Mùng 2 tết, đang ngủ trưa tôi bỗng giật mình thức giấc vì âm thanh quá lớn của nhà hàng xóm. Tôi biết, đó là thời điểm mọi người đã uống ngà ngà say và bắt đầu cuộc hát hò.

Người Việt và tâm lý ‘tết mà’

Trương Chí Hùng | 17/02/2021, 16:41

Mùng 2 tết, đang ngủ trưa tôi bỗng giật mình thức giấc vì âm thanh quá lớn của nhà hàng xóm. Tôi biết, đó là thời điểm mọi người đã uống ngà ngà say và bắt đầu cuộc hát hò.

Dĩ nhiên, tiệc đó còn kéo dài đến chiều tối hoặc tận khuya. Tôi lẩm bẩm than thở vài câu, liền bị người nhà ngắt lời. Ai cũng bảo: “Tết mà, cứ để người ta thoải mái đi”.

nguoi-dan-don-tet-trong-tam-trang-lo-lang-vi-dich-benh-1-.jpg
Mua sắm dịp tết - Ảnh: Chí Hùng

Không chỉ riêng người nhà tôi, mà hầu như với tất cả mọi người, ai cũng mang tâm lý “Tết mà”. Nghĩa là mấy ngày tết, người ta tự cho phép mình và người khác được làm những việc khác ngày thường, thậm chí là những việc không tốt. Chẳng hạn được phép xài tiền nhiều hơn ngày thường, được nhậu nhẹt thả ga, được đi chơi thoải mái, được hát hò suốt ngày, hoặc có người còn cờ bạc, đá gà và tham gia vào bao thứ tệ nạn khác.

Vẫn biết cái gì cũng có nguyên nhân của nó, và tâm lý “tết mà” của bà con mình cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, nếu để tâm lý này biến thành một trào lưu vượt quá giới hạn thì chắc chắn sẽ tạo ra những hệ lụy không mấy tốt đẹp.

Người Việt ta vốn dĩ xem “tháng giêng là tháng ăn chơi”, ba ngày xuân bốn ngày tết thì phải tận hưởng, phải chơi xả láng. Tâm lý này xuất phát từ truyền thống đón tết xưa kia của dân ta thường rơi vào thời điểm nông nhàn, nên bà con có nhiều thời gian để vui chơi, giải trí. Các lễ hội văn hóa lâu đời cũng thường diễn ra vào dịp đầu năm, nên người dân tha hồ “ăn tết, chơi tết” cho đến khi hạ nêu hoặc hết tháng giêng.

Đến thời hiện đại, khi chúng ta đã chuyển sang cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng tâm lý “ăn tết xả láng” theo lối sống và phong tục của một nước thuần nông vẫn còn ảnh hưởng khá đậm đối với đại bộ phận người dân.

Không ít công nhân "ăn tết chưa xong" nên công ty hoạt động lại cũng không thèm tới làm việc, đến khi có mặt thì bị công ty sa thải, phải tìm công việc khác. Tâm lý ngày tết chỉ ăn chơi chứ không cần làm gì đôi khi dẫn đến bê trễ công việc, thất thoát tài sản. 

Mùa xuân thường gợi cho chúng ta cảm giác khoan khoái dễ chịu. Ngày tết cũng tạo cho con người tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà chúng ta bao dung hơn với tất cả mọi thứ xung quanh. Bởi vậy, nhiều bà vợ thấy các ông chồng có uống quá chén một chút cũng thông cảm. Mấy ông chồng thấy vợ mình mua sắm quá tay một chút cũng vui vẻ chấp nhận. Cha mẹ có thấy con cái đi chơi về trễ một chút cũng bỏ qua. Và chúng ta có nghe thấy những nhà hàng xóm hát hò thâu đêm suốt sáng thì đôi khi cũng kệ họ chớ không phàn nàn góp ý như ngày thường.

Những điều này không hẳn là xấu, nếu chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Còn khi vượt quá giới hạn, đôi khi nó tạo ra hệ lụy không tốt. Ví dụ như, những tiêu xài “vung tay quá trán” của bà con mình vào dịp tết đôi khi thành sự lãng phí. Xài tết thì rất hào hứng nhưng khi trở lại cuộc sống bình thường phải rất vất vả mới có thể bù đắp được khoản chi mấy ngày tết, đâm ra ngao ngán. Chưa kể nhiều người vì ăn chơi quá đà dịp tết nên sau đó sức khỏe bị ảnh hưởng, thậm chí còn đổ bệnh, vừa vui đó rồi lại buồn đó, chắc không ai mong muốn.

Một tệ trạng mà năm nào cũng lặp đi lặp lại rất nhức nhối cho toàn xã hội, đó chính là tai nạn giao thông xảy ra vào dịp tết. Nhiều người ý thức kém, sau khi ăn uống nhậu nhẹt say sưa còn cố tình điều khiển xe cộ gây tai nạn, khiến tang thương cho bản thân và người khác. Năm nào chúng ta cũng cảnh báo, cũng lên án và dùng nhiều biện pháp để khắc phục nhưng số vụ tai nạn và số ca tử vong do tai nạn giao thông dịp tết vẫn rất cao.

Tết Tân Sửu này, theo báo cáo của Cục CSGT, chỉ trong 7 ngày trước và sau Tết thôi đã có đến 182 vụ tai nạn giao thông, làm 109 người chết và 123 người bị thương. Đó là những con số đáng buồn, cứ mỗi dịp tết chúng ta lại phải nghe. Còn nhiều vụ gây gổ, đánh nhau, đâm chém nhau gây mất mát tình làng nghĩa xóm do ăn nhậu quá đà, do hát hò ồn ào dịp tết thì chưa thấy cơ quan ban ngành nào thống kê, nhưng chắc chắn là có.

Đó là những nốt trầm buồn trong bản nhạc xuân vui tươi. Chẳng ai trong chúng ta mong muốn vậy. Khi nào dân mình còn tâm lý ăn tết chơi tết theo kiểu xả láng như hiện nay thì chắc rằng khó lòng có một cái tết vui vẻ trọn vẹn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
FPT, Vinaconex 'đau đầu' về giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Vinaconex, FPT cho biết còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt và tâm lý ‘tết mà’