Dịp cận Tết Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn. Nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nguồn cung thịt lợn dịp Tết Ất Tỵ sẽ bị ảnh hưởng nếu không chủ động sớm

Tuyết Nhung 14/08/2024 20:20

Dịp cận Tết Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn. Nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững ngày 14.8.

thit-lon.jpeg
Tổng đàn lợn của cả nước tính đến tháng 7.2024 đạt hơn 25,5 triệu con - Ảnh: Internet

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Tiến cho biết, ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến tháng 7.2024 đạt hơn 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Chăn nuôi lợn hiện tập trung nhiều nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 22,9%).

Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây như: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai... Riêng tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng đàn lợn liên tục được duy trì, hiện đạt tổng đàn hơn 1,48 triệu con.

Cùng với tăng trưởng về tổng đàn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng có sự gia tăng. Năm 2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của cả nước đạt trên 4,8 triệu tấn, tăng 6,7% so với năm 2022. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn đạt gần 2,54 triệu tấn (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023).

Bên cạnh năng lực sản xuất có quy mô ngày một phát triển, Việt Nam tiếp tục duy trì nhập khẩu thịt lợn nhằm đa dạng hóa nguồn cung. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 128.700 tấn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (đàn lợn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023). Như vậy, có thể thấy, chăn nuôi lợn của Việt Nam là ngành chủ lực rất quan trọng, đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam, cũng như thế giới, hiện nay đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tình trạng kháng kháng sinh,... đặc biệt vấn đề quản lý môi trường đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết. Với đặc thù chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu quy mô chăn nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; xử lý môi trường chăn nuôi còn bất cập.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thịt lợn hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong “rổ thực phẩm” của người tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn luôn là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng tổng đàn lợn được duy trì. Sản lượng thịt lợn cũng ngày một tăng, đáp ứng cơ bản đầy đủ nhu cầu về thịt lợn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, giá thịt lợn từ cuối năm 2023 đến nay cũng khá tốt, bảo đảm có lợi cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, dịp cuối năm, cận Tết Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị.

Thứ trưởng Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang ban hành kế hoạch thực hiện các đề án thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Việc triển khai các dự án ưu tiên trong các đề án chiến lược sẽ tạo ra cú hích quan trọng cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Bài liên quan
Con rể cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 nhờ người bán thịt lợn đứng tên cổ phần
Người làm chứng nói rõ việc được con rể cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 nhờ đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn cung thịt lợn dịp Tết Ất Tỵ sẽ bị ảnh hưởng nếu không chủ động sớm