“Tháng nào cũng tăng ca mà thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 8 triệu đồng, nếu sinh con sẽ phát sinh thêm chi phí sinh hoạt", tâm sự một cặp công nhân trẻ.

Người lao động sống khắc khoải với lương tối thiểu

Một Thế Giới | 09/08/2015, 06:11

“Tháng nào cũng tăng ca mà thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 8 triệu đồng, nếu sinh con sẽ phát sinh thêm chi phí sinh hoạt", tâm sự một cặp công nhân trẻ.

“Với mức lương tối thiểu (LTT) hiện tại, cho dù có nai lưng tăng ca thì cuộc sống của đại bộ phận công nhân (CN) vẫn hết sức chật vật. CN độc thân khổ một thì CN đã lập gia đình khổ gấp 2-3 lần vì có nhiều thứ phải trang trải hơn. Vật giá leo thang, nếu không chắt bóp, tằn tiện thì vợ chồng tôi chỉ có nước dẫn mấy đứa nhỏ về quê chứ khó lòng trụ nổi ở thành phố” - nữ CN Lê Thị Tân - quê Long An, đang làm việc cho một doanh nghiệp (DN) giày da tại huyện Củ Chi, TP HCM - bộc bạch trên báo Người lao động.
Chị Tân và chồng là anh Hoàng Văn Hùng cùng làm công ty, tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Trừ tiền thuê nhà trọ, điện, nước và tiền học hè cho 2 con, đến cuối tháng, vợ chồng chị gần như không có dư. “Sắp đến mùa tựu trường, vợ chồng tôi càng lo vì có 2 đứa con cùng đi học. Hai tháng nay, tôi bỏ nhậu luôn vì ngại tốn kém, dồn sức lo cho con trước đã” - anh Hùng tâm sự.
Sát bên phòng trọ của gia đình anh Hùng là cặp vợ chồng CN trẻ mới cưới nhau được vài tháng - anh Nguyễn Hải Thanh và chị Nguyễn Minh Diệu. Dù chưa có con nhưng nghe chúng tôi đề cập chuyện sinh nở, vợ chồng họ lắc đầu quầy quậy: “Tháng nào cũng tăng ca mà thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 8 triệu đồng, nếu sinh con sẽ phát sinh thêm chi phí sinh hoạt. Nghe nói sắp tới, LTT sẽ tăng nhưng vợ chồng em cũng không trông mong gì bởi sau khi LTT được điều chỉnh là giá cả các mặt hàng nhu cầu thiết yếu cũng té nước theo mưa”.
Thực tế đời sống của 2 gia đình nêu trên cũng là diện mạo về mặt bằng thu nhập của đại bộ phận CN hiện nay. Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy thu nhập trung bình của người lao động (NLĐ) khoảng 3.817.000 đồng/tháng. Ngoài ra, NLĐ có thêm thu nhập từ làm thêm giờ, tiền phụ cấp với nhiều tên gọi khác nhau: nhà ở, xăng xe, đời sống, chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kỹ năng... Các khoản này chiếm 1/4-1/3 thu nhập của NLĐ.
Rõ ràng, nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Việc CN ngừng việc tập thể để phản đối quy định tại điều 60 Luật BHXH 2014 cũng xuất phát từ vấn đề này.
Vẫn đang tranh luận tăng lương tối thiểu
Trước đó, 5.8, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương án lương tối thiểu 2016 do mức dự kiến đưa ra giữa các bên chênh lệch quá lớn. Đầu tháng 7.2015, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) - đại diện giới chủ sử dụng đã đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trên 10%. Tuy nhiên, trước phiên thảo luận, VCCI đã đột ngột thay đổi, đưa ra mức tăng lương đề xuất từ 6 - 7%.
Theo báo Thanh Niên, mức dự kiến trên khiến cho đại diện cho người lao động khá bất ngờ bởi mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN đưa ra trước đó tăng tương đương với 16,5% (từ 550.000 đồng/tháng). Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN bất bình: “Công nhân họ khổ quá rồi, năm qua tiền điện tăng hơn 10%, tiền nước tăng, tiền nhà tăng... tất cả mọi chi phí khác đều tăng. Trong khi, tình hình kinh tế năm qua sáng sủa hơn, GDP tăng, DN phát triển hơn mà lương của người lao động thụt lùi là không được. Với công nhân tăng 50.000 đồng cũng quý. Năm ngoái khó khăn như thế, chúng ta còn đưa được mức tăng lương lên 400.000 đồng/tháng”. Theo ông Chính, mức tăng 16,5% mà Tổng LĐLĐ VN đưa ra đáp ứng từ khoảng 87 - 89% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, còn với mức đề xuất của đại diện giới chủ sử dụng đưa ra chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đến năm 2018 lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu đã đề ra. Một thành viên hội đồng tiền lương lo ngại, nếu mức tăng lương thấp hơn so với năm 2015, có thể công nhân sẽ đình công.

Đề nghị tạm dừng đàm phán, ông Hoàng Quang Phòng (phó chủ tịch VCCI) giải thích: “Chúng tôi thấy cần thiết phải dừng lại để các bên có thời gian tiếp tục trao đi đổi lại. Trong thời gian chờ đợi, bộ phận kỹ thuật sẽ giúp hội đồng tính toán các yếu tố, nhất là phần chi phí DN phải chi trả sau 1.1.2016. Mức tăng dự kiến chưa thể nói được, các bộ phận cần phải tính toán, trao đi đổi lại để có ý kiến thống nhất”.

Xung quanh mức đề xuất 10% của VCCI, nhiều ý kiến cho rằng điều DN lo lắng nhất là các khoản phát sinh khi trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), khẳng định nếu DN đã có chế độ tiền lương và phúc lợi tốt cho NLĐ thì khoản chi phí gia tăng do phải trích nộp thêm BHXH, BHYT, BHTN... là không đáng kể.
“Thu nhập khá và được đãi ngộ tốt thì NLĐ sẽ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN. Nếu cứ cân đong đo đếm thì khó tạo động lực làm việc cho NLĐ” - ông Hùng nhìn nhận.
luong toi thieu
 
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình, cho rằng mức đề xuất 16% của Tổng LĐLĐ Việt Nam là chấp nhận được. Theo ông, 6 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, là điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh mức LTT vùng phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm đời sống cho NLĐ, giúp họ an tâm làm việc.
“Theo tôi được biết, hiện tại, mức lương thực nhận của NLĐ ở nhiều nơi cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng bảo hiểm từ 10%-14%. Như vậy, cho dù LTT có tăng 16% thì DN cũng sẽ chẳng gặp khó khăn nhiều” - ông Bình lý giải.
Lôi Phong (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vắc xin phòng ngừa
một giờ trước Thông tin Y học
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với những biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Ngày 14.5, Bộ Y tế đã nêu hướng dẫn các địa phương và đơn vị tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người lao động sống khắc khoải với lương tối thiểu