Quân đội Sudan ngày 11.4 tiến hành đảo chính, chấm dứt chế độ cầm quyền 30 năm qua của Tổng thống Omar al-Bashir.
Tổng thống Bashir hiện đang bị giam giữ. Tướng Ahmed Ibn Auf tuyên thệ giữ chức người đứng đầu một hội đồng quân sự chuẩn bị cai trị đất nước trong 2 năm tới. Nhưng những người biểu tình chống chế độ Bashir không chấp nhận như vậy mà yêu cầu thành lập chính quyền dân sự.
Biểu tình bùng nổ từ tháng 12 năm ngoái, từ việc phản đối giá lương thực tăng cao chuyển sang thành yêu cầuông Bashir từ chức. Căng thẳng leo thang vào ngày 6.4, hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Bộ Quốc phòng, cũng là nơi đặt dinh Tổng thống.
Sau khi đảo chính Sudan xảy ra, chính quyền Washington lên tiếng ủng hộ việc chuyển giao hòa bình sớm. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ: “Người dân Sudan nên xác định ai sẽ lãnh đạohọ trong tương lại. Họ đã nói rõ muốn có tiến trình chuyển giao do dân sự thực hiện, họ nên được cho phép làm vậy sớm hơn 2 năm tính từ bây giờ”.
Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi quân đội Sudan nhanh chóng bàn giao quyền lực cho một chính quyền dân sự, để quốc gia Bắc Phi này có thể tiến hành những cải cách chính trị - kinh tế cần thiết.
Tổng thống Bashir cầm quyền từ năm 1989. Sudan rơi vào thế bị cô lập từ năm 1993, chịu không ít lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Cẩm Bình (theo The Guardian, Aljazeera)