Đó là khẳng định của ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, trong cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa doanh nghiệp Trung Quốc và tỉnh Sóc Trăng vào hôm nay (20.3).
Ngày 20.3, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu giữa doanh nghiệp (DN) Trung Quốc và DN Sóc Trăng.
Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đã giới thiệu với các đại biểu thông tin cơ bản và lợi thế phát triển của tỉnh nhà: Sóc Trăng có tiềm năng phát triển kinh tế biển và ven biển. Tỉnh có diện tích tự nhiên khoảng 3.298km2, dân số 1,2 triệu người. Quy mô nền kinh tế (GRDP) của tỉnh hiện nay khoảng 3 tỉ USD. Tỉnh cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp với động lực chính là cảng biển nước sâu Trần Đề.
Sóc Trăng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, có lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, nhất là các ngành như: nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistic, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Đặc biệt, cảng biển Trần Đề cùng tuyến cao tốc đường bộ, cầu Đại Ngãi… đang trong quá trình xây dựng, hình thành nên một mạng lưới giao thông đồng bộ.
Với lợi thế được quy hoạch cảng cửa ngõ tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hứa hẹn sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL. Vì vậy, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác lợi thế hành lang ven sông Hậu, kết nối khu vực kinh tế biển và từng bước đô thị hóa huyện Trần Đề, Long Phú.
Về nông nghiệp công nghệ cao, Sóc Trăng phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu thì trường trong, ngoài nước; ưu tiên thu hút các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đối với du lịch, Sóc Trăng phát triển theo định hướng khai thác thế mạnh du lịch tâm linh và sinh thái. Thời gian tới, Sóc Trăng sẽ kêu gọi DN đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ thương mại chất lượng cao, kết hợp với các dự án du lịch nhằm phát triển và hoạt động đồng bộ các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.
Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM cũng thông tin: Trung Quốc là thị trường siêu lớn, với 1,4 tỉ dân. Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỉ USD, chiếm 23%. Năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam về mặt hàng gạo, trong đó có gạo ST25 của Sóc Trăng. Đầu năm 2024, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần, riêng mặt hàng tôm tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Theo Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, những số liệu thống kê cho thấy, mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Cả hai quốc gia vẫn đang tiếp tục thúc đẩy việc xuất khẩu mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch. Riêng mặt hàng dừa xiêm xuất sang Trung Quốc có thể đạt với 1 tỉ USD. Bánh pía của tỉnh Sóc Trăng đã trở thành món quà mà người Trung Quốc hay mua về khi sang Việt Nam.
Ông Thái Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm bánh pía – lạp xưởng Tân Huê Viên (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) mong muốn Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM hướng dẫn DN xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch vì hiện nay công ty vừa xuất theo 2 đường khẩu tiểu ngạch và chính ngạch nên rất “lộn xộn”. Trên mạng xã hội tại Trung Quốc có rao bán bánh pía mang nhãn hiệu Tân Huê Viên nhưng không phải là sản phẩm của Công ty Tân Huê Viên tại Sóc Trăng.
Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, bày tỏ mong muốn sau hội nghị này, Sóc Trăng sẽ có những dự án tốt từ các DN Trung Quốc.