Trang Theresa Tran là gương mặt quen thuộc đồng hành cùng huyền thoại Brazil trên những chuyến công du toàn thế giới.
"Ở đây có bạn nào đến từ Việt Nam không?", người phụ nữ bên cạnh Pele bỗng nhiên cất tiếng trong sự kiện Kick off World Cup 2018, khi biết các phóng viên tiếp theo tới từ Đông Nam Á.Tran với làn da rám nắng kiểu Brazil và cách kết nối mọi người một cách tự nhiên khiến dễ lầm tưởng cô có họ hàng với "Vua bóng đá".
"Họ đến từ Việt Nam, đất nước của tôi", Tran thông báo với Pele xen lẫn sự vui sướng và bất ngờ. Theo lời người vệ sĩ của Pele, tại bất cứ nơi nào đi qua thì Tran đều tìm kiếm xem có ai tới từ Việt Nam hay không.
Công việc hiện tại của Tran là quản lý thương hiệu, hình ảnh cũng như quảng bá, sử dụng mạng xã hội và quan hệ công chúng. Cô chịu trách nhiệm mọi dự án đưa hình ảnh của Pele tới công chúng. Sự hợp tác giữa Tran và Pele bắt đầu từ năm 2010 khi cô được cử tới CLB New York Cosmos và bắt tay vào dự án khơi dậy thương hiệu đội bóng. Khi đó Cosmos mới hồi sinh sau thời gian ngừng hoạt động và bổ nhiệm Pele làm đại sứ cũng như Chủ tịch danh dự (Cosmos là đội bóng Pele từng thi đấu ở giai đoạn cuối của sự nghiệp cầu thủ). Sau khi kết thúc công việc ở Cosmos, Tran nhận lời làm quản lý riêng cho Pele.
Từ trái qua phải: Theresa Tran, Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura, Pele, Chủ tịch FIFAGianni Infantino trong trận khai mạc Confederations Cup 2017. Ảnh:NVCC. |
Sở dĩ Tran được giao công việc trong dự án Pele bởi cộng tác với những vận động viên thể thao nổi tiếng không phải là điều lạ lẫm. Trước đó cô đã có thời gian quảng bá thương hiệu huyền thoại bóng rổ Michael Jordan cho một nhãn hàng thể thao, làm việc cùng ngôi sao NBA Carmelo Anthony, danh thủ hai lần vô địch Super Bowl bóng đá kiểu Mỹ Carl Banks và tiền đạo nổi tiếng David Villa của Tây Ban Nha.
"Không ai tốt hơn Pele trong vai trò làm đại sứ liên quan tới bóng đá", Tran hào hứng nói về sự hợp tác giữa hãng đồng hồ Hublot và Pele. "Ông ấy bảo rằng sẽ không bao giờ dừng làm việc để truyền bá tình yêu bóng đá tới muôn nơi. Theo Pele thì bóng đá chính là gia đình lớn nhất thế giới".
Trong quãng thời gian làm việc với Pele, Tran nhớ nhất là kỳ World Cup 2014 và Olympic 2016, đều được tổ chức tại Brazil. Với tư cách là biểu tượng của thể thao xứ sở samba, Pele nhận được sự theo dõi sát sao và đây là vinh dự cũng như trách nhiệm của Tran trong việc phân phối và xử lý hình ảnh cho ông.
Cuộc sống của Tran thay đổi nhiều kể từ khi trở thành nhà quản lý hình ảnh của Pele. Cô phải di chuyển khắp thế giới trong một lịch trình bận rộn. Tran tỏ ra mãn nguyện bởi được áp dụng hết kiến thức đi học và trải nghiệm sự đa dạng văn hóa cũng như cách thức kinh doanh toàn cầu.
Theresa Tran trả lời phỏng vấn bên lề chuyến công tác cùng Pele tại St Petersburg, Nga. Ảnh:Đức Đồng. |
Tran sinh năm 1973 tại Sài Gòn và cùng gia đình tới nước Mỹ năm 1975. Cô tốt nghiệp chuyên ngành makerting và thương mại quốc tế ở Portland State University năm 1996, rồi trải qua công việc ở các tập đoàn lớn như Nike, BMW và hãng phim Miramax. Dù không còn nói được nhiều tiếng Việt sau thời gian học tập và làm việc hàng chục năm ở nước ngoài, sự vui vẻ và ấm áp mà cô dành cho Việt Nam là điều không thể che giấu.
"Bố mẹ rất tự hào về tôi. Khi tới Mỹ, cả gia đình phải xây dựng lại cuộc sống với nhiều khác biệt. Họ hướng tôi tới con đường học vấn và điều đó rất quan trọng", Tran cho biết. "Tôi hiểu mình phải xây dựng hình ảnh tốt đẹp về người Việt Nam và khiến bố mẹ tự hào. Tôi tin những gì đạt được khiến bố mẹ hạnh phúc bởi thật khó tưởng tượng một phụ nữ Việt Nam nhập cư vào Mỹ có thể làm việc với những ngôi sao hàng đầu thế giới".
Gặt hái được thành công trong ngành công nghiệp thể thao, Tran cho biết đây là mảnh đất đầy hứa hẹn này. Đang có rất nhiều công việc liên quan tới các nhà tài trợ, cầu thủ, đội bóng, chính phủ. Thậm chí ngay cả các nhạc công và ca sĩ biểu diễn ở các sự kiện thể thao cũng có thể khai thác.
"Hai điều quan trọng nhất trong ngành này là kiến thức được đào tạo bài bản và tích lũy các mối quan hệ trong công việc. Để có được ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua nhiều công việc ở nhiều công ty khác nhau", Tran dành lời khuyên cho những người Việt Nam muốn dấn thân.
Trong lời cuối dành cho cuộc nói chuyện, Tran khẳng định rất hạnh phúc nếu một ngày nào đó có thể đưa Pele tới Việt Nam bởi theo cô đó là "một giấc mơ" dành cho quê cha đất mẹ.
Bảo Lam - Đức Đồng/VNE