'Chứng sợ đồng tính' (homophobia) được nhà tâm lý học người Mỹ George Weinberg định nghĩa vào những năm 1960s, đó là sự sợ hãi hoặc lo lắng khi tiếp xúc, gần gũi với người đồng tính nữ hoặc nam. Biểu hiện của nó rất rộng, có thể từ cảm giác khó chịu khi có mặt người đồng tính, tỏ thái độ khinh thường, đến trêu chọc, đánh đập hoặc giết hại. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chứng sợ đồng tính, có thể là yếu tố văn hóa, kinh tế, quan hệ quyền lực, truyền thống gia đình, định kiến, tôn giáo.
Trong các nghiên cứu của mình, Weinberg cho rằng chứng sợ đồng tính là một căn bệnh tâm trí, hoặc một hành vi kém thích nghi và gây hại. Cũng như các chứng sợ hãi khác, chứng sợ đồng tính là một trạng thái bất cân bằng tâm trí và có thể giới hạn nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp cũng như gây rối loạn việc trải nghiệm thế giới.
Weinberg cho rằng chứng sợ đồng tính là biểu hiện của sự định kiến với những người khác biệt với bản thân họ. Ông nhấn mạnh đến nguyên nhân gốc rễ của chứng sợ đồng tính ở giá trị đạo đức và quan điểm chính trị, bao gồm cả niềm tin tôn giáo coi đồng tính là tội lỗi, làm tổn hại đến các giá trị truyền thống.
Trong những năm gần đây, có nhiều người công khai kỳ thị đồng tính hoặc phản đối hôn nhân cùng giới bị phát hiện là người đồng tính. Ví dụ lãnh đạo tinh thần tin lành Ted Haggard người kết tội đồng tính là tội lỗi bị phát hiện có quan hệ với một mại dâm nam; Thượng nghị sĩ Larry Craig người phản đối việc bao gồm hướng tính dục vào pháp luật chống tội ác bị phát hiện có hành vi quan hệ cùng giới trong nhà vệ sinh nam; và Glenn Murphy, một lãnh đạo chính trị trẻ của đảng Cộng Hòa đã thú nhận quấy rối tình dục với một người đàn ông khác. Những vụ việc này dẫn đến một đồn đoán: "những người kỳ thị người đồng tính nhất là những người đồng tính giấu mình vì lo sợ chính con người họ”. Liệu điều này có đúng?
Giả thiết này được giải thích theo trực giác. Thông thường khi một ai đó muốn che giấu điều gì, đặc biệt một điều mà họ cảm thấy hổ thẹn, tội lỗi hoặc lo sợ, họ sẽ hành động một cách tự vệ như đổ lỗi cho người khác. Đây là lý do những người đồng tính không chấp nhận được bản thân thường công khai bài trừ đồng tính để chứng minh “tôi không phải là một người trong số họ”. Đó là lý do họ phản đối hôn nhân cùng giới cật lực, họ dè bỉu, khinh rẻ những người đồng tính công khai, họ nói “rùng mình” khi tiếp xúc với người đồng tính. Tất cả chỉ để tạo ra vỏ bọc bảo vệ mình.
Một khía cạnh khác của “sự đồn thổi” là những người đàn ông dị tính thực sự sẽ không bao giờ phải suy nghĩ về xu hướng tính dục thích người cùng giới của mình. Những người “dị tính xịn” sẽ luôn cảm thấy an toàn chính vì vậy họ sẽ không phải lo sợ hoặc ác cảm với người đồng tính, đặc biệt đồng tính nam. Chỉ những người đàn ông dị tính yếu đuối, hoặc người đồng tính che giấu mới phải sợ hãi, và họ mới là vấn đề của bạo lực do chứng sợ đồng tính gây ra.
Lời giải thích này dựa trên lý thuyết “phổ tính dục” của Alfred Kinsey. Theo Kinsey con người có khả năng cảm nhận một phổ rộng các hấp dẫn tình dục khác nhau. Ngoài những người “hoàn toàn dị tính” chỉ có rung cảm tình dục với người khác giới, thì có nhiều người đồng tính, hoặc dị tính có cảm xúc với người cùng giới. Họ không cảm thấy thoải mái với sự hấp dẫn tình dục cùng giới nên liên tục rơi vào trạng thái tự chối bỏ bản thân, tự áp chế, lo lắng, sợ hãi khi phải đối mặt với những người đồng tính cùng giới tính với mình. Đây chính là lý do họ ghê sợ đồng tính và có những phản ứng tiêu cực với đồng tính.
Tuy nhiên, đây chỉ là một sự hoang tưởng, một sự hoang tưởng gây hại cho cả người dị tính và người đồng tính.
Trước tiên, chứng sợ đồng tính có nguyên nhân phức tạp, có thể xuất phát từ văn hóa, tôn giáo, hoặc truyền thống gia đình. Trong một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những thanh niên sống trong các gia đình có văn hóa “độc đoán” có tỉ lệ không thừa nhận cảm xúc tình dục cùng giới cao hơn và có tỉ lệ kỳ thị đồng tính cao hơn. Việc cho rằng những người kỳ thị đồng tính là những người đồng tính giấu mặt sẽ bỏ qua nguyên nhân thực sự của hành vi phân biệt đối xử. Nó tạo ra cảm giác “chính những người đồng tính đang tạo ra vấn đề cho mình”.
Thứ hai, việc cho rằng những người “đàn ông xịn” không lo lắng về tính dục của mình nên không sợ người đồng tính, còn những người sợ đồng tính là những người “đàn ông không xịn” cũng làm sai lệch nguyên nhân của vấn đề. Việc kỳ thị đồng tính không phụ thuộc vào tính dục của một người, mà phụ thuộc vào các giá trị người đó học hỏi ở gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đây chính là nguyên nhân cần phải giải quyết chứ không phải tranh luận xung quanh “tính xịn” của xu hướng tính dục của mỗi người.
Cuối cùng, dù có những người đồng tính tự áp chế mình thì đây không đơn giản là một quá trình nội tại. Tự áp chế là phản ứng của con người với xã hội, một xã hội kỳ thị và coi đồng tính là không mong đợi. Điều này một lần nữa khẳng định kỳ thị đồng tính hay sợ hãi đồng tính đều là hệ quả của một xã hội thiếu khoan dung với sự khác biệt, với tự do thể hiện của mỗi cá nhân con người.
Mạnh Hải (Theo Diễn Ngôn)