Khi mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng, người dân Đài Loan đang đánh giá lại những quan điểm lâu nay về quân đội của họ.

Người dân Đài Loan có sát cánh cùng quân đội khi nguy cơ chiến tranh xuất hiện

Hoàng Vũ | 22/10/2021, 13:13

Khi mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng, người dân Đài Loan đang đánh giá lại những quan điểm lâu nay về quân đội của họ.

Trong những thập niên gần đây, người dân Đài Loan đã nhìn nhận quân đội của họ một cách tiêu cực do nhận thức rằng nghĩa vụ quân sự bắt buộc là “lãng phí thời gian” và rằng cơ hội thắng thế của Đài Loan trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc là rất ít, khi khoảng cách về tiềm lực quân sự tiếp tục gia tăng.

Cái chết của sinh viên đại học Hung Chung-chiu trong quá trình huấn luyện quân sự vào năm 2013 đã tiết lộ những vấn đề sâu sắc trong hệ thống đào tạo quân sự của Đài Loan, chẳng hạn quy trình giải quyết khiếu nại từ các đồng đội từ mọi cấp bậc. Những vấn đề này đã góp phần khiến chính quyền khi đó được lãnh đạo bởi ông Mã Anh Cửu (Quốc dân đảng) quyết định rút ngắn thời gian phục vụ bắt buộc để bắt đầu chuyển đổi sang một lực lượng hoàn toàn tự nguyện.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc tiếp tục đe dọa sự an toàn của Đài Loan, chẳng hạn liên tục đưa máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan, có những dấu hiệu cho thấy công dân Đài Loan cũng bắt đầu thay đổi nhận thức về quân đội của họ.

Vào tháng 9 vừa rồi, Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo rằng những công dân đang phục vụ đợt huấn luyện bắt buộc kéo dài 4 tháng sẽ được điều động đến phục vụ trong các đơn vị quân đội hoặc thậm chí đóng quân trên các đảo ngoài khơi của Đài Loan. Chính quyền của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cũng đã đánh giá khả năng quay trở lại hệ thống nghĩa vụ quân sự trước đây, trong đó tất cả công dân phục vụ ít nhất 1 năm và trong một số trường hợp là 2 năm.

Dân chúng Đài Loan dường như sẵn sàng hỗ trợ cho một sự thay đổi chính sách như vậy. Theo kết quả khảo sát an ninh Đài Loan do Đại học Duke (Mỹ) và Đại học Quốc lập chính trị Đài Loan thực hiện vào cuối năm 2020, khi hỏi 1.000 công dân Đài Loan liệu họ có tin rằng khóa đào tạo quân sự bắt buộc 4 tháng là thời lượng thích hợp hay không,75% trong số đó cho rằng nó quá ngắn, 16% tin rằng nó vừa phải và chỉ 2% coi cuộc huấn luyện bắt buộc là quá dài.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến năm 2017, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Đài Loan đã khảo sát 1.300 công dân về ý kiến ​​của họ về việc liệu vùng lãnh thổ này có nên tái lập nghĩa vụ “củng cố sức mạnh quân sự của mình” hay không, thì sự ủng hộ đã tăng 21 điểm từ năm 2015 đến năm 2016 (60% lên 81%). Một phiên bản tương tự của câu hỏi đã được khảo sát vào năm 2017 và đạt được sự ủng hộ ở mức kỷ lục 86%.

Rõ ràng, sự nhiệt tình trong việc chuyển trở lại nghĩa vụ quân sự rất cao. Nhưng liệu người dân có trở nên ít ủng hộ quân đội hơn khi những lo ngại về ngân sách được đưa ra? Năm 2015, khi Viện Hàn lâm khoa học xã hội Đài Loan tiến hành khảo sát hỏi liệu “bạn có sẵn sàng tăng thuế để tăng cường sức mạnh quân sự của Đài Loan hay không”, 66% người được hỏi phản đối và chỉ có 32% là ủng hộ. Kết hợp với các kết quả khảo sát đã đề cập trước đó dẫn đến suy đoán rằng khoảng 30% công dân ở Đài Loan ủng hộ việc nghĩa vụ quân sự bắt buộc nhưng không muốn trả tiền thuế cho điều này. Tuy nhiên, có thể có những lý do khác dẫn đến sự khác biệt, liên quan đến những hình ảnh mà dân chúng biết về quân đội.

Tờ Diplomat nhận định việc sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột giả định chống lại Trung Quốc phụ thuộc vào nhận thức về tính hữu ích của việc huấn luyện quân sự bắt buộc. Nói cách khác, một công dân Đài Loan sẽ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan hơn trên chiến trường nếu họ tin rằng khóa đào tạo nhận được là có lợi cho mục đích đó, và ngược lại. Do đó, việc một bộ phận đáng kể dân chúng không sẵn sàng chấp nhận dự luật tăng chi tiêu quân sự có thể xuất phát từ nhận thức của họ về việc huấn luyện quân sự và tiện ích của nó trong việc bảo vệ Đài Loan.

Chính quyền của bà Thái Anh Văn hiện cần phải nỗ lực để cho tất cả hoặc hầu hết các công dân ở Đài Loan tràn đầy năng lượng và ủng hộ việc nhập ngũ. Theo chuyên gia quân sự Jason Lyall, thành phần quân đội của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công trong một cuộc đối đầu quân sự.

Ông phát hiện ra rằng nếu quân đội bao gồm các nhóm thiểu số không cân xứng, những người bị thiệt thòi trong xã hội nói chung, thì một quốc gia có nhiều khả năng thua cuộc trong chiến đấu hoặc đối mặt với các cuộc đảo chính quân sự. 

Theo đó, bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này là cải cách hình ảnh quân sự hiện có, và dường như chính quyền hiện tại đang đi theo hướng này. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đang rất chú ý đến các vấn đề quân sự qua việc duy trì ít nhất một bài đăng mỗi tuần về chủ đề này trên trang Facebook chính thức của mình.

Bà Thái được cho là cũng đang thúc đẩy các cải cách quân sự khác, chẳng hạn như đẩy mạnh sản xuất tàu ngầm và nâng cao hệ thống huy động lực lượng dự bị quân sự. Các chuyên gia quân sự cũng đánh giá cuộc tập trận mới đây của Đài Loan có quy mô lớn hơn so với những năm trước. Tất cả những nỗ lực này sẽ giúp định hình một hình ảnh mới cho quân đội, điều này sẽ khuyến khích người dân ủng hộ các cải cách trong tương lai.

Bài liên quan
Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ
Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Đài Loan có sát cánh cùng quân đội khi nguy cơ chiến tranh xuất hiện