Làng Đông Cứu (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề thêu long bào, phục vụ cho các vương triều phong kiến Việt Nam. Đến nay, nhiều mẫu áo, vật dụng có họa tiết hoa văn cổ qua các triều đại xưa đã được người dân làng nghề kỳ công phục dựng, bảo tồn.

Ngôi làng duy nhất làm nghề thêu long bào ở Việt Nam

Lao Dong | 21/09/2020, 10:59

Làng Đông Cứu (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề thêu long bào, phục vụ cho các vương triều phong kiến Việt Nam. Đến nay, nhiều mẫu áo, vật dụng có họa tiết hoa văn cổ qua các triều đại xưa đã được người dân làng nghề kỳ công phục dựng, bảo tồn.

Nghề thêu cổ truyền

Nằm bên bờ hữu ngạn của dòng Nhuệ Giang, làng Đông Cứu (xã Vĩnh Tiến, huyện Thường Tín) mang vẻ êm đềm và thanh bình như bao vùng quê ven đô khác. Xưa kia, làng Đông Cứu cũng thuộc trong vùng “ngũ xã” cùng với các làng khác như Đông Gia, Bình Lăng, Quất Động. Tương truyền rằng, vào khoảng thế kỷ XV, một vị quan người thôn Quất Động có tên là Lê Công Hành trong quá trình đi sứ sang Trung Quốc đã học được nghề thêu, sau đó trở về truyền lại nghề cho dân làng lưu giữ đến tận bây giờ.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, nghề thêu và phục dựng các trang phục cổ ở Đông Cứu phải tuân thủ theo nhiều quy tắc, chuẩn mực. Người thợ vừa phải khéo léo trong từng đường kim thêu, vừa phải bắt nét bằng sợi kim tuyến sao cho thật nhịp nhàng, linh hoạt. Với kỹ thuật thêu điêu luyện, những người thợ lành nghề nơi đây từng được các vua triều Nguyễn năm xưa mời vào kinh đô Huế may vá, thêu thùa hoa văn trên các bộ trang phục hoàng cung. Đến nay, tuy đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đông Cứu vẫn là ngôi làng duy nhất trên đất Bắc còn giữ được lối thêu cổ, giữ được nghề phục dựng long bào, áo mão cho vua chúa, quan lại, quý tộc trong triều đình xưa.

Ông Đỗ Bá Hệ (sinh năm 1936, gia đình đã có 6 đời làm nghề thêu long bào ở làng Đông Cứu) chia sẻ: “Trước kia, huyện Thường Tín có rất nhiều địa phương làm nghề thêu. Nhưng thêu đồ cung đình, áo mão, mũ, lọng theo lối cổ thì chỉ có ở Đông Cứu. Nghề thêu Đông Cứu có nhiều kỹ thuật đặc trưng, dễ phân biệt với các địa phương khác như vừa thêu vừa phải nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn lại vừa phải bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại. Các kỹ thuật này kết hợp nhịp nhàng với nhau tạo thành những hoa văn tinh xảo mà chỉ có những người có tay nghề, trình độ cao trong làng mới có thể thực hiện được”.

Cũng theo ông Hệ, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng có ngôn ngữ riêng, ý nghĩa riêng và nghề thêu cổ truyền cũng vậy. Những hình rồng phượng, hoa lá uốn lượn, vân mây nẩy trăng... được sắp xếp bố cục cân xứng trên tà áo, vừa thể hiện được sự lộng lẫy, đồng thời cũng thể hiện thứ bậc, giai cấp trong xã hội thời bấy giờ. Sự tỉ mỉ của nghề thêu Đông Cứu không chỉ ở lúc thêu, mà trước đó các công đoạn như chọn chỉ tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ màu, sáng tạo hình ảnh, in ấn lên vải cũng được những người thợ hết sức coi trọng. Với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Đông Cứu, các đường viền chỉ trở nên mềm mại, uốn lượn nhẹ nhàng, khác hẳn với các sản phẩm thêu thủ công ở địa phương khác.

Tiếp nối nghề truyền thống

Để có thể hoàn thiện được những bộ long bào phục chế, nhiều xưởng thêu trong làng Đông Cứu phải cất công đi đặt từng mét vải ở những làng nghề có uy tín như Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP.Hà Nội), Nha Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Đối với những đơn đặt hàng lớn, người thợ Đông Cứu đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nguyên liệu, màu sắc, lối thêu... Do nhu cầu thị trường ngày một tăng lên, các sản phẩm long bào tại làng Đông Cứu được làm ra có giá thành cao, dao động khoảng 20 - 25 triệu đồng/sản phẩm. Chủ yếu phục vụ cho mục đích trưng bày tại các bảo tàng, phục vụ lễ hội, tín ngưỡng dân gian, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

“Bắt tay vào nghiên cứu, phục dựng các trang phục cung đình từ năm 1993, thông qua các tư liệu lịch sử thu thập được từ các nhà sử học, nhà nghiên cứu, sưu tầm trang phục cung đình, tôi đã phục dựng được 30 bộ trang phục long bào thể hiện chuẩn mực về mỹ thuật theo nguyên bản mẫu cổ. Các sản phẩm thêu đã được trưng bày ở một số nước trên thế giới, còn lại một số trang phục cung đình được trưng bày ở bảo tàng Huế. Ngoài những trang phục cung đình, xưởng của gia đình còn có thêm nhiều sản phẩm thêu khác như trang phục văn hóa lễ hội, văn hóa tâm linh”, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (sinh năm 1974, làng Đông Cứu) cho hay.

Không chỉ tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo, có một không hai phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, làng Đông Cứu còn là một điểm du lịch lý thú thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đến tham quan. Hiện tại, thôn Đông Cứu đã và đang mở các lớp dạy nghề thường xuyên cho thế hệ trẻ tại địa phương để có thể bảo tồn và phát huy nghề thêu truyền thống. Trong tương lai, địa phương cũng rất mong muốn có thể xây dựng một khu nhà để trưng bày và giới thiệu sản phẩm thêu tay đến với du khách thập phương khi tham quan làng nghề. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để Đông Cứu tiếp nối nghề xưa do cha ông truyền lại.

Theo năm tháng, nghề thêu cổ ở Đông Cứu ngày càng phát triển, có nhiều loại sản phẩm thêu thủ công đã đặt chất lượng cao, trở thành mặt hàng được nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng. Đối với những người thợ thêu ở Đông Cứu lành nghề, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên thanh vải là họ có thể sáng tạo ra những họa tiết kim cổ, các sắc phục sinh động, bắt mắt.

Ông Nguyễn Thế Du - Chủ tịch Hội Nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu - cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy những mẫu thêu cổ là điều mong ước và tâm huyết của nhiều nghệ nhân trong làng. Những năm gần đây, nhiều di tích, lễ hội trong cả nước được khôi phục và phát triển. Chính điều này tạo điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu được phục dựng lại. Nếu như hướng đi của làng thêu Quất Động là tranh thêu và các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu, thì làng thêu Đông Cứu tập trung phát triển các mặt hàng phục vụ cho công tác bảo tàng, di tích, lễ hội.

Hiện nay, nghề thêu ở Đông Cứu đang đi vào ổn định, nhu cầu đặt hàng của khách trong nước và nước ngoài khá nhiều. Do kỹ thuật thêu của Đông Cứu không lẫn với kỹ thuật thêu của bất cứ lối thêu nào nên những người thợ thêu tại đây luôn phải khẳng định thương hiệu, từng ngày nâng cao chất lượng sản phẩm, tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bày bán mà đối với những hộ dân yêu nghề đó còn là tác phẩm nghệ thuật, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống để thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng và tự hào”.

Theo Phạm Đông - Lan Nhi (Lao Động)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi làng duy nhất làm nghề thêu long bào ở Việt Nam