Như Một Thế Giới đã đưa tin, một trong những sửa đổi về chính sách cấp thị thực di dân của Mỹ đã có hiệu lực là bảo đảm quyền lợi cho các cặp đôi đồng tính được đối xử bình đẳng trong quá trình nộp hồ sơ xin thị thực di dân. Theo đó, quy trình không hề khác biệt so với các cặp vợ chồng dị tính và đã có khoảng 10 cặp thành công.
Để thông tin chi tiết hơn cho độc giả về vấn đề này, báo Một Thế Giới đã gặp gỡ ông David R.McCawley - Đại diện Lãnh sự cấp cao tại Việt Nam - nhằm tìm hiểu sâu hơn (tất cả những thị thực định cư đều được cấp tại TP.HCM).
|
Ông David R.McCawley - Đại diện Lãnh sự cấp cao tại Việt Nam |
Cuối tháng 6.2013, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố Mục 3 của Luật Bảo vệ Hôn nhân (DOMA) là vi hiến. Sau phán quyết này, Tổng thống Barack Obama đã chỉ đạo các cơ quan phải đảm bảo quyết định này cùng với các vấn đề liên quan đến quyền lợi liên bang dành cho các cặp hôn nhân đồng tính được thực hiện một cách nhanh chóng và trôi chảy.
Ngày 1.7.2013, Bộ trưởng An ninh Nội địa khi đó là Janet Napolitano tuyên bố Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) sẽ xem xét các đơn xin thị thực di dân nộp thay mặt cho những cặp đôi đồng tính như những đơn của các cặp vợ/chồng dị tính.
|
DOMA là dự luật ra đời năm 1996 nhằm khẳng định: Hôn nhân là việc giữa một người nam và một người nữ (Nguồn Internet) |
Phòng Lãnh sự thuộc Tổng Lãnh sự quán Mỹ khẳng định người phối ngẫu đồng tính và hôn phu (hoặc hôn thê), cùng với con cái dưới tuổi vị thành niên của họ hội đủ tiêu chuẩn cho những quyền lợi về định cư tại Mỹ như các diện vợ chồng dị tính khác. Những người con của đương đơn là công dân Việt Nam, dù là con nuôi hay con ruột, cần phải hội đủ điều kiện theo định nghĩa "con cái" của luật pháp Mỹ theo các thủ tục của hồ sơ xin thị thực di dân.
Hiện tại, do Việt Nam vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng tính nên tất cả những hồ sơ nộp tại lãnh sự đều theo diện bảo lãnh cho hôn phu/hôn thê. Đến nay, ông McCawley cho biết có khoảng 10 người đồng tính Việt Nam đã được cấp thị thực di dân. Thị thực hôn phu (hôn thê) diện K1 dành cho người đồng tính được cấp lần đầu tiên vào ngày 14.3.
Ông McCawley nhấn mạnh yếu tố quan trọng khi xét duyệt hồ sơ xin thị thực của người đồng tính không phải là quê quán của đương đơn, mà là đám cưới chính thức, hợp pháp phải được diễn ra tại một tiểu bang (hoặc nước thứ 3 - ví dụ như Canada) đã công nhận hôn nhân đồng giới tức phải được cấp giấy chứng nhận hôn thú hợp lệ).
Theo đó, công dân Mỹ thường trú tại một tiểu bang chưa công nhận hôn nhân đồng tính vẫn được quyền mở hồ sơ bảo lãnh cho công dân Việt Nam theo diện hôn phu/hôn thê. Điều kiện quan trọng nhất là sau khi được cấp visa, cặp đôi này phải tiến hành tổ chức đám cưới tại một trong những tiểu bang chấp nhận hôn nhân đồng giới trong vòng 90 ngày kể từ ngày đến Mỹ.
|
Việt Nam vẫn chưa thông qua hôn nhân đồng giới nhưng người đồng tính vẫn có thể xin visa sang Mỹ với tư cách là phối ngẫu như những cặp đôi dị tính. |
Về lý thuyết, hồ sơ xin thị thực của người đồng tính được xử lý bình đẳng như hồ sơ của người dị tính. Tuy nhiên, trên thực tế, đồng tính vẫn là vấn đề trái chiều trong cả người Việt lẫn người Mỹ. Liệu có xảy ra những sự phân biệt đối xử hay khó khăn nào trong quá trình xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn? Ông McCawley khẳng định: “Không bao giờ xảy ra chuyện này. Quá trình làm việc của chúng tôi luôn bảo đảm sự cởi mở, minh bạch, tôn trọng và tuân thủ luật pháp”.
Cảnh Toàn
Đọc thêm:
Sự sụp đổ của DOMA - Edith Windsor: Nguyên đơn của tình yêu