Các cửa ngõ, bến xe ở Hà Nội đã đông kín người đi chuyển trên các phương tiện về quê hoặc đi du lịch, bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30.4- 1.5.

Người dân ùn ùn đổ về quê và đi du lịch, tàu xe 'cháy vé'

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 30/04/2022, 08:28

Các cửa ngõ, bến xe ở Hà Nội đã đông kín người đi chuyển trên các phương tiện về quê hoặc đi du lịch, bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30.4- 1.5.

Người dân ùn ùn đổ về quê, đi du lịch

Dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay rơi vào ngày thứ bảy, chủ nhật nên người lao động được nghỉ bù vào ngày thứ hai và thứ ba của tuần kế tiếp, tức là sẽ có 4 ngày nghỉ liên tục. Do thời gian nghỉ dài nên nhiều người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã tranh thủ ra bến xe về quê hoặc đi du lịch.

Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới, ngay từ chiều 29.4, tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, các loại xe khách, xe buýt đã hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Dòng người từ khắp mọi nơi của Thủ đô đổ về các bến xe. Theo đó, tình trạng giao thông bắt đầu ùn tắc tại các làn đường theo hướng rời Hà Nội.

279156679_1420583198385257_7350937252056780822_n.jpg
Cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội đều chật cứng xe

Tại bến xe Gia Lâm, các chặng ngắn đến các tỉnh như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh..., nhu cầu khách mua vé khá lớn. Rất đông người dân xếp hàng chờ xe khách về quê tại các trạm đợi xe.

Chị Mai Hoa (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát nên gia đình tôi quyết định kỳ nghỉ 30.4 và 1.5 năm nay đi du lịch tại Quảng Ninh 3 ngày 2 đêm. Các con tôi rất thích biển nên tôi quyết định chọn đi du lịch ở Quảng Ninh dịp này. Gia đình chủ động đến bến xe từ sớm nhưng vẫn rất đông, chưa thể bắt xe được".

278837615_3097189240495704_4554843528252987129_n.jpg
Dòng người kéo nhau đổ về mọi miền đất nước trong kỳ nghỉ 30.4 và 1.5

Đại diện Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết sẽ tăng cao lượng tới các bến xe tại Hà Nội từ ngày 29.4 đến ngày 30.4. Công ty dự kiến bố trí thêm gần 800 xe tăng cường vì số lượng hành khách tại các bến xe ở Hà Nội bắt đầu tăng từ chiều tối ngày 29 đến hết ngày 30.4 với mức tăng từ 200 - 300% ngày thường.

Cụ thể, Bến xe Giáp Bát dự kiến được tăng cường 200 xe, bến Gia Lâm tăng cường 70 xe, Bến xe Mỹ Đình được tăng cường 500 xe.

Trong đó, ở bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 12.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 200 - 300% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 900 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái,...

Tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 12.000 lượt/ngày, tăng 200 - 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 900 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Tại Bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 5.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 550 xe và chủ yếu tập trung ở các tuyến như: Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu tháng 4. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị vận tải gồm có: xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe buýt, xe taxi, xe du lịch... Trong đó, yêu cầu các đơn vị vận tải phải đảm bảo chất lượng, số lượng phương tiện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

279090614_530622941999545_9004997835958796341_n.jpg

Sở sẽ tăng cường giám sát, chặt chẽ đội ngũ nhân viên lái, phụ xe không được sử dụng rượu, bia trong thời gian lái xe. Đồng thời, kiểm tra qua camera giám sát kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý ngay những lỗi như: Trên xe chở quá số người quy định, không niêm yết đầy đủ giá cước những thông tin cho hành khách, chở hàng hóa trên khoang hành khách, tự ý tăng giá vé.

Giá vé xe biến động theo xăng dầu

Theo ghi nhận của PV, trong khi nhiều tuyến đường ngắn nhà xe vẫn giữ nguyên giá vé như: Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nội vẫn có giá 50.000 đồng/lượt, Hà Nội - Hải Phòng - Hà Nội có giá 80.000 đồng/lượt,... thì nhiều tuyến đường dài đã được điều chỉnh giá vé theo giá xăng dầu tăng, đơn cử như tuyến: Hà Nội - Sơn La - Hà Nội, giá vé xe đã tăng từ 250.000 đồng lên 330.000 đồng/lượt, tuyến Thanh Hóa - Hà Nội - Thanh Hóa, giá vé dao động khoảng 180.000 - 200.000 đồng một lượt.

Trong khi đó, hầu hết các tuyến đường khác, giá vé vẫn được giữ nguyên hoặc nếu tăng thì cũng dao động trong khoảng từ 5 - 10%. Theo lý giải của các nhà xe, giá vé xe tăng chủ yếu là do giá xăng dầu tăng. Song, các nhà xe cũng tranh thủ tăng giá vé, tăng nguồn thu để bù đắp phần lỗ trong hai năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết đã yêu cầu xử lý nghiêm những xe khách tự ý tăng giá cước, nhồi nhét khách, đồng thời nhà xe không đảm bảo điều kiện kinh doanh sẽ huy động xe khác về bến đón khách. Các cơ quan, lực lượng chức năng cần liên tục rà soát các hoạt động vận chuyển hành khách của nhà xe, tránh tình trạng nâng giá vé bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

9 đường dây nóng phản ánh về giao thông

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã công bố số điện thoại đường dây nóng về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 (từ 30.4-3.5).

Theo đó, người dân phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ như chở quá số người quy định, tăng giá vé quá quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách, chạy sai luồng tuyến, dừng đón trả khách sai quy định, ùn tắc giao thông và các vi phạm khác (uống rượu bia khi lái xe, sử dụng điện thoại, sử dụng ma túy, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm tốc độ, vận chuyển hàng cấm, nguy cơ cháy, nổ), tai nạn giao thông... đề nghị liên hệ số điện thoại: số di động 0995.67.67.67, hoặc số cố định 069.2342608 (Cục Cảnh sát giao thông-Bộ Công an).

Phản ánh các thông tin về tình trạng quá tải tại nhà ga, bến xe; công tác bán vé, hành vi tăng giá vé quá quy định, chạy sai luồng tuyến, đề nghị liên hệ số điện thoại: 0375606669 (Vụ Vận tải-Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Các bất cập về tổ chức giao thông, về đường sá, đèn tín hiệu, chở quá tải trọng, ùn tắc giao thông trên cao tốc và các quốc lộ, đề nghị liên hệ số điện thoại: 0916.608.085 (Vụ An toàn giao thông-Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Để phản ánh và được giải đáp thông tin về đường sắt, đề nghị liên hệ số điện thoại: 0865367565 (Cục Đường sắt Việt Nam). Để phản ánh và được giải đáp thông tin về hàng không, đề nghị liên hệ số điện thoại: 0916.562.119 (Cục Hàng không Việt Nam).

Để phản ánh và được giải đáp thông tin về đường thủy, đề nghị liên hệ số điện thoại: 0398896888 (Cục Đường thủy nội địa). Để phản ánh và được giải đáp thông tin về hàng hải, đề nghị liên hệ số điện thoại: 0914.689.576 (Cục Hàng hải Việt Nam).

Phản ánh chung về tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông, đề nghị liên hệ số điện thoại: 081.9115911 (Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia).

Người tham gia giao thông trước khi phản ánh tới đường dây nóng cần có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện (hoặc số hiệu chuyến bay, chuyến tàu), hành vi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự an toàn giao thông; ưu tiên dùng tin nhắn để đảm bảo chính xác, thuận tiện, an toàn.

Bài liên quan
Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam từ 30.4-1.5 khi quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30.4-1.5.2022, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử và với cá nhân ông, Việt Nam là một đất nước “đặc biệt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
17 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân ùn ùn đổ về quê và đi du lịch, tàu xe 'cháy vé'