Bản tin sáng 26.4 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam đều cách ly ngay khi nhập cảnh. Theo đó:
- CA BỆNH 2844 (BN2844) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 28 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu.
- CA BỆNH 2845 (BN2845) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 35 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 23.4.2021, BN2844-2845 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam.
Kết quả xét nghiệm ngày 25.4.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.
- CA BỆNH 2846 (BN2846) ghi nhận tại TP Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Ngày 20.4.2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay QH9413 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Đà Nẵng.
Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 25.4.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Như vậy, tới thời điểm này, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.846 bệnh nhân. Đã có 209.632 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Campuchia: Dịch bệnh lây lan tại 22/25 tỉnh thành Campuchia
Dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia, trong đó tỉnh Banteay Meanchey giáp giới với Thái Lan lần đầu tiên đã công bố một số điểm nóng dịch bệnh. Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 25.4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp. Toàn bộ 616 ca nhiễm mới đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20.2”, gồm công dân Campuchia và Trung Quốc sống tại các tỉnh Kampong Speu, Koh Kong, Kampong Chnang, Kandal, Kampong Thom, Mondulkiri, Svay Rieng, Prey Veng, Takeo, Sihanoukville và thủ đô Phnom Penh.
Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 9.975 bệnh nhân COVID-19, bao gồm 74 ca tử vong.
Thái Lan: Ca tử vong lần đầu lên 2 con số
Ngày 25.4, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì đại dịch COVID-19 theo ngày ở mức hai con số, trong khi số ca mắc mới trong 24 giờ qua vẫn vượt ngưỡng 2.000 người.
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo ghi nhận thêm 2.438 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số các ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 55.460 ca. CCSA cũng ghi nhận 11 người tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì COVID-19 lên 140 bệnh nhân.
Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức cao kỷ lục là 2.839 ca. Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết các tỉnh trưởng có thể đóng cửa các địa điểm công cộng và áp đặt lệnh giới nghiêm nếu cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cùng ngày, Thái Lan đã thông báo lệnh cấm người nước ngoài từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm một biến thể của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm như công viên, phòng tập thể dục thể thao, rạp chiếu phim và trung tâm và nhà trẻ từ ngày 26/4 đến hết ngày 9.5. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa song Hiệp hội Các nhà bán lẻ Thái Lan đã giới hạn giờ mở cửa tại Bangkok, cũng như tại 17 tỉnh khác.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 8.805 ca tử vong và trên 690.000 ca nhiễm mới. Tình hình Ấn Độ nguy cấp khi số ca nhiễm mới liên tiếp phá kỷ lục thế giới, lần đầu vượt ngưỡng 350.000 ca trong 24 giờ qua, tương đương một nửa toàn cầu.
Ấn Độ lại kỷ lục kinh hoàng trên 350.000 ca nhiễm/24 giờ
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26.4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 147.763.698 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.121.769 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 710.912 và 9.270 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 125.711.613 người, 18.930.316 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 110.480 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (354.531 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (38,553 ca) và Mỹ (34.268); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.806 ca), tiếp theo là Brazil (1.188 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (347 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.823.921 triệu người, trong đó có 586.148 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 17.306.300 ca nhiễm, bao gồm 195.116 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 14.340.787 ca bệnh và 390.797 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới cao nhất thế giới và cũng là cao nhất tại nước này từ trước tới nay, với 354.531 ca.
Đây là ngày thứ năm liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Nam Á này vượt con số cao chưa từng thấy của ngày hôm trước, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy. Trước tình hình trên, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã quyết định gia hạn thêm 1 tuần lệnh phong tỏa tại thành phố này nhằm kiểm soát dịch bệnh. Theo ông, phong tỏa là "vũ khí cuối cùng" mà chính quyền có để đối phó với làn sóng dịch bệnh, song do ca nhiễm tăng nhanh nên chính quyền buộc phải dùng tới.
Trong tuần từ 18 đến 25.4, Ấn Độ ghi nhận 16.257 ca tử vong, tăng tới 89% so với tuần trước đó. Hiện nước này đã ghi nhận tổng cộng 195.116 người thiệt mạng vì COVID-19.
Mỹ, Pháp, Anh hỗ trợ Ấn Độ
Ngày 25.4, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ - quốc gia đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho biết nước này sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở "quan trọng" trong những ngày tới, để giúp quốc gia Nam Á này chống chọi lại với đại dịch COVID-19. Theo thông báo, kế hoạch hỗ trợ của Pháp bao gồm cả các máy trợ thở.
Trước đó, chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở, tới Ấn Độ để hỗ trợ quốc gia Nam Á này đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19.