Bản tin sáng 24.4 của Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca mắc COVID-19 đều là người nhập cảnh đã cách ly.
- CA BỆNH 2831 (BN2831) ghi nhận tại tỉnh Yên Bái: Bệnh nhân nam, 49 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia.
Bệnh nhân trên từ Ấn Độ quá cảnh Dubai, sau đó nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 18.4.2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Yên Bái.
Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 23.4.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
- CA BỆNH 2832 (BN2832) ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Vân Đồn ngày 20.4.2021 trên chuyến bay VJ7837 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thái Bình.
Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 23.4.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.832 bệnh nhân; đang tổ chức cách ly cho 39.191 người, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 518
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.688
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.985 người
Đông Nam Á: Thêm 19.858 ca mắc COVID-19
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23.4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.858 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên gần 65.750 người.
Trong 24 giờ trước đó, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp đôi “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước. Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang nóng nhất khu vực ASEAN.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 17 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 23.4 ghi nhận thêm 2.070 ca bệnh mới và 4 ca tử vong.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 662 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 23.4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 65.749 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 347 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.267.053 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.940.948 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Tại Campuchia, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Campuchia đã lên tới gần 9.000 người sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận 654 ca lây nhiễm mới trong ngày 23.4. Về tỷ lệ lây nhiễm trong cả nước, thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preah Sihanouk vẫn có số ca nhiễm mới cao nhất, giống như những ngày qua, dù cả hai nơi này đều đã ban bố lệnh phong tỏa chống dịch.
Campuchia tiếp tục siết chặt lệnh phong tỏa với việc thực thi nghiêm những biện pháp hành chính tại nhiều địa phương. Liên tiếp trong 2 ngày qua, theo báo cáo của lực lượng hiến binh, đã có 26 người bị bắt giữ vì vi phạm lệnh phong tỏa cấm đi lại giữa các tỉnh, trong đó có 18 người tại tỉnh Banteay Meanchey (16 người Indonesia và 2 người Campuchia); 8 người tại Kep (7 người Việt Nam và 1 người Campuchia) khi di chuyển bằng đường biển từ Preah Sihanouk để tìm đường bộ về Việt Nam.
Ngày 23.4, Campuchia thông báo truy tố Trung Tướng Sum Pov - Phó Trưởng nhóm công tác Nghiên cứu chiến lược quân sự thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) - cùng 6 đồng sự vì liên quan vụ đưa lậu 28 người Trung Quốc từ Phnom Penh đến Svay Rieng. Thống tướng Vong Pisen, Tổng Tư lệnh RCAF, đã chỉ đạo lực lượng chức năng tỉnh Svay Rieng xử lý nghiêm theo pháp luật đối với Trung Tướng Sum Pov.
Tại Lào, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 ngày 23.4 xác nhận nước này có thêm 65 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 mới, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, bao gồm 60 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo và 1 ca ở tỉnh Viêng Chăn. Đây là mức tăng trong ngày cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Lào.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, ông Phouthone Meuangpak đánh giá tình hình dịch bệnh hiện tại là “chưa từng có”, khi xuất hiện các ca nhiễm ở 8 tỉnh/thành trên cả nước.
Theo thông tin ban đầu, 60 ca nhiễm mới ở thành phố Viêng Chăn đều có liên quan đến các địa điểm có nguy cơ cao đã được công bố trước đó, hầu hết là những nơi mà bệnh nhân thứ 59 hoặc các bạn của cô này từng đến.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, thêm nhiều tỉnh của Lào đã ra lệnh hạn chế đi lại và tạm thời cấm ra vào tỉnh như: tỉnh Khammuan, Bolikhamxay, tỉnh Viêng Chăn và Xieng Khouang. Theo đó, các tỉnh này hầu hết đều ra lệnh cấm người dân rời khỏi địa phương, yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, không ra khỏi nơi cư trú; đóng cửa tạm thời mọi cơ sở giáo dục; không tiếp nhận người ngoại tỉnh, trừ một số trường hợp được cho phép; yêu cầu thiết lập trạm kiểm soát ở cửa ngõ các địa phương; cấm tổ chức tụ tập, hội họp, lễ tiệc quá 20 người; tiếp tục đóng cửa tụ điểm giải trí, karaoke, quán ăn uống, internet cà phê, công viên, điểm vui chơi…; tiếp tục đóng các cửa khẩu biên giới đối với trường hợp phổ thông, những người được Ủy ban chuyên trách cấp phép có thể nhập cảnh nhưng phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Trước đó, để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Xayaboury, tỉnh Bokeo ở Bắc Lào và tỉnh Sekong ở Nam Lào cũng đã ban bố lệnh phong tỏa tạm thời trong 14 ngày.
Tại Thái Lan, chính quyền nước này vừa đưa ra cảnh báo rằng nếu số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tiếp tục ở mức 1.500 ca/ngày thì tất cả các giường chăm sóc tích cực (IUC) ở thủ đô Bangkok sẽ kín bệnh nhân trong vòng 1 tuần và trên toàn quốc trong vòng 19 ngày.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan ngày 23.4 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục, với 2.070 ca trong vòng 24 giờ. Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xác nhận tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tính đến hiện tại là 50.183 ca. CCSA cũng cho biết có thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này ở Thái Lan lên 121.
Trước đó, ngày 22.4, Thái Lan ghi nhận 7 ca tử vong do COVID-19, mức cao kỷ lục tính theo ngày kể từ khi đại dịch xuất hiện ở quốc gia Đông Nam Á này đầu năm ngoái.
Trong số 2.070 ca nhiễm mới ghi nhận ngày 23.4, thủ đô Bangkok có 740 ca, tiếp theo là các tỉnh Chiang Mai (237 ca), Chonburi (125 ca) và Samut Prakan (79 ca). Trong khi đó, Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) của Thái Lan đã công bố lịch tiêm 61 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong nửa cuối năm nay. Theo DDC, 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm trong tháng 6, sau đó là 10 triệu liều mỗi tháng từ tháng 7 đến tháng 11, và 5 triệu liều trong tháng 12.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 858.542 trường hợp mắc COVID-19 và 13,236 ca tử vong.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 146 triệu ca bệnh, trong đó trên 3 triệu người không qua khỏi.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 584.959 ca tử vong trong tổng số 32.725.180 ca nhiễm.
Tiếp đó là Ấn Độ với 187.390 ca tử vong trong số 16.378.571 ca bệnh. Đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 332.730 ca mắc mới COVID-19 và 2.263 ca tử vong. Cả hai con số này đều là những con số ghi nhận theo ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở quốc gia Nam Á này. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới hơn 300.000 ca. Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Một số kỳ thi trung học đã phải hoãn hoặc hủy do tình hình dịch bệnh xấu đi.
Dịch bệnh gia tăng khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Australia, Canada, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Singapore, Indonesia, siết chặt các biện pháp, trong đó có hạn chế và đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ, cũng như không cho phép nhập cảnh hoặc quá cảnh đối với những người đã đến quốc gia Nam Á này trong vòng 14 ngày.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây gồm: Osaka, Kyoto và Hyogo. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 4 tỉnh, thành này.
Quyết định trên, có hiệu lực từ ngày 25.4 tới ngày 11.5, được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhất là số ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, ở các tỉnh, thành này đã tăng mạnh trong những tuần qua, khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, trong khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng đang tới gần.