“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ là khẩu hiệu dân vận hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà phải trở thành một định chế và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa (trích Tạp chí Cộng sản). Vậy việc người dân đếm xe ở BOT Ninh Lộc có đúng tinh thần đó không? Hãy lắng nghe ý kiến của các luật sư.
Liên quan đến việc người dân lập nhóm đếm phương tiện tại BOT Ninh Lộc thời gian qua, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng người dân phải trực tiếp vào cuộc bởi họ e ngại các khoản tiền do chính mình bỏ ra để nộp phí đường sẽ có thể bị chiếm đoạt một cách bất minh.
Luật sư Lậpcho rằng cần phải đánh giá sòng phẳng và dám nhìn vào sự thật. Người dân tự bỏ công, bỏ sức để phục vụ hay làm thay các công việc của các cơ quan nhà nước thì tại sao lại ác cảm đối với họ? Hơn nữa, họ đang thực hiện các quyền cơ bản về giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và tham gia quản lý xã hội đã được Hiến pháp quy định thì tại sao lại ngăn cản?
Ông Nguyễn Tiến Lập cho rằng hiện tượng này phản ánh một trạng thái mới và một cấp độ cao trong nhận thức chính trị của người dân, rằng họ coi mình là người chủ thật sự của đất nước và của chính cuộc sống của họ. Đó không phải là điều tốt đẹp mà cả dân tộc chúng ta hằng mong ước và phấn đấu vươn tới hay sao?
Ông Lập cho rằng giám sát độc lập bao giờ cũng khách quan, vô tư vì nó phi vụ lợi. Đối với những vấn đề quan trọng và phức tạp như việc thu phí đường BOT vừa qua, không thể có việc giám sát theo cách tự phát của cá nhân mà phải là hành động có tổ chức của người dân.
“Tôi thấy nhiều người rất ngại hay thậm chí sợ việc người dân tự liên kết với nhau và tự tổ chức làm một việc gì đó mà không thông qua chính quyền. Họ cho rằng cái gì chính quyền không kiểm soát trực tiếp thì sẽ là tiêu cực và gây tổn hại cho trật tự công cộng. Đó chính là sự nhầm lẫn bởi cần hiểu rằng một xã hội văn minh và phát triển ở trình độ cao là ở đó có sự tự quản rộng lớn của người dân, cái được gọi là phát triển xã hội và phát triển cộng đồng”, ông Lập nói.
Trong khi đó, về khía cạnh này ở Việt Nam, ông Lập cho rằng vẫn còn rất yếu và kém hơn nhiều nước. Người dân thụ động và lệ thuộc quá nhiều vào chính quyền, làm cho chính quyền nhiều nơi thật sự quá tải và mệt mỏi.
Đối với các dự án PPP, ông Lập cho biết rất nhiều nước đã thành lập các Trung tâm thông tin về lĩnh vực này, giao cho một cơ quan nhà nước quản lý, để cung cấp mọi thông tin chi tiết cho người dân và tiếp nhận các tư vấn từ chuyên gia cho mục đích quản trị minh bạch và hiệu quả các dự án này.
“Lưu ý rằng các tổ chức xã hội đó là nơi thu hút rất nhiều chuyên gia giỏi, đặc biệt những người đã nghỉ hưu, đến tình nguyện làm việc. Đơn giản bởi ở đó họ tìm thấy tự do cá nhân và hạnh phúc của sự sáng tạo và cống hiến”, ông Lập chia sẻ.
Còn theo LS.Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM, hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư BOT không quy định cụ thể người dân có quyền giám sát BOT hay không. Tuy nhiên, công dân có quyền được làm những gì pháp luật không cấm là điều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp.
Cùng với đó, theo quy định tại Điều 28: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Như vậy, luật sư.Hùng cho rằng việc người dân giám sát BOT không những không hề vi phạm pháp luật mà họ còn đang thực hiện quyền của một công dân. Đồng thời xét về việc giám sát, công dân là người có quyền giám sát cao nhất trong mọi hoạt động tư pháp, hành chính, kinh tế; quyền giám sát của các hoạt động cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, không có bất kỳcơ quan hay người có thẩm quyền nào có quyền ngăn cấm quyền của công dân, trừ trường hợp đó là hành vi pháp luật cấm.
Ông Hùng cho hay, hầu như trước đây dân rất ít quan tâm đến các hoạt động của nhà nước, nhất là trong hoạt động tham gia đóng góp ý kiến và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, nếu có thì cũng không có hoạt động cụ thể. Vì vậy việc người dân tiến hành giám sát BOT độc lập với cơ quan chức năng là một điều đáng mừng.
“Điều này thể hiện sự quan tâm của công dân đối với đất nước, nhất là với tình hình hoạt động của các dự án BOT ngày càng có nhiều điều bất cập trong việc tổ chức xây dựng và hoạt động, tổ chức mức phí thu, thời gian thu… không được công khai và minh bạch một cách rõ ràng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc cho người dân”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, việc giám sát của người dân mặt khác cũng là một phương pháp giúp cơ quan nhà nước chú ý hơn vào việc quản lý các trạm BOT mà trước đây có sự quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lạm dụng các của chủ đầu tư, như việc gian lận trong thu phí BOT.
Lam Thanh