẹp về toàn bộ quá trình tu hành khổ luyện đến đắc đạo của Phật Thích Ca.
Những bức phù điêu đắp nổi hình tượng tiên nữ, chim thần Krud, chằn Yeak, đầu thần Bayon 4 mặt và những hoa văn, họa tiết sặc sỡ được chạm khắc công phu, tinh xảo… làm bật lên vẻ đẹp lộng lẫy của chùa.
Không chỉ là “bảo tàng” văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, chùa Xiêm Cán còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn trong mắt du khách phương xa.
Để hòa mình vào sự phát triển chung của ngành du lịch địa phương, chùa Xiêm Cán thường xuyên được nâng cấp, xây dựng mới nhiều hạng mục, cải tạo cảnh quan môi trường, củng cố chất lượng các đội văn nghệ (đội nhạc ngũ âm, đội múa Rô băm, đội múa Áp sa ra) để phục vụ khách tham quan, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Tranh thủ thời gian về thăm quê, anh Trần Minh Triều, ngụ ở thị xã Giá Rai cùng nhóm bạn thân đi tham quan một số điểm du lịch nổi tiếng ở TP.Bạc Liêu. Dù là người Bạc Liêu nhưng nhiều năm qua, anh Triều đã lên tỉnh Bình Dương lập nghiệp, nên anh chưa có dịp tìm hiểu hết cảnh đẹp ở quê mình. Trong các nơi anh Triều đặt chân đến, chùa Xiêm Cán đọng lại nhiều ấn tượng.
“Qua tìm hiểu về lịch sử hình thành hơn 130 năm, với kiến trúc lộng lẫy, những bức phù điêu, tượng đá được chạm khắc tinh xảo của ngôi chùa đã cuốn hút tôi rất nhiều. Đặc biệt, phần trình diễn nhạc ngũ âm của các nghệ nhân, thật sự rất hay, mang đậm nét văn hoá riêng biệt của người Khmer”, anh Triều chia sẻ.
Chùa Xiêm Cán được đánh giá là một trong những ngôi chùa Khmer có lối kiến trúc lộng lẫy nhất Nam Bộ, vừa qua Ban Quản trị chùa Xiêm Cán đã có đề xuất với UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ để nâng tầm chùa lên thành di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, mà từng còn là cơ sở cách mạng.
Thượng tọa Dương Quân trụ trì chùa Xiêm Cán cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, chùa Xiêm Cán luôn chú trọng gìn giữ, phát huy tinh hoa nghệ thuật kiến trúc để lưu lại cho thế hệ sau một công trình văn hóa độc đáo. Đồng thời, góp phần cùng địa phương quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc và phục vụ phát triển du lịch.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán hiện là một trong 9 điểm du lịch tiêu biểu của vùng ĐBSCL. Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ban Quản trị chùa Xiêm Cán tiến hành khảo sát, thẩm định các tiêu chí theo quy định của Luật Di sản văn hóa, đồng thời tiến hành lập hồ sơ gửi Cục Di sản văn hóa, chính thức đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận chùa là di tích cấp quốc gia.
Nếu trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, hình ảnh chùa Xiêm Cán sẽ được nâng tầm, tạo điều kiện để tỉnh Bạc Liêu khai thác và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của đồng bào Khmer., góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer.