Hoang mang, lo sợ dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng đến công việc, đi lại và học tập đang là tâm lý chung của bà con người Việt tại "tâm dịch" Ấn Độ.

Người Việt trong 'tâm bão' COVID-19 tại Ấn Độ

TTXVN | 26/04/2021, 09:11

Hoang mang, lo sợ dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng đến công việc, đi lại và học tập đang là tâm lý chung của bà con người Việt tại "tâm dịch" Ấn Độ.

Ấn Độ đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với số ca nhiễm COVID-19 tăng thêm hơn một triệu ca chỉ trong 3 ngày qua, áp đảo hoàn toàn hệ thống y tế mong manh và đẩy nước này đến bờ vực một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trước thực trạng đó, hoang mang, lo sợ dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng đến công việc, đi lại và học tập là tâm lý chung của bà con người Việt tại đây.

Chị Huỳnh Thúy Vy, đang sinh sống và làm việc tại Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Ấn Độ rằng, do tình hình dịch bệnh đang biến phức tạp tại Ấn Độ nói chung cũng như các trung tâm đô thị nói riêng như Delhi, Mumbai, Chennai..., bà con người Việt đều đang gặp vấn đề về kinh tế. Cơ sở chăm sóc sắc đẹp nơi chị Vy làm việc khách đang thưa dần. Mọi hoạt động đều thay đổi, khiến công việc của chị khó khăn hơn trước. Việc học của các con chị cũng không thuận lợi, vì học online trong thời gian dài khiến các cháu khó tiếp thu bài hơn.

Hiện dịch bệnh tại bang Tamil Nadu cũng đang tăng mạnh, với trên 15.000 ca nhiễm mới, riêng thành phố Chennai ghi nhận 4.300 ca trong 24 giờ qua. Từ ngày 26.4, bang này sẽ đóng cửa các trung tâm thương mại, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phòng tập gym, chợ đầu mối... Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, bản thân chị Vy cũng như gia đình hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, trong khi đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất để có sức đề kháng ngăn ngừa dịch bệnh. Trong nhà chị lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một cơ số thuốc cần thiết, để đề phòng trường hợp xấu có thể tự chữa trị tại nhà, vì hiện tại chi phí điều trị ở bệnh viện rất đắt đỏ trong khi các cơ sở y tế đang quá tải, thiếu hụt y tá, bác sĩ và cả trang thiết bị vật tư y tế.

Chị Vy cho biết thêm không chỉ riêng mình gặp khó khăn, có gia đình người Việt Nam qua Chennai chữa bệnh đã bị kẹt lại cả năm nay do dịch bệnh. Họ dự định sẽ về Việt Nam trên chuyến bay tiếp theo, nhưng không rõ chuyến bay có thực hiện được không khi dịch bệnh lại đang bùng phát mạnh, khiến nhiều nước bắt đầu cấm các chuyến bay từ Ấn Độ. Gia đình họ thực sự vất vả trong quá trình điều trị bệnh tại Ấn Độ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Viết Thanh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Odisha, bang Odisha miền Đông Ấn Độ, cũng bày tỏ lo lắng về tình hình dịch bệnh gia tăng có thể ảnh hưởng đến việc học tập của mình. Trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên, anh Thanh đã phải về Việt Nam do trường đóng cửa. Nay anh vừa quay trở lại Ấn Độ để hoàn thành chương trình học thì làn sóng thứ hai lại ập đến.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng điều khiến anh Thanh bất ngờ hơn cả, và lo lắng nữa, là rất nhiều bạn bè anh trong trường cũng như cả người dân ngoài đường không đeo khẩu trang. Họ cũng hay tập trung đông người trong các đền thờ, xung quanh các điểm bán đồ ăn đường phố, không khẩu trang, không gian cách. Nguy cơ dịch bệnh rình rập không đâu xa, ngay trong trường nơi anh Thanh học, một số khu ký túc xá và cả nhà khách đã được sử dụng làm nơi cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Luôn cảnh giác với dịch bệnh, khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn là những hành trang không thể thiếu mỗi khi anh Thanh ra ngoài. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, anh Thanh hạn chế đến nơi đông người và thường nhờ một người bảo vệ biết nói tiếng Anh đi chợ mua đồ. Anh Thanh hy vọng dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ sớm kết thúc, để trường học không bị đóng cửa một lần nữa và anh có thể yên tâm hoàn thành trọn vẹn chương trình học của mình. Anh cũng bày tỏ mong muốn tới đây sẽ được tiêm vaccine khi Ấn Độ mở rộng chương trình tiêm phòng đến những người trên 18 tuổi, để được yên tâm hơn phần nào khi ở giữa tâm bão COVID-19 của thế giới.

Theo Tham tán Đỗ Thanh Hải, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ có khoảng trên 1.000 người, sang Ấn Độ vì nhiều mục đích khác nhau như kết hôn, du học, tu tập, công tác. Ngoài ra, còn có một số người đi tham quan, chữa bệnh nhưng bị kẹt lại.

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, cơ quan đại diện ngoại giao tại địa bàn đã cố gắng thu xếp các chuyến bay để đưa bà con tại Ấn Độ và các nước Nam Á khác về nước tránh dịch. Hiện nay chỉ còn khoảng gần 100 người Việt ở lại học tập, lao động rải rác ở nhiều thành phố trên khắp Ấn Độ. Đại sứ quán thường xuyên liên hệ với đại diện của các nhóm cộng đồng, nắm bắt tình hình bà con, duy trì đường dây nóng để hỗ trợ thủ tục lãnh sự, bảo hộ công dân khi cần thiết. Hiện tại khi chính quyền Delhi đang thực thi lệnh phong tỏa gắt gao và các xe bình thường không được lưu thông, Đại sứ quán đã cử cán bộ mua và cung cấp lương thực, thực phẩm tiếp tế cho những bà con gặp khó khăn.

Trong làn sóng dịch bệnh thứ hai đang bùng phát mạnh, nhiều bà con có nhu cầu hồi hương để tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, Đại sứ quán chưa nhận được thông tin khẩn cấp nào từ cộng đồng, trừ một số kỹ sư người Việt Nam tham gia dự án xây dựng trụ sở Đại sứ quán bị nhiễm COVID-19 ở thủ đô New Delhi.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát dữ dội hiện nay, Đại sứ quán phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa nhưng vẫn duy trì các hoạt động cơ bản để phục vụ công tác bảo hộ công dân khi cần thiết. Một cán bộ của Đại sứ quán cũng đã bị nhiễm bệnh, hiện đang cách ly, sức khỏe ổn định và có tiến triển tích cực.

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã ban hành kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó nêu các biện pháp cụ thể, như rà soát và bổ sung thuốc men, trang thiết bị y tế cá nhân, liên hệ trước với một số bệnh viện để kiểm tra giường bệnh và phương án chữa trị, sẵn sàng triển khai các phương án hành động, ứng phó bình tĩnh, hiệu quả với mọi tình huống, kể cả trong trường hợp xấu nhất khi có người tử vong do COVID-19.

COVID-19 tại Ấn Độ là vấn đề cấp bách đối với toàn thế giới

Theo báo Anh Guardian, thảm họa đang xảy ra ở Ấn Độ dường như là kịch bản tồi tệ nhất mà nhiều người lo ngại về đại dịch COVID-19: không có đủ giường bệnh chữa trị, không thể xét nghiệm, thiếu hụt trầm trọng thuốc men và oxy, đất nước 1,4 tỷ dân đang hứng chịu cơn bão COVID-19 mà chưa thấy hồi kết.

Với nguồn cung vaccine toàn cầu khó có thể dư dả cho đến cuối năm nay, điều cần thiết bây giờ là các nhà lãnh đạo quốc tế cần phải nhận ra bất chấp mục tiêu sau cùng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sáng kiến COVAX là phân phối công bằng các mũi tiêm, đại dịch COVID-19 sẽ có lúc đòi hỏi một khoảng thời gian tập trung hơn “chữa cháy” cho những nơi đang thực sự cần hơn.

Các quốc gia cần phải nhìn xa hơn rằng đại dịch vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu không có sự can thiệp. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nếu để tình trạng virus SARS-CoV-2 lây lan không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm và kéo dài đại dịch.

Thực tế chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có những quan điểm sai lầm về COVID-19 tương tự như các nhà lãnh đạo khác, như cựu Tổng thống Donald Trump nghĩ rằng virus sẽ biến mất một cách đơn giản hay hành động muộn màng của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đại dịch đã “chấm dứt” vào tháng 3 và cho người dân tự do tham gia các sự kiện lễ hội “siêu lây nhiễm” mà không có bất kỳ một biện pháp phòng dịch nào.

Hậu quả là Ấn Độ “vỡ trận” trước làn sóng COVID-19 thứ hai đang diễn ra. Các bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì không còn giường trống, nguồn cung oxy và thuốc men cạn kiệt, máy thở không có sẵn, trong khi nhiều bệnh nhân dồn hết tiền của để tìm cách chữa trị. Trong tình trạng khẩn cấp quốc gia này, oxy lưu lượng cao là thứ khan hiếm nhất, bởi đây là phương pháp điều trị duy nhất giúp cứu sống bệnh nhân.

Ấn Độ đã chứng kiến ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày vượt con số cao chưa từng thấy. Hiện tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt 16,96 triệu người, trong đó 192.311 người không qua khỏi.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Ấn Độ và các nước trên không chỉ là hệ thống y tế mỏng manh và công tác kiểm soát yếu kém mà còn là khả năng ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với toàn cầu, có lẽ trên quy mô chưa từng thấy trong đại dịch.

Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh Ấn Độ được cho là cơ sở cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX phân phối tới quốc gia nghèo hơn giờ đây phải chuyển hướng để giải quyết nhu cầu trước mắt của Ấn Độ. Theo số liệu thống kê, trong tháng này, Ấn Độ chỉ xuất khẩu 1,2 triệu liều vaccine ra nước ngoài thay vì 64 triệu liều như cách đây 3 tháng.

Để đưa Ấn Độ thoát khỏi “cảnh địa ngục” do đại dịch COVID-19 mang lại, nhiều quốc gia đã khẩn trương đưa ra lời đề nghị giúp đỡ. Trung Quốc luôn đẩy mạnh chính sách ngoại giao vaccine tuyên bố “sẵn sàng hỗ trợ” Ấn Độ, mặc dù thông tiết chi tiết vẫn chưa được nêu cụ thể.

Chính phủ Anh khẳng định sẽ vận chuyển 495 máy tạo oxy, 120 máy thở không xâm lấn và 20 máy thở thủ công tới Delhi trong khi Đức có kế hoạch gửi máy tạo oxy và các thiết bị khác sang quốc gia châu Á. Mỹ cũng cam kết “triển khai nhanh chóng” hỗ trợ nhân viên y tế tại Ấn Độ. 


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
7 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt trong 'tâm bão' COVID-19 tại Ấn Độ