Ngày 22-8, tại Đông Hà, Quảng Trị, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đã cùng với Viện khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế.
Có các câu hỏi sát sườn dân sinh được đặt ra: Biển đã an toàn chưa? Cá biển đã ăn được chưa? Nuôi trồng thủy sản đã an toàn chưa? Bao giờ biển trở lại như xưa? Chỉ một câu hỏi được trả lời, các câu còn lại vẫn phải chờ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Thường, hội nghị như thế này thì chưa mời các phóng viên báo chí nhưng báo cáo với các nhà khoa học, các nhà quản lý là tôi muốn đặt niềm tin vào báo chí ở chỗ là khi cái gì đó vì nhân dân, vì ông bà cha mẹ mình thì chúng tôi và cơ quan báo chí chắc chắn sẽ làm tròn trách nhiệm để trở thành cầu nối tin cậy, kiểm chứng lại để giúp cho bà con nhân dân đầy đủ thông tin một cách chính xác nhất, kiểm chứng nhất, tất cả vì sức khỏe, vì ông bà, bố mẹ mình là nhân dân".
Tuy nhiên báo chí được mời đến và tờ giấy đầu tiên được phát không phải là tài liệu mà chỉ nhõn một trang A4 lịch làm việc trong buổi hội nghị này, hoàn toàn không có bất cứ văn bản nào thêm. Đại biểu đến dự từ các cơ quan ban ngành của 4 tỉnh miền Trung cũng được phát chỉ mỗi một tờ giấy A4 như cánh phóng viên. Một lãnh đạo trong 4 tỉnh miền Trung có cá chết cho biết, cách tổ chức phát tài liệu hội nghị như thế này thật bất thường và có cái gì đó không đúng trong ứng xử giữa lúc người dân rất cần thông tin.
Hội nghị qua hai phần ba chặng đường, khi nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia trình bày quan điểm nghiên cứu biển cũng như các nhà khoa học thảo luận xong thì nhân viên của Bộ TNMT trường phân phát thông cáo báo chí đến tay các đại biểu và email cho cánh phóng viên. Những cán bộ địa phương từ 4 tỉnh đến dự hết sức ngỡ ngàng, họ đi với tinh thần về để tuyên truyền sâu rộng hiện trạng môi trường biển, nhưng tài liệu phát đi không đầy đủ.
Bản nghiên cứu hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do GS-TS Mai Trọng Nhuận trình bày cực kỳ quan trọng, dù chưa được toàn diện nhưng nó cũng là thông tin đáng quý với đại biểu, đều không được in ra và chuyển cho người tham gia hội nghị. Một số nhà báo đến xin tư liệu của nhóm tác giả Đại học Quốc gia Hà Nội thì được trả lời chủ quản là Bộ TNMT, đến đặt vấn đề với tổ thư ký phục vụ cuộc họp thì được trả lời ngược đó là sở hữu trí tuệ của người ta.
Từ đó lại thấy, câu nói của bộ trưởng Trần Hồng Hà lúc khai mạc hội nghị có điều gì đó khó khớp: "Môi trường và các giá trị kinh tế sinh thái, nhân văn của các tỉnh ven biển miền miền Trung sẽ sớm được phục hồi, người dân miền Trung sẽ có cả thép, có cả cá và môi trường biển xanh, sạch đẹp".
Bộ trưởng Hà thật lạc quan khi nói như vậy nhưng đại biểu tham dự hội nghị mấy ai lạc quan như thế? Bởi giữa tâm thảm họa do Formosa gây ra, hội nghị được tổ chức mà báo chí và các đại biểu không được cung cấp hết đầy đủ tài liệu nghiên cứu thì cho dù có nói đến bao nhiêu, lạc quan đến bao nhiêu thì thông tin đến với người dân vẫn chưa thể đầy đủ.
Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Hà đánh giá: "Tại thời điểm này, những công bố này chưa đạt được những trọn vẹn mong muốn của đồng bào miền Trung hỏi rằng biển của chúng ta đã an toàn chưa? Nhưng thông qua báo cáo khoa học thì đây là tín hiệu đáng mừng, diễn biến chất lượng nước biển, diễn biến liên quan phục hồi hệ sinh thái, cũng như quy luật khả năng tự làm sạch những chất ô nhiễm như phenol, xyanua... môi trường tự nhiên biển miền Trung, các quy luật tự nhiên hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải các ô nhiễm là kết luận quan trọng".
"Người dân miền Trung sẽ có cả thép và cả cá" thật sự là một viễn cảnh xa chứ khó có thể gần. Cá có từ hàng vạn đời thì nay đã thất bát, hàng vạn đời nay không có thép, cá vẫn tung tăng, biển vẫn xanh sạch, người dân vẫn yên tâm ăn cá. Bởi thế mà đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật đã từng nói trước diễn đàn Quốc hội rằng: "Chúng ta có cần Formosa đến 70 năm, một quả bom môi trường mà ai sống bên cạnh cũng nơm nớp lo sợ".
Lạ kỳ, trong hội nghị, các câu hỏi chất vấn cá biển an toàn chưa? Nuôi trồng thủy sản được chưa thì đại diện Bộ Y tế, Bộ NNPTNT lại dài dòng văn tự và không đưa ra được lời khẳng định mà chỉ hứa khi nào có kết quả mới công bố. Kỳ cục hơn, đại diện của Bộ NNPTNT khi nhận câu hỏi nuôi trồng thủy sản như thế nào và cá an toàn ra làm sao thì dẫn chứng tràng giang đại hải về kế hoạch hỗ trợ ngư dân, kết hợp các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, không đi vào trọng tâm. Cách làm việc như thế làm sao người dân hết nghi ngại?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng thứ trưởng Võ Tuấn Nhân lưu lại Quảng Trị sau khi kết thúc hội nghị, họ đã có cuộc tắm biển dưới trời mưa ở biển Cửa Việt, thể hiện niềm lạc quan trước ống kính báo giới sau khi nói về viễn cảnh người dân miền Trung sẽ có cả thép và cá.
Nước biển theo như các chuyên gia trong nước và quốc tế đã an toàn cho tắm và thể thao dưới nước. Tuy nhiên còn 300km2 ở Hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), 330km2 phía đông Nhật Lệ (Quảng Bình), 160km2 Sơn Chà-Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) vẫn còn tồn dư phenol, xyanua... dù dưới ngưỡng an toàn nhưng các nhà khoa học cảnh báo cần giám sát thường xuyên bởi đó là những vùng bẫy động lực.
Quốc Nam