"Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian" tiểu thuyết Trần Tiễn Cao Đăng không cần phải bàn nữa, đây là một cuốn sách khó đọc nhưng đáng tìm đọc nhất đối với những ai yêu tiểu thuyết và muốn tìm thấy thể nghiệm, sáng tạo mới thể loại này ở Việt Nam...

'Người tình của cả thế gian' là ai?

Một Thế Giới | 25/07/2015, 06:51

"Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian" tiểu thuyết Trần Tiễn Cao Đăng không cần phải bàn nữa, đây là một cuốn sách khó đọc nhưng đáng tìm đọc nhất đối với những ai yêu tiểu thuyết và muốn tìm thấy thể nghiệm, sáng tạo mới thể loại này ở Việt Nam...

Người tình của cả thế gian không chỉ thay đổi một cách viết mà còn biến chuyển không gian hình dung, từ đây đưa đến nhiều thú vị về bút pháp và ngôn ngữ. Nhưng hiếm ai biết, trước khi là một cây cầu nối chữ nghĩa, anh nguyện làm một vịnh, cảng nhỏ lắng sóng dư ba hình hài, ngôn ngữ, nghệ thuật thế giới! Viết đối với anh là tiếp tục cuộc cộng sinh phản hóa, tái tạo và sáng tạo những cái mới!...
Trần Tiễn Cao Đăng là một cái tên luôn gây bất ngờ với những bạn đọc tìm kiếm những cái mới hay thế giới khác của văn chương đích thực. Là một người Sài Gòn, có công việc ổn định, thu nhập cao bỗng nhiên anh quyết định bỏ tất cả để ra Hà Nội… làm văn chương. Tình yêu văn học đã khiến văn đàn xuất hiện thêm một dịch giả với nhiều tác phẩm hậu hiện đại nặng ký như: Từ điển Khazar (Milorad Pavic), Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Súng, Vi trùng và Thép (Jared Diamond), Thế giới như tôi thấy (Anbe Anhxtanh), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro)... và nhiều tác phẩm khác.
Nguoi tinh cua ca the gian la ai
 Bìa cuốn "Biên niên ký chim vặn dây cót" của Haruki Murakami do nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2006.
Trần Tiễn Cao Đăng đã được giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội 2007. Anh cũng là người đầu tiên khơi nguồn, đặt lại các vấn đề báo động “thảm họa dịch thuật” gây chú ý trên văn đàn cách đây chưa lâu. Anh đã từng xuất bản 1 tập truyện ngắn Baroque và ẩn hoa (Nxb. Hội Nhà văn). Sau mười năm sống và “lập danh” ở Hà Nội, anh quyết định trở lại Sài Gòn với một tiểu thuyết đồ sộ gần 800 trang “Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian”. Với thái độ làm việc đúng độ, một trí thức nghiêm cẩn, tìm tòi những cái mới qua việc đọc và dịch chắc chắn tiểu thuyết này đáng được bạn đọc chờ đợi. Anh đã dành cho Duyên Dáng Việt Nam một cuộc trao đổi.
Anh bắt đầu viết văn từ bao giờ? Điều gì đã khiến anh chuyển từ truyện ngắn sang tiểu thuyết? 
Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi viết từ khi sáu hay bảy tuổi - viết truyện tranh, với đề tài khoa học giả tưởng hoặc cao bồi Viễn Tây, bắt chước những bộ phim Mỹ tôi xem trên truyền hình. Đến những năm đầu đại học, tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay (Vũ trụ loài người, về sau bỏ dở), và đến khoảng cuối những năm hai mươi tuổi thì tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Tập Baroque và ẩn hoa mà anh vừa nhắc bao gồm một số truyện tôi viết trong khoảng năm đến bảy năm. Tuy nhiên, cho đến năm ba mươi tuổi, tôi ngưng viết truyện ngắn. Có lẽ lúc đó tôi cảm thấy mình cần phải làm một cái gì khác, truyện ngắn không phải là thể loại đúng với tạng người của mình. Và khi tôi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, vào cuối 2005, tôi biết mình đã tìm được câu trả lời.
Như vậy khởi sự của tiểu thuyết có thể xem khi anh tự đánh giá mình thất bại trong truyện ngắn, cái mà anh giễu nhại “không phải là thể loại đúng với tạng người của mình”. Tiểu thuyết! Khi viết anh nghĩ đến điều gì? Thế giới của mình? Bạn đọc? Một thông điệp gì đó?
Tôi viết vì niềm vui - rằng mình đang tạo ra, đang sinh ra một thế giới mới chưa từng có, cái thế giới mà bản thân mình chưa biết hình hài của nó ra sao. Viết ra cái thế giới ấy, dựng nó lên, từng chút một, cho người chiêm ngưỡng đầu tiên là bản thân tôi. Và nếu như người đọc cuốn sách của tôi cũng thích thú, bị cuốn hút như tôi, cũng thấy đau như tôi và buộc phải nghĩ những điều tôi phải nghĩ khi đang đắm mình trong thế giới ấy, thì có thể coi như tôi ít nhiều đã làm được một việc không vô ích. Một “thông điệp”, nếu có, là cái mà người đọc sẽ tự mình tìm ra khi ở trong thế giới ấy, cũng như, nếu chúng ta đủ chú tâm và bớt ngã mạn đi, chúng ta có thể tìm ra được thông điệp của tự nhiên, đấng sinh ra chúng ta.
Một số người đọc bảo văn của anh “rất Tây”, “không giống văn của người Việt”. Có phải do chịu ảnh hưởng của các nhà văn mà anh đã dịch ra tiếng Việt? Đây là ảnh hưởng tự nhiên hay lựa chọn có ý thức của anh?
Hiển nhiên, việc đọc và dịch tác phẩm văn chương nước ngoài đã có tác động lớn đến văn phong của tôi. Khi tôi mới khởi bút, vào những năm đầu đại học, văn của tôi đa cảm hơn, chuộng âm điệu hơn, “Việt Nam” hơn. Nay, tôi tin chắc rằng nhà văn không nên câu nệ vào văn. Văn được trau chuốt quá kỹ làm mờ ý tưởng. Nếu ý tưởng của anh rõ và mạnh, hãy bảo đảm cho nó càng rõ và mạnh hơn bằng cách không để cho chữ nghĩa che bớt nó. Khi ấy, văn của anh sẽ dễ được dịch ra tiếng nước ngoài mà gần như không mất đi gì và như vậy sẽ chỉ có ích thêm cho nhiều người đọc, có ích cho thế giới - nếu ý tưởng của anh có thể có ích chút nào đó cho loài người và cho thế giới.
Thường thì các nhà văn hay lưỡng lự trước tâm thế viết và đề tài viết. Anh có lưỡng lự không?
Tôi luôn luôn trong tâm thế cần viết, có thể viết và muốn viết, bởi đó là cách tốt nhất để tôi tương tác với thế giới. Còn đề tài viết, thường là tự chúng đến với tôi, đôi khi trong giấc mơ, khi khác thì nảy ra trong quá trình viết, hoặc một cách bất ngờ. Nhiều lúc, nghĩ về chuyện ấy, tôi thấy mình may mắn, bởi mình nằm trong số những người muốn viết và vẫn đang viết được, viết được thứ mình muốn viết, khi mà gần như tất cả mọi thứ lực của cuộc sống thường nhật dường như đều có một mục đích chung là ngăn không cho ta làm chuyện đó.
Văn học VN đang đứng ở đâu, so với bản đồ thế giới trong suy nghĩ của anh? Điều gì anh chán nhất khi đọc các tác phẩm của các nhà văn VN?
Một điều đã quá nhiều người nói, đến độ chính ra không đáng nhắc lại: “Việt Nam là vùng trũng của văn chương thế giới”, cũng như là vùng trũng của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, hoặc chính vì vậy, chừng nào anh còn luôn luôn găm trong đầu cái tâm thế “mình là nhà văn Việt Nam, mình viết từ một xó xỉnh không ai quan tâm của văn chương thế giới”, thì tức là anh còn tự trói mình. Hãy viết làm sao cho người đọc, người đọc Việt Nam và người đọc ở bất cứ đâu trên thế giới, đến với anh và tham gia vào thế giới của anh vì anh là “nhà văn” chứ không phải “nhà văn Việt Nam”. Nhà văn, đó là căn cước nền tảng và tối hậu của anh. Với tâm thế ấy, anh viết về những vấn đề đặc thù của Việt Nam hay những vấn đề phổ quát của thế giới là không có gì khác nhau: đấy là tự do lớn nhất mà người sáng tạo phải có.
Nguyễn Hữu Hồng Minh /  Duyên Dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Người tình của cả thế gian' là ai?