Trang Straits Times cho biết, người Malaysia đang đi du lịch nhiều hơn bao giờ hết bất chấp giá vé máy bay cao và đồng ringgit yếu.
Tuy phải vật lộn với lạm phát hàng ngày, luật sư Karlina Mohd Salleh quyết định đưa hai con đi nghỉ ngắn ngày ở Singapore. Đây là chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của họ từ tháng 12.2019 đến nay.
“Tôi không đủ khả năng chi trả. Nhưng tôi thấy tội nghiệp các con tôi, chúng phải trải qua nhiều thứ và lâu lắm rồi cũng không được đi du lịch”, luật sư Salleh chia sẻ. Bà đã phải tìm kiếm trên mạng để tìm dịch vụ giá rẻ nhất phù hợp ngân sách eo hẹp.
Người Malaysia đang đi du lịch nhiều hơn bao giờ hết, bất chấp giá vé máy bay cao và đồng ringgit yếu. Các hãng hàng không cố gắng đáp ứng nhu cầu gia tăng từ các khách hàng mong muốn bù đắp cho 2 năm phải "bó chân" vì đại dịch.
Rasulluddin Rahumathullah - quản lý một cửa hàng trao đổi tiền tệ ở vùng ngoại ô Damansara Heights của Kuala Lumpur cho biết, nhiều khách tranh thủ thời gian này đi du lịch nước ngoài vì lo sợ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại.
Ông nói với Straits Times: “Trung Quốc đã mở cửa trở lại và mọi người vẫn lo sợ COVID-19 bùng phát lần nữa do số ca nhiễm ở nước họ vẫn rất cao. Mọi người lo lắng không thể đi du lịch nếu lại phong tỏa”.
Tiền tệ được mua phổ biến nhất thời gian gần đây là bảng Anh, do nhiều người Malaysia có nhà hoặc con cái du học ở đảo quốc sương mù. Ngoài ra còn có yên Nhật, USD, baht Thái, rupiah Indonesia.
Điểm đến ưa thích nữa là Ả Rập Saudi. Quốc gia Trung Đông này thu hút cả khách du lịch lẫn khách hành hương.
Phát ngôn viên nền tảng đặt chỗ lưu trú Tripadvisor Skye Ferguson cho biết: “Người Malaysia rất muốn đi du lịch nước ngoài. Nhu cầu đặt chỗ năm qua tăng gấp 3 lần”. Điểm đến mà người Malaysia đặt chỗ nhiều trên Tripadvisor là Bangkok, Singapore, Hat Yai, Seoul và Luân Đôn.
“Dữ liệu tìm kiếm của chúng tôi cho thấy vào thời điểm này năm ngoái cứ 10 người Malaysia thì chỉ có 1 người lên kế hoạch đi du lịch nước ngoài, nhưng trong vài tháng cuối năm 2022 lại tăng lên hơn 1/4”, ông Ferguson nói thêm.
Dữ liệu hàng không cũng phản ánh xu hướng hồi phục của du lịch. Hãng hàng không giá rẻ AirAsia X ngày 27.1 cho biết, lượng hàng khách của họ trong quý 4.2022 tăng 324% so với quý trước, hệ số tải nhân số (tỷ lệ lấp đầy ghế máy bay) đạt 79% – gần sát mức trước đại dịch.
Giám đốc điều hành AirAsia Riad Asmat cho biết, hãng này ghi nhận nhu cầu đi lại tăng vọt sau khi biên giới được mở lại, loạt hạn chế dần được nới lỏng.
“Chúng tôi dự kiến cho toàn bộ đội bay quay lại làm việc vào đầu năm 2023, khôi phục mức độ bay trước đại dịch vào đầu hoặc giữa năm 2024 với máy bay mới”, ông Asmat chia sẻ với Straits Times.
Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines dự báo du lịch quốc tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 do Trung Quốc nới lỏng đáng kể các biện pháp hạn chế nhập cảnh.
Lượng hành khách của Malaysia Airlines từ đầu năm đến nay đạt 85% mức trước đại dịch. Hầu hết chuyến bay đều ghi nhận tỷ lệ đặt chỗ tăng.