Vừa qua, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra 48 trang trại chăn nuôi heo tại địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Thành, và đã phát hiện 14 trang trại có sử dụng chất Salbutamol - là chất cấm - để pha trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Theo một cán bộ sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thì đây là điều bất thường, vì năm 2012 việc sử dụng chất cấm chỉ thấy ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước hiện tượng này, lãnh đạo ngành thú y Đồng Nai đề xuất nên xử lý hình sự vì đây là hành vi đầu độc người tiêu dùng...
Nhanh lớn, nạc nhiều, tăng trọng...
Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai vẫn được xem là địa phương có khả năng cung cấp thịt heo với số lượng lớn nhất trong cả nước với đàn heo gần 1,5 triệu con, được nuôi ở hơn 2.500 trang trại.
Thông thường, heo xuất chuồng bán cho thương lái đều nằm ở mức từ 100 - 110kg/con bởi lẽ nếu vượt quá trọng lượng đó thì tỉ lệ mỡ nhiều, giá mua sẽ bị thương lái hạ xuống.
Ông Phan Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Cửu khi trao đổi với chúng tôi đã cho biết: "Bên cạnh những trang trại nuôi heo bằng thức ăn công nghiệp thì cũng có những hộ nuôi heo bằng cách mua lại thức ăn thừa của các bếp ăn tập thể.
Loại thức ăn này khiến heo có nhiều mỡ nên họ sử dụng chất tạo nạc để heo có thể đạt đến trọng lượng 130, 140kg/con mà Iượng mỡ lại rất ít...".
Theo một số người chăn nuôi tại huyện Vĩnh Cửu, việc sử dụng "chất tạo nạc" - mà thực tế là chất Salbutamol - rất đơn giản: Nếu nuôi bằng cám pha loãng thì mỗi thùng cám 20 lít cho vào 1 muỗng canh Salbutamol. Nếu nuôi công nghiệp bằng máng ăn tự động thì cứ 1 tấn cám pha với 1kg Salbutamol.
Bên cạnh đó, có người còn pha Sabutamol vào nước cho heo uống theo công thức 1 thìa cà phê Sabutamol hòa chung với 15 lít nước, hoặc 1 kg Salbutamol pha với 2.000 lít nước.
Ông Phan Biên nói tiếp: "Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng tính toán rất kỹ vì từ lúc bắt đầu sử dụng "chất tạo nạc” cho đến lúc xuất chuồng, không được quá 15 ngày. Nếu quá ngày đó, heo sẽ tự khuỵu chân vì "chất tạo nạc" làm giòn xương, bán sẽ mất giá, chưa kể nếu không xuất chuồng nhanh thì heo không chỉ tự gãy chân mà khắp người chúng còn xuất hiện những vết lở rỉ nước...".
Việc tự ý cho thêm Salbutamol vào thức ăn nuôi heo phần lớn do người chăn nuôi truyền miệng nhau để bán được giá, phần nữa là do thương lái. Theo ông Định, chủ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Vĩnh Cửu thì một số thương lái giải thích rằng nếu cho "chất tạo nạc" vào thức ăn, heo sẽ nhanh lớn, thịt nhiều, mỡ ít, màu sắc của thịt cũng tươi tắn hơn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đó là chưa kể nếu heo nuôi bằng "chất tạo nạc" thì khi mua, thương lái sẽ trả cao hơn mỗi kilôgam từ 1.000 - 2.000 đồng.
Để mắt thấy tai nghe, ông Định lấy xe gắn máy chở tôi sang nhà một người quen cách đó khoảng 1km. Trên đường đi, ông dặn tôi giả như đang tìm mua heo giống.
Quả y như vậy, những con heo trong chuồng nhà ông Định khi thấy tôi bước vào thì chúng kêu lên eng éc rồi có con ve vẩy đuôi, tiến đến gần tôi như thể đòi ăn, có con chạy dạt hẳn vào một góc.
Nhưng trong chuồng heo của nhà người quen ông, hơn chục con đang chuẩn bị xuất chuồng - con nào con nấy béo nung núc, nhìn kỹ thấy da có độ căng khác thường như ứ nước. Vài con trên da còn xuất hiện những đốm đỏ. Thấy có người vào, một con nằm gần phía ngoài cố đứng lên nhưng không đứng được.
Lúc quay ra, ông Định cho biết thêm: "Heo nuôi bằng chất tạo nạc thì thịt vun lên gần sát với da. Bình thường, lớp mô nằm dưới da có độ dày từ 1 đến 1,5 cm nhưng heo nuôi bằng chất tạo nạc thì mỡ chỉ dày khoảng 0,4 hoặc 0,5cm.
Thịt có màu đỏ như thịt bò, không mềm, mịn, thớ thịt ngắn, nhất là tại bắp vai và đùi. Nếu để ngoài tự nhiên chừng 3 tiếng đồng hồ thì sờ vào thịt thấy ươn ướt như có nước...
"Chất tạo nạc" là chất gì?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số "chất tạo nạc" mà những trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai sử dụng và đã bị phát hiện là chất Salbutamol. Đây là loại dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa nên lượng tồn dư của nó trong thịt heo có bao nhiêu thì người ăn sẽ lãnh đủ bấy nhiêu.
Salbutamol là một chất nằm trong họ beta-agonists, thuộc nhóm các hormone tự nhiên, có tác dụng nguyên bản là làm giãn phế quản, giãn cơ tử cung đồng thời kích thích giải phóng insulin và thúc đẩy quá trình phân giải glucose.
Theo các tài liệu về Dược động học, họ beta-agonists có 2 nhóm: Nhóm beta 1- agonist gồm các loại với những tên gọi như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine... có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị suy tim cấp tính. Nhóm beta 2-agonist gồm Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine... có tác dụng giãn cơ, dùng trong sản khoa, trong bệnh lý hen suyễn và một số bệnh về phổi thể mãn tính.
Trong những chất kể trên, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị Bộ NN & PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta từ năm 2002. Mặc dù tất cả các quốc gia trên thế giới đều cấm hai chất Salbutamol, Clenbuterol nhưng chất Ractopamine lại được 24 nước cho phép sử dụng, trong đó có cả những nước phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Brazil, Mexico, Thái Lan... với điều kiện 7 ngày trước khi xuất chuồng, phải ngừng cho động vật ăn thức ăn có chứa chất này.
Sở dĩ có chuyện trái khoáy ấy là vì beta-agonists đã được chứng minh là chất chuyển đổi rất hiệu quả. Nó làm giảm Iượng mỡ của cơ thể, kích thích phát triển cơ.
Theo An Ninh Thế Giới