Vào các ngày 1 và 4.6.2017, trên Báo điện tử Một Thế Giới đã đăng loạt bài “Sổ đỏ hợp pháp không được xem là hợp pháp” phản ánh và phân tích việc 8 hộ dân ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đồng loạt khởi kiện UBND thị xã Dĩ An vì hành vi đột ngột ra quyết định thu hồi sổ đỏ hợp pháp của họ cấp cho người khác, mà 7 trong số 8 người này chưa từng liên quan đến việc tranh chấp đất đai…

Người dân kháng cáo bản án của tòa

Đoàn Khắc Xuyên | 18/12/2017, 05:19

Vào các ngày 1 và 4.6.2017, trên Báo điện tử Một Thế Giới đã đăng loạt bài “Sổ đỏ hợp pháp không được xem là hợp pháp” phản ánh và phân tích việc 8 hộ dân ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đồng loạt khởi kiện UBND thị xã Dĩ An vì hành vi đột ngột ra quyết định thu hồi sổ đỏ hợp pháp của họ cấp cho người khác, mà 7 trong số 8 người này chưa từng liên quan đến việc tranh chấp đất đai…

Sau khi loạt bài đăng, Báo điện tử Một Thế Giới đã nhiều lần liên lạc với UBND Thị xã Dĩ An với mong muốn được trao đổi cặn kẽ hơn về nội dung sự việc, chuyển tải thông tin hai chiều, nhưng không nhận được phản hồi chính thức từ cơ quan này.

Ngày 25.9.2017, TAND thị xã Dĩ An đã tiến hành xét xử vụ án trên và ra bản án hành chính sơ thẩm số 01/2017/HC-ST (“Bản án Sơ thẩm”). Đồng thời, Hội đồng Xét xử cũng ban hành Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2017/QĐ-BPKCTT, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng trước đó (“Quyết định số 01”).

Ngày 2.10.2017, những Người khởi kiện đã kháng cáo toàn bộ nội dung của Bản án Sơ thẩm và Quyết định số 01 của TAND Thị xã Dĩ An.

Lý do của việc kháng cáo, theo trình bày của người đại diện cho 8 hộ dân là:

Tòa án cấp sơ thẩm đã ra Bản án Sơ thẩm và Quyết định số 01 không đúng pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của những người khởi kiện.

Theo đó, 8 hộ dân yêu cầu đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án Sơ thẩm và trả hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án vì họ xét thấy tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Luật sư Võ Hoàng Tuyên, đại diện theo ủy quyền của những người khởi kiện, trình bày ý kiến kháng cáo của những Người khởi kiện cụ thể như sau:

A. NHỮNG VI PHẠM VỀ MẶT TỐ TỤNG CỦA TAND THỊ XÃ DĨ AN

I. Không xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hợp pháp và không xem xét giải quyết quyền lợi hợp pháp của những người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay tình

Việc TAND thị xã Dĩ An không xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại và không xem xét giải quyết quyền lợi hợp pháp từ việc nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ngay tình của các ông bà Trương Văn Khắng, Trần Văn Hạnh, Võ Thị Kim Hạnh, Võ Thị Lợi, Hồ Văn Xáng, Trịnh Thị Kim Hà và Trần Thị Kim Ngân vì cho rằng yêu cầu này chỉ là ý kiến riêng của tôi tại phiên tòa, không phải là yêu cầu độc lập là không có căn cứ và vi phạm thủ tục tố tụng hành chính, bởi lẽ:

(i) Tôi là người đại diện theo ủy quyền của những Người khởi kiện theo các hợp đồng ủy quyền được lập hợp pháp tại Văn phòng công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

(ii) Ngày 20.6.2016, tôi đã nộp Đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện về yêu cầu bồi thường thiệt hại nêu trên. Đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện đã được lập hợp pháp, tuân thủ các quy định pháp luật và việc giao nhận đơn cũng đã được lập thành biên bản giữa tôi và ông Nguyễn Ngọc Quyết, Thư ký TAND thị xã Dĩ An. Mặc dù tôi đã nhiều lần nhắc nhở yêu cầu TAND thị xã Dĩ An ra thông báo thụ lý, nhưng TAND thị xã Dĩ An vẫn không xem xét giải quyết hay có bất kỳ phản hồi nào cho tôi cũng như các ông bà này.

(iii) Tại phiên tòa, tôi và các ông bà đều đã trình bày lại yêu cầu khởi kiện này.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, TAND thị xã Dĩ An cũng đã tiến hành định giá xác định thiệt hại của những Người khởi kiện.

Tuy nhiên, tại Bản án Sơ thẩm, TAND thị xã Dĩ An lại nhận định yêu cầu bồi thường thiệt hại trên là ý kiến riêng của tôi từ đó không xem xét giải quyết yêu cầu này tại phiên tòa sơ thẩm. Nhận định trên là không phù hợp với quy định pháp luật về tố tụng hành chính, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của những người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“GCNQSDĐ”) ngay tình.

II. Ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật ngay tại phiên tòa

Việc TAND thị xã Dĩ An ra Quyết định số 01 hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa trong khi vụ án vẫn chưa được giải quyết là không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và mâu thuẫn với các nhận định trước đó của chính TAND thị xã Dĩ An.

Ngày 25.12.2015, trên cơ sở yêu cầu của những Người khởi kiện, TAND thị xã Dĩ An đã ban hành các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có số từ 01 đến 07/2015/QĐ-BPKCTT đối với diện tích đất đã được Ủyban Nhân dân (“UBND”) thị xã Dĩ An cấp GCNQSDĐ cho ông Ngô Phạm Thiện có số vào sổ CH04351 ngày 23.12.2015 để đảm bảo việc giải quyết vụ án.

Ngày 25.12.2015, trên cơ sở yêu cầu của những Người khởi kiện, TAND thị xã Dĩ An đã ban hành các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có số từ 01 đến 07/2015/QĐ-BPKCTT đối với diện tích đất đã được Ủyban Nhân dân (“UBND”) thị xã Dĩ An cấp GCNQSDĐ cho ông Ngô Phạm Thiện có số vào sổ CH04351 ngày 23.12.2015 để đảm bảo việc giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, ngày 25.9.2017, ngay tại phiên tòa, TAND thị xã Dĩ An đã ban hành Quyết định số 01 hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên với lý do căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn.

Xét thấy, Bản án Sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành, vì vậy quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ án vẫn chưa được giải quyết nên việc TAND thị xã Dĩ An cho rằng căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn là không có cơ sở và đã mâu thuẫn với nhận định của chính TAND thị xã Dĩ An trong các quyết định được ban hành trước đó.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 194 của Luật tố tụng hành chính 2015, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm phải ghi rõ nội dung về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.Tuy nhiên, trong phần quyết định của Bản án Sơ thẩm của TAND thị xã Dĩ An lại không hề đề cập đến nội dung này mà thay vào đó tòa án đã ban hành một quyết định riêng biệt hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay tại phiên tòa.

Như vậy, việc hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND thị xã Dĩ An không những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khiến cho vụ trở nên phức tạp, kéo dài mà còn tạo điều kiện để ông Thiện có thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với diện tích đất đã được UBND thị xã Dĩ An cấp GCNQSDĐ, từ đó dẫn đến các thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục được.

B. NHỮNG VI PHẠM VỀ MẶT NỘI DUNG CỦA TAND THỊ XÃ DĨ AN

I. Công nhận việc áp dụng pháp luật của UBND thị xã Dĩ An trong các quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho những Người khởi kiện

Nhận định của TAND thị xã Dĩ An khi công nhận việc áp dụng pháp luật của UBND thị xã Dĩ An trong các quyết định thu hồi các GCNQSDĐ đã cấp cho những Người khởi kiện tại Bản án Sơ thẩm là trái với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Để ban hành các quyết định thu hồi các GCNQSDĐ đã cấp cho những Người khởi kiện, UBND thị xã Dĩ An đã căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2003. Tại Bản án Sơ thẩm, TAND thị xã Dĩ An cũng công nhận việc áp dụng pháp luật của UBND Thị xã Dĩ An. Nhận định này là trái với các quy định của pháp luật, bởi lẽ:

(i) Khoản 1 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Như vậy, việc thu hồi, hủy các GCNQSDĐ phải tuân thủ các quy định pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành các quyết định thu hồi, hủy GCNQSDĐ này.

Các quyết định thu hồi các GCNQSDĐ được ban hành vào ngày 13.10.2015, thời điểm Luật Đất đai 2013 đang có hiệu lực. Do đó, UBND thị xã Dĩ An phải căn cứ vào Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2013 để ban hành các quyết định này.

(ii) Ngày 01.12.2015, UBND thị xã Dĩ An tiếp tục ban hành các quyết định hủy các GCNQSDĐ đã cấp cho những Người khởi kiện theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2013. Như vậy, UBND thị xã Dĩ An đã có sự không nhất quán, mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật làm căn cứ cho các quyết định thu hồi và hủy các GCNQSDĐ khi mà các quyết định hành chính này đều nhằm mục đích thu hồi toàn bộ diện tích đất của những Người khởi kiện để cấp GCNQSDĐ cho ông Ngô Phạm Thiện.

Vì các lẽ trên, nhận định của TAND thị xã Dĩ An công nhận việc áp dụng các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực của UBND thị xã Dĩ An để ban hành các quyết định thu hồi các GCNQSDĐ là trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật.

II. Công nhận cơ sở ban hành các quyết định thu hồi các GCNQSDĐ của UBND thị xã Dĩ An

Việc TAND thị xã Dĩ An công nhận cơ sở ban hành các quyết định thu hồi các GCNQSDĐ của UBND thị xã Dĩ An là không có cơ sở pháp lý và thiếu tính thuyết phục.

Để ban hành các quyết định này, UBND thị xã Dĩ An đã viện dẫn các căn cứ pháp lý và lập luận không phù hợp, cụ thể:

Thứ nhất, theo UBND thị xã Dĩ An, việc ban hành các quyết định thu hồi, hủy các GCNQSDĐ là nhằm thực hiện Bản án phúc thẩm số 164/2013/DS-PT ngày 20.05.2013 của TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh (“Bản án phúc thẩm số 164”). Việc UBND căn cứ vào Bản án phúc thẩm số 164 này là không có cơ sở, vì việc thực hiện Bản án phúc thẩm số 164 hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của ông Khắng, ông Hạnh, bà Hạnh, bà Lợi, ông Xáng, bà Hà và bà Ngân.

Thứ hai, UBND thị xã Dĩ An nhận định các GCNQSDĐ đã cấp cho ông Khắng, ông Hạnh, bà Hạnh, bà Lợi, ông Xáng, bà Hà và bà Ngân là trái pháp luật để từ đó ban hành các quyết định thu hồi.

Tuy nhiên, xét thấy các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất của những Người khởi kiện đều đã được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:

(i) Năm 2008 và năm 2009, bà Tuyết tặng cho quyền sử dụng đất cho bà Bùi Thị Dung, ông Trần Văn Thắng, ông Trần Văn Hạnh, ông Trần Văn Dũng và ông Võ Hoàng Tuyên.

(ii) Từ năm 2009 đến năm 2012, bà Dung, ông Thắng, ông Hạnh, ông Dũng và ông Tuyên chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Khắng, bà Hạnh, bà Lợi, ông Xáng, bà Hà và bà Ngân.

Các giao dịch trên đã thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật khi hoàn toàn tuân thủ các điều kiện về nội dung và hình thức của hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất theo luật định tại thời điểm giao dịch. Đồng thời, khi nhận định các giao dịch trên là trái pháp luật, UBND thị xã Dĩ An và TAND thị xã Dĩ An cũng không viện dẫn được bất kỳ điều luật nào làm cơ sở pháp lý cho lập luận của mình.

Mặt khác, các giao dịch trên cũng đã được Nhà nước Việt Nam công nhận bằng các GCNQSDĐ được cấp hợp pháp cho ông Khắng, ông Hạnh, bà Hạnh, bà Lợi, ông Xáng, bà Hà và bà Ngân. Về nguyên tắc, khi một giao dịch tuân thủ các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch sẽ được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam mà không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có thể xâm phạm được. Tuy nhiên, UBND thị xã Dĩ An với vai trò là một cơ quan áp dụng pháp luật không những không bảo vệ mà còn trực tiếp xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các ông bà này.

Việc UBND thị xã Dĩ An ban hành các quyết định thu hồi, hủy các GCNQSDĐ của Những Người Khởi kiện khi không có bất kỳ bản án hoặc quyết định nào của TAND, quyết định thi hành án nào của cơ quan thi hành án yêu cầu UBND thị xã Dĩ An thu hồi các diện tích đất của những người này là không có căn cứ, thể hiện sự lạm quyền trong việc thực thi pháp luật.

Về mặt pháp lý, theo quy định của pháp luật về các trường hợp thu hồi GCNQSDĐ:

Điểm d, Khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi GCNQSDĐ như sau:

“2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”

Khoản 5, Điều 87, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP cũng quy định:

“Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 106 Luật Đất Đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.”

Vì các lẽ trên, ngay cả trong trường hợp có căn cứ cho rằng GCNQSDĐ đã được cấp cho bà Tuyết không đúng quy định pháp luật, UBND thị xã Dĩ An cũng không có quyền thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông Khắng, ông Hạnh, bà Hạnh, bà Lợi, ông Xáng, bà Hà và bà Ngân.

Như vậy, việc TAND thị xã Dĩ An nhận định các quyết định thu hồi, hủy các GCNQSDĐ của Những Người Khởi kiện là đúng pháp luật đã thể hiện các sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

III. Công nhận tính hợp pháp của GCNQSDĐ cấp cho ông Ngô Phạm Thiện

Việc TAND công nhận tính hợp pháp của GCNQSDĐ mà UBND thị xã Dĩ An cấp cho ông Thiện là trái với quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Tháng 12.2015, sau khi nhận được thông tin ông Ngô Phạm Thiện đang thực hiện các thủ tục xin cấp GCNQSDĐ đối với các phần đất của mình, Những Người Khởi kiện đã lập tức khiếu nại đến các cơ quan hữu quan. Đồng thời, ngày 07.12.2015, UBND phường Bình An đã thông báo cho UBND thị xã Dĩ An về việc hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Ngô Phạm Thiện là chưa đầy đủ. Mặc dù vậy UBND thị xã Dĩ An vẫn tiến hành cấp GCNQSDĐ cho ông Thiện vào ngày 23.12.2015.

Tuy nhiên, tại Bản án Sơ thẩm, TAND thị xã Dĩ An đã không những không giải quyết, đưa ra kiến nghị về các sai phạm, thiếu sót của UBND thị xã Dĩ An mà còn kết luận việc cấp GCNQSDĐ này là đúng pháp luật.

Trên đây là toàn bộ ý kiến kháng cáo của những Người khởi kiện. Báo điện tử Một Thế Giới đăng tải để rộng đường dư luận.

BBT Báo điện tử Một Thế Giới
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân kháng cáo bản án của tòa